
Giai Thoại Văn Chương Việt Nam – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
CON AI CON ẤY !… ĐỨA NÀO ĐỨA NÀY !
Các ông Nho-học thường không ngớt ca tụng bên Trung-quốc có những bực thần đồng như Vương-Bột đời Đường mới 16 tuổi đã văn-chương nổi tiếng lừng lẫy.
Các ông Tây-học cũng luôn miệng khen các nhi đồng Âu, Mỹ có cậu mới hơn 10 tuổi đã làm toán rất tài, và như Beethoven, thì tuyệt, mới 6, 7 tuổi đã khét danh âm nhạc.
Đối với các cậu thần đồng ấy, hỏi ai không phải lấy làm lạ, và mến phục. Nhưng ở nước Nam ta đâu phải không có những hạng người như thế, mà còn hơn thế nữa. Thí-dụ như Trạng-nguyên Nguyễn-Hiền ở đời Trần, tục gọi là Trạng Non.
Hiền thi đỗ lúc mới 13 tuổi. Khi vào triều kiến, nhà vua hỏi : Trạng học ai ?
Nguyễn-Hiền tâu : Thần học thần.
Nhà vua cho Trạng tuổi còn non, chưa biết lễ, nên bảo về nhà học thêm ít năm rồi sẽ ra làm quan.
Nguyễn-Hiền về được ít tháng, sứ-giả Trung-quốc đem sang một bức thư nhờ nước Nam giảng hộ bốn câu thơ :
Lưỡng nhật bình đầu nhật, 兩日平頭日
Tứ san điên đảo san. 四山顛倒山
Lưỡng vương tranh nhất quốc, 兩王爭一國
Tứ khẩu tung hoành giang. 四口從橫江
Đọc 4 câu thơ, các triều thần không ai biết nghĩa lý gì. Nhà vua phải sai sứ đi mời Trạng Nguyễn-Hiền vào hỏi.
Khi sứ giả tới làng, gặp một đứa nhỏ rất khôi ngô đang chơi ở ngoài đường. Sứ giả lại hỏi thăm nhà Nguyễn-Hiền, xong ngâm rằng :
Tự là chữ, bỏ đằng đầu chữ tử là con, con ai con ấy. 1
Sứ-giả đọc xong, đứa nhỏ ứng khẩu đối lại ngay :
Vu là chưng, cắt ngang lưng chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này. 2
Sứ giả giật mình muốn hỏi, nhưng đứa trẻ đã ù chạy. Khi sứ giả tới nhà mới biết cậu ta là Nguyễn-Hiền. Thấy Nguyễn-Hiền đang hý hoáy trong bếp, sứ giả đọc : Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà vi cận táo. 吾聞君子遠庖廚何為近竈. Nghĩa là ta nghe người quân-tử phải xa nơi bếp núc, mà sao lại gần chỗ ông táo.
Nguyễn-Hiền đáp : Ngã bản dĩ quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh. 我本以官居鼎鼐可暫調羹. Nghĩa là chức ta đáng lẽ phải ở nơi sanh vạc (chức tể-tướng) nhưng mà hãy tạm nấu canh đây.
Sứ giả đưa chiếu vua vời ra, Nguyễn-Hiền không chịu đi, bảo :
– Ông hãy trở về tâu với thiên tử, ngày trước thiên tử chê tôi là kém lễ không dùng. Tôi nghĩ thiên tử chắc hẳn phải nhiều lễ hơn tôi. Nhưng sao bữa nay cho ông đi vời tôi lại không có mao việt. Tôi không đi, chừng nào thiên tử lấy lễ cho vời tôi mới tới.
Sứ giả về tâu, nhà vua phải sai lính lấy kiệu và cờ quạt, dùng đúng nghi lễ Trạng-Nguyên đến mời, Nguyễn-Hiền mới chịu đi.
Tới nơi, nhà vua đem 4 câu thơ ra, Nguyễn-Hiền lấy bút viết lên chữ « điền » và nói : Tất cả 4 câu này cũng chỉ là một chữ « điền » thôi.
Sứ giả Trung-quốc thấy Nguyễn-Hiền giảng được phải phục nước Nam có người giỏi, và không dứt lời khen họ Nguyễn là một bực thông minh kỳ dị.
Nguyễn-Hiền ra về, nhà vua định ít năm sẽ vời ra làm quan. Nhưng chưa kịp thì ông đã từ trần.
Đó, các bạn thấy chưa ?
Phải đâu là nước Nam mình xưa không có những người thông minh tài giỏi rất sớm như bên Trung-quốc và các nước Âu-Mỹ.
Nếu các bạn còn nghi hoặc, còn chưa tin lời nói của chúng tôi là đúng, và chuyện trên này là không có thì xin hãy lần lại bộ sử của nước nhà, và xin đọc tiếp những chuyện sau về sự tích của các ông Vũ-Công-Duệ, Lương-Hữu-Khánh, Lê-Quý-Đôn, v.v…
NHO HỌC VÀ LÃO HỌC CHOẢNG NHAU
Từ trước đến nay, chúng ta đã nghe rất nhiều chuyện giữa các cụ Nho-học và Lão-học, Phật-học chế giễu công kích nhau. Nhưng thật ra chưa có chuyện nào đáng kể là hay bằng câu chuyện dưới đây của cụ Trạng-nguyên Lương-Thế-Vinh, người làng Cao-hương, huyện Vụ-bản, tỉnh Nam-định. Cụ thi đỗ từ năm mới 23 tuổi, về đời vua Thánh-Tôn nhà Lê, tục gọi là Trạng Lường.
Hồi cụ còn là một thư sinh, trong làng có một ông thầy pháp. Ông này cũng khá gọi là một tay văn chương sành sỏi, và lại có tài về họa nữa.
Bởi tánh ghét đạo Khổng và tôn sùng đạo Lão, đạo Phật, nên ông vẽ một bức tranh hai ông Thích-Ca và Lão-Tử ngồi nói chuyện trên ván còn ông Khổng Tử thì quỳ ở dưới đất.
Bức tranh này, ông treo ngay giữa gian nhà khách để chế các cụ đồ. Các cụ trong làng, ai nấy đều bực mình về bức họa của ông, xem như một cái gai ở trước mắt, nhưng không biết làm sao mà gỡ.
Một hôm, cậu thư sinh họ Lương đến chơi.
Muốn để thử tài cậu vì nghe tiếng cậu là một đứa bé rất thông minh, ông thầy pháp chỉ lên bức tranh và bảo cậu đề cho một bài thơ.
Bút mực đem ra, bức tranh được hạ xuống, cậu Lương sắn tay áo viết liền :
Thích-Ca tụng đạo, 釋迦誦道
Lão-Tử cầu kinh. 老子求經
Khổng-Tử văn chi, 孔子聞之
Tiếu-nhi trụy địa. 笑而墜地
Nghĩa là :
Ông Thích-Ca tụng đạo,
Ông Lão-Tử cầu kinh,
Ông Khổng-Tử nghe nói,
Tức cười lăn xuống đất.
Cậu viết đến câu thứ ba, ông thầy pháp xem bộ vẫn còn vẻ hiu hiu tự đắc, nhưng đến câu kết tức câu thứ tư thì thầy tím hẳn ngay mặt lại.
Ông Thích-Ca với ông Lão-Tử ngồi nói chuyện với nhau mà đến nỗi ông Khổng-Tử phải cười lăn xuống đất thì còn gì tệ bằng.
Bức tranh vẽ thật công phu và dụng ý, ấy thế mà chỉ bốn câu, cậu thư sinh họ Lương xoay trái ngay hẳn lại, làm thành một bức tranh xé bỏ, để vào như thế thì còn mặt mũi nào mà chưng lên nhà khách nữa.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.