Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

CON NGƯỜI VI PHẠM NHỮNG LUẬT LỆ CỦA THIÊN NHIÊN

Người-vượn cầm hòn đá hay cái gậy trong tay: nó cảm thấy mình khỏe mạnh và tự do hơn trước rồi. Từ nay trở đi, có hoa quả ăn được ở gần hay không, không phải là việc quan trọng đối với nó nữa. Người-vượn có thể đi xa nơi trú ẩn, đi tìm thức ăn ở ngoài khu rừng quê hương, tới những nơi xa lạ, dừng lại lâu ở những chỗ quang cây, tóm lại là có thể vi phạm tất cả những luật lệ hạn chế từ thời tổ tiên xưa.

Như vậy là ngay từ khi bắt đầu bước vào cuộc đời phiêu lưu của mình, con người đã tự đặt mình ra ngoài “vòng pháp luật” của thiên nhiên, đã là một kẻ nổi loạn chống lại tạo hóa.

Các bạn hãy nghĩ xem: một con vật vốn sống ở trên cây mà bây giờ dám cả gan tụt từ trên ngọn cây xuống để đi trên mặt đất. Hơn thế nữa, nó, lại đứng trên hai chân sau và có dáng đi trái hẳn tự nhiên. Và táo tợn nhất là nó tìm kiếm ra những thức ăn mới mà tổ tiên nó chưa hề biết, và nghĩ ra những phương pháp hoàn toàn mới để kiếm những thức ăn mới đó.

Trong thiên nhiên, có thể nói rằng các con vật và cây cỏ bị ràng buộc chặt chẽ với nhau bằng những “dây xích thức ăn”. Con sóc thường ăn hạt quả thông, và con cáo phương bắc lại ăn thịt sóc. Con sóc còn ăn cả hạt dẻ và nấm nữa. Mà không riêng gì con cáo săn đuổi con sóc, diều hâu cũng ưa chén thịt sóc. Thế là lại có thêm một dây xích: nấm, hạt dẻ – sóc- diều hâu. Tất cả mọi thú rừng đều bị ràng buộc với nhau bằng những dây xích tương tự.

Đã có một thời kỳ, cả người-vượn của ta cũng bị dây xích thức ăn đó trói buộc chặt vào toàn bộ thế giới mênh mông: người-vượn hái quả để ăn, và lại đến lượt các thú dữ như con hổ răng lưỡi gươm ăn thịt nó.
Thế mà bây giờ bỗng nhiên người-vượn nổi dậy, giật tung những dây xích vô hình kia. Nó đi kiếm những thức ăn xưa nay chưa hề ăn, và không chịu đem thân làm mồi cho hổ răng lưỡi gươm hung dữ, là con vật trải qua nghìn vạn năm đã quen ăn thịt tổ tiên người-vượn rồi.

Sự táo bạo đó do đâu mà có? Vì sao người-vượn dám cả gan tụt trên cây xuống, mạo hiểm đi trên mặt đất là nơi có nanh vuốt các loài thú dữ lớn đang rình anh ta trên mỗi bước đường? Có thể ví như một chú mèo nhảy từ trên cây xuống mà biết rằng một con chó hung dữ đang rình dưới gốc cây…

Chính bàn tay đã giúp cho người nguyên thủy trở nên can đảm như vậy. Hòn đá và cái gậy mà anh ta dùng để kiếm thức ăn cũng giúp anh tự vệ nữa. Công cụ đầu tiên đó cũng đồng thời là vũ khí đầu tiên.

Hơn nữa, anh ta không đi mạo hiểm như vậy một mình đâu!

Cả một bầy lũ có vũ khí cùng đi với nhau để khi cần đến thì hợp lực chống lại các cuộc tấn công của thú dữ. Lửa cũng là một khí giới của người. Chỉ mới trông thấy lửa, các thú vật đã khiếp sợ, đến nỗi những con thú dữ và táo tợn nhất cũng phải rút lui.

THEO DẤU VẾT NHỮNG CÁNH TAY

Từ cây xuống đất, từ rừng ra thung lũng bên các dòng sông; đó là con đường tiến hóa của con người, khi con người đã rứt bỏ được dây xích ràng buộc nó với rừng cây.

Tại sao ta biết chắc là con người đi đến các thung lũng trước tiên?

Chính là vì anh ta đã để lại những vết tích hãy còn giữ nguyên đến bây giờ.

Đáng chú ý không phải là những vết chân như ta tưởng, mà lại là dấu vết do các bàn tay để lại.

Cách đây một trăm năm, trong thung lũng của dòng sông Xom ở nước Pháp có những công trường lớn khai thác sỏi, cát và đá lát đường.

Đã lâu lắm, khi con sông Xom mới ra đời, bắt đầu tràn xuống hạ lưu, thì dòng sông chảy xiết cuốn cuộn mang theo cả những hòn đá lớn. Những hòn đá đó cọ xát mạnh vào nhau trong khi bị nước cuốn đi, mòn dần thành những đá cuội, đá sỏi nhẵn nhụi. Về sau, khi dòng sông trở nên hiền hòa, êm ả thì những đá cuội và đá sỏi đó bị lấp dưới những lớp cát và đất sét.

Bây giờ những người thợ đá đến cuốc đất để lấy sỏi lên.

Nhưng kỳ lạ chưa! Có nhiều hòn đá cuội không nhẵn nhụi mà lại gồ ghề như có bàn tay nào đẽo gọt ở hai mặt. Do đâu mà đã có hình dạng đó? Tất nhiên không phải do tác động của nước chảy, vì nước chảy chỉ làm đá mòn nhẵn đi.

Những hòn đá cuội kỳ lạ đó được một nhà thông thái ở địa phương tên là Bút-sê Đờ Péc-tơ chú ý. Nhà bác học này đã sưu tầm một lô rất phong phú những vật đặc biệt, tìm thấy dưới những lớp đất trên bờ sông Xom, bao gồm những ngà voi “ma-mút” khổng lồ, những sừng tê giác, những xương sọ của giống gấu ở hang… Chắc hẳn những con quái vật đó trước kia đã đến đây uống nước, như những con ngựa, cừu ta nuôi bây giờ.

Còn dấu vết con người tiền sử thì ông Đờ Péc-tơ đã dày công tìm kiếm mà chẳng thấy gì.

Nhưng rồi ông chú ý đến những hòn đá cuội kỳ dị kia còn nằm trong đất cát. Ai đã đẽo gọt những hòn đá đó? Ông Đờ Péc-tơ cho rằng chỉ có thể là con người mà thôi.

Nhà bác học cảm động ngắm nghía các hòn đá cổ xưa. Không tìm thấy xương của những người nguyên thủy, nhưng những hòn đá kia chẳng phải là kết quả lao động của những con người đó ư? Chỉ có bàn tay con người mới có thể đẽo gọt được những hòn đá đó.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x