
Góc nhìn Sử Việt – Quang Trung – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
BẮC TIẾN
Cưỡi gió đông nam
Ngô Cầu đã rụng đầu!
Bản đồ Thuận Quảng đã bôi lại màu sắc.
Keo thứ nhất vật Trịnh đã hái được những tiếng hò reo đắc thắng lẫy lừng!
Nguyễn Huệ, từ đây, tự do nhẩy múa quát thét trên vũ đài quân sự và chính trị…
Đứng bên Huệ, Cống Chỉnh “lên dây cót” cho “đồng hồ thời cục” một phen xoay chuyển…
Chỉnh nói với Nguyễn Huệ:
– Việc binh, cốt quý thần tốc. Tướng quân mới đánh một trận đã lấy được Thuận Hóa: cái oai thần võ ấy làm cho mảnh đất Bắc Hà đã phải rung động! Tình thế dễ dàng như giương thẳng dao chẻ tre! Tướng quân nên thừa thắng, cứ đánh dấn đi, thì lấy thiên hạ chắc dễ như trở bàn tay. Vả, hành binh có ba điều: “thời”, “thế” và “cơ”. Nếu gặp dịp có đủ ba điều ấy thì đâu chẳng nắm được phần thắng? Ngoài Bắc bây giờ: tướng biếng nhác, quân kiêu rông, triều đình không có kỷ cương gì cả! Ta nhân dịp đại thắng này mà kéo quân ra diệt kẻ loạn vong, có khó gì? Xin Tướng quân đừng bỏ qua “cơ”, “thời”, “thế” này!
Huệ trầm ngâm:
– Bắc Hà nhân tài còn nhiều, coi khinh thế nào đặng?
– Nhân tài ngoài Bắc chỉ có một Chỉnh này thôi. Chỉnh đã đi rồi, thì nước rỗng không! Xin Tướng quân đừng ngờ.
Huệ cười:
– Chẳng đáng ngờ người nào khác, có chăng chỉ đáng ngờ ông.
Chỉnh thất sắc, xin lỗi:
– Ý tôi muốn nói quá đi như thế: Chỉnh đã là một tên ngu đần hèn mọn, vậy mà ngoài Bắc không ai hơn Chỉnh, đủ biết trong nước vô tài đến thế là cùng!
Huệ lại ngọt ngào yên ủi:
– Chốc lát đi giựt lấy cái nước đã vài trăm năm kia, người ta sẽ cho quân mình là vin vào cái danh nghĩa chi mà làm vậy?
– Nay, Bắc Hà đã có vua, lại có chúa: thật là việc đại biến xưa nay chưa từng có. Họ Trịnh tiếng rằng phụ chính, nhưng kỳ thực hiếp đáp nhà vua! Người trong nước, từ lâu vẫn cho làm thế là quấy! Sở dĩ họ không dám cựa lên chẳng qua vì sức không nổi. Tướng quân quả hay vin lấy cái danh “phò Lê, diệt Trịnh” mà hiệu triệu thiên hạ thì ai người chẳng hưởng ứng? Nghìn năm mới có một dịp này.
– Ông nói phải lắm! Song le mang tiếng là kiểu mạng thì sao? (Ý nói chưa được Nguyễn Nhạc sai đi, mình đã tự tiện đem quân ra Bắc: bị cho là mạn phép làm liều thì sao?)
– Trong Xuân Thu truyện có nói: “Kiểu là chuyện nhỏ, nhưng lập được công lại là việc lớn.” Thế là có công, sao lại gọi là “kiểu” được? Huống chi ngài không nghe nói ư: “Ông tướng cầm quân ở ngoài dù có mạng lịnh nhà vua truyền ra cũng mặc?”
Cuộc trao đổi ý kiến này là một chương trình, một phương lược xoay lại thời cuộc hồi cuối Lê trung hưng, là những nhát thuổng, nhát cuốc sắp bổ trên nền tảng mà chúa Trịnh Kiểm đã xây bằng những viên đá “tái tạo nhà Lê” rất kiên cố, cũng lại là cái thang để Nguyễn Huệ từ nấc Long Nhương Tướng quân trèo lên bực Bắc Bình vương, rồi leo lên cái nấc Quang Trung Hoàng đế.
Bốn chữ “phò Lê diệt Trịnh” thật là cái lá nhãn “chính trị” để Tây Sơn lợi dụng mà diễn tấn hài kịch “thay họ đổi ngôi!”
Cái động cơ Chỉnh khuyên Huệ kéo quân ra lấy Bắc Hà, có người bảo, là do Chỉnh muốn báo thù cho Hoàng Đình Bảo và muốn tiện bề quay về cố hương nên mượn thế lực Tây Sơn để đạp đổ Trịnh Tông, diệt phăng họ Trịnh.
Nói vậy không phải là người biết Chỉnh. Chỉnh là một tay gian hùng. Cái gì có lợi cho Chỉnh thì Chỉnh mới làm, chứ có nghĩ gì đến tình với nghĩa. Cái khẩu hiệu “phò Lê” của Chỉnh chỉ là chuyện nhân nghĩa hão để phỉnh gạt dân chúng Bắc Hà bấy giờ đấy thôi. Chứng cớ: sau được vua Lê Chiêu Thống vời Chỉnh vào kinh hộ vệ, Chỉnh lại theo gót chúa Trịnh, hết sức hiếp đáp vua Lê. Chỉnh, đối với vua Lê còn thế, huống chi Đình Bảo? Vậy có thể nói: Việc Chỉnh vạch đường “Bắc tiến” cho Tây Sơn quyết không phải vì lòng muốn đền bồi Đình Bảo, cố đánh Trịnh Tông để trả thù cho chủ nhân xưa nay vậy!
Nguyễn Huệ, sau khi bị Chỉnh uốn lưỡi thuyết siêu, không ngần ngại gì mà không gươm, cờ thẳng chỉ ra Bắc.
Công việc Bắc tiến tức thì sắp đặt: Chỉnh làm thủy quân tiên phong, sửa soạn chiến thuyền, đem thủy quân vượt biển đi trước. Huệ hẹn với Chỉnh: khi đến Vị Hoàng (nay là Nam Định) thì cướp lấy kho lương ở đó, rồi đốt lửa làm hiệu để báo tin cho Huệ biết.
Để Nguyễn Lữ đóng giữ Thuận Hóa, Huệ viết thư về Quy Nhơn báo cáo cho Nhạc biết, rồi gươm sai, cờ vía, Huệ đốc suất hai mặt thủy lục ầm ầm rần rộ kéo ra.
Chỉnh đem quân đi, trước ra cửa Việt Hải61, rồi vào bến Nghệ An. Đến đâu cũng sai vài trăm du binh lên bộ đánh phá ở đó, làm cho quân thanh thêm mạnh, chiến khí thêm hăng và khiến dân tình bên Trịnh càng thêm xao xuyến, khiếp sợ.
Chậy! Chậy! Bọn Bùi Thế Tụy62, Tạ Danh Thùy, là những trấn tướng ở Thanh, Nghệ đều bỏ thành chạy!
Chỉnh đến Vị Hoàng trước nhất, lấy được trăm vạn hộc63 thóc dùng làm quân lương, (ngày mồng 6 tháng sáu năm Bính Ngọ, 1786).
Đồn binh bên Trịnh đóng ở đấy cũng theo mấy tướng Thanh, Nghệ mà chạy trốn nốt!
Xa xa thấy lửa hiệu bốc lên từ khoảng sông Vị, non Côi, Nguyễn Huệ biết quân Chỉnh đã hái được bông hoa “thắng lợi” đầu mùa, lại càng nức lòng hăng hái, tức thì dẫn một nghìn chiến thuyền, vượt biển ra Bắc.
Gió đông nam thổi… thổi mạnh!
Cưỡi gió thuận, lướt dòng xuôi, đại đội chiến thuyền cứ vùn vụt tiến.
Trên trời, dưới nước mênh mông, cái nhuệ khí của quân Tây Sơn bấy giờ có lẽ đánh bạt cả loài thủy tộc!
Viết đến đây, kẻ cầm bút này lại chạnh nhớ đến mấy câu của nhà văn Tô Thức tả cái hào hùng của Tào Mạnh Đức trên sông Xích Bích đầy oai thanh:
“… Phương kỳ phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng, thuận lưu nhi Đông dã: Trục lư thiên lý, tinh kỳ tế không… cố nhất thế chi hùng dã!…”64
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.