Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

DẤN BƯỚC HOẠN TRƯỜNG

Thi đỗ tốt nghiệp trường Thông ngôn năm Bính Thân (1896), ngay trong năm ấy, Nguyễn Văn Vĩnh được bổ làm Thư ký Tòa sứ Lao Kay(2).

Có lẽ Nguyễn Văn Vĩnh đã làm việc quan siêng năng, tháo vát, rất được lòng các quan thầy. Nên chỉ nội năm sau, Đinh Dậu (1897), Nguyễn được đổi xuống Tòa sứ Kiến An [khi ấy còn ở Hải Phòng].

Hải Phòng lúc bấy giờ đã là một hải cảng đô hội. Về đấy, Nguyễn Văn Vĩnh càng có dịp bồi bổ thêm kiến văn, học thức. Ngay trong thời kỳ này, Nguyễn giao thiệp với khách nước ngoài và bắt đầu học tiếng Anh, tiếng Trung Hoa.

Rồi thuyên chuyển sang Tòa sứ Bắc Ninh. Ít lâu sau, Nguyễn lại được đưa về Tòa đốc lý Hà Nội.

Nguyễn Văn Vĩnh đã làm việc quan đắc lực như thế nào, nên trong sự thuyên chuyển, chúng ta đã nhìn thấy ngay sự ưu đãi. Nhưng điều đáng cho chúng ta phải tìm hiểu là: Nguyễn Văn Vĩnh có lấy thế làm vinh diệu(3) và thỏa mãn rồi chăng?

Không. Nguyễn Văn Vĩnh há chỉ là một nhân vật tầm thường, an thân trong cái thế giới tầm thường ư?

Bấy giờ, trong nước đã dấy lên nhiều phong trào đáng cho thanh niên chú ý mà vấn tâm(4), hầu sẵn sàng kiểm điểm năng lực để phục vụ quốc gia dân tộc: xuất dương du học, vận động cải cách duy tân.

Dù là người Âu hóa rất sớm, Nguyễn Văn Vĩnh trước tiếng gọi của non sông, cảm thấy hồn thiêng non nước dần dần thấm nhập hồn mình; tinh thần dân tộc đã khiến cho tinh thần của người có học thức sâu rộng phải băn khoăn rất mực, phải chọn con đường phụng sự sao cho không hổ với giống nòi.

Trong lối hoạn trường, Nguyễn Văn Vĩnh đoái nhìn lại, hẳn thấy nhiều gai góc. Nhất là khi xuất chính, tự xem xét lại, chỉ nhận thấy rằng ấy là phục vụ cho đám người đi cai trị; mà guồng máy hành chính của họ càng tốt máy, ắt là dân chúng bị trị càng ngày càng thêm bị ép xác để lấy mỡ dầu cung phụng. Nguyễn Văn Vĩnh trong sự nhận thức ấy, lòng nào lòng nỡ lạnh nhạt với tổ quốc cho đành. Thế thì phải mở một con đường quang đãng để cho hồn, trí vẫy vùng. Để cho, dù không cứu được dân nước thoát ách thống trị, ít ra cũng đánh lên được vài tiếng chiêng cảnh tỉnh, gọi hồn dân nước để cùng đồng bào cùng lo cho tổ quốc, đóng góp cho tổ quốc được phần nào hay phần nấy, hầu đền ơn tấc đất ngọn rau.

Đã có định kiến(5), đã lập chí, Nguyễn Văn Vĩnh âm thầm chuẩn bị súc tích khả năng, chờ ngày chuyển hướng. Ngày ấy, một ngày trong năm Bính Ngọ (1906), sau khi dự cuộc đấu xảo ở Marseille trở về, Nguyễn Văn Vĩnh đệ đơn từ chức. Và được chấp nhận.

Bính Ngọ (1906), một năm đánh dấu chấm dứt cuộc đời “công chức” của Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng cũng từ năm ấy, một Nguyễn Văn Vĩnh có chí hiên ngang, đáng mặt là trang hào kiệt, xuất hiện trong văn giới cũng như trên trường chính trị, nêu cao thanh giá(6), ghi tên vào lịch sử cho muôn đời công luận phẩm bình.

TRÊN ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP

Khoảng năm 1935, đáp lời một bạn ký giả đến phỏng vấn, Nguyễn Văn Vĩnh rằng:

– Tôi là người chịu ảnh hưởng của Hán học rất nhiều.

Nội một câu ấy, bao hàm biết bao tư tưởng thâm thúy. Còn ai lạ gì cái tinh thần Hán học. Một khi người nào đã nhập diệu cái tinh thần Hán học, tức là đã lãnh hội được ít nhiều Nho học hoặc Đạo học, cố nhiên không thể không có cái bản sắc Á Đông.

Nguyễn Văn Vĩnh học rộng, nói tiếng Pháp giỏi, viết chữ Pháp hay, thường mặc Âu phục, và cũng là nhân vật Âu hóa rất sớm, nhưng suốt đời bao giờ cũng giữ được cái tinh thần Việt Nam, cái bản sắc Á Đông. Điều ấy, những ai đã từng được Nguyễn Văn Vĩnh tiếp chuyện, đều đã công nhận. Và trên mặt các báo, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã từng đem những thuần phong, mỹ tục, những tính chất và tập quán của dân tộc Việt Nam, những câu ca dao trong phái bình dân mà dịch ra chữ Pháp để cổ động cho nước nhà.

Ngay sau khi đệ đơn từ chức, Bính Ngọ (1906), Nguyễn Văn Vĩnh không tơ tưởng gì đến cuộc đời công chức đã trải qua nữa, dốc lưu tâm vẽ đường doanh nghiệp.

Đầu tiên, Nguyễn cùng ông Dufour mở cái nhà in thứ nhất ở Hà Nội (chỗ nhà Crédit Foncier ngày nay). Rồi thì lần lượt chủ trương hết báo này sang báo khác, báo Việt thì đã đành, mà báo Pháp thì cũng sốt sắng làm. Và đem những sách hay của Pháp, của Trung Hoa dịch ra Việt văn. Hơn nữa, gặp thời cơ thuận tiện, Nguyễn Văn Vĩnh cũng dấn thân vào trường chính trị, hoạt động chính trị hăng hái không kém phần phục vụ văn hóa.

Nguyễn Văn Vĩnh làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh làm chính trị và Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương thư viện “Âu Tây tư tưởng” chuyên dịch các sách Âu Tây; ở phương diện nào cũng đều được đồng bào chú ý.

Chúng ta hãy kiểm điểm lại công nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, theo từng phương diện:

a) Nguyễn Văn Vĩnh ký giả

Sở dĩ đến nay và về sau nữa, các học giả, văn nhân trong nước hãy còn mến tưởng Nguyễn Văn Vĩnh ít nhiều vì Nguyễn Văn Vĩnh đã thốt ra một câu làm cảm động hầu hết dân chúng các giới ở trong nước, đến thành một câu nói bất hủ của Nguyễn Văn Vĩnh và cũng là câu kinh nhật tụng của những ai yêu nước: “Nước Nam ta mai sau hay dở ở như chữ quốc ngữ”.

Lấy câu nói trên đây làm phương châm, lấy báo giới làm lợi khí tuyên truyền cổ động, Nguyễn Văn Vĩnh hăng hái đi tiên phong và đã ráo riết xung phong trong mặt trận văn hóa, mở được con đường sống cho “quốc ngữ” phát huy sắc thái.

Đinh Mùi (1907), Nguyễn Văn Vĩnh ra mặt trên trường ngôn luận. Tờ báo đầu tiên ở Bắc là tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, đổi ra làm tờ Đăng cổ tùng báo, có cả phần Pháp văn nhan đề là Tribune Indochinoise. Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra làm chủ bút, một tay coi sóc tất cả việc biên tập, viết cả từ xã thuyết cho đến thời sự, xuất bản số đầu vào ngày thứ năm 28-3-1907.

Rồi thì lần lượt.

Mậu Thân (1908), mở tờ báo Pháp văn Notre Journal.

Kỷ Dậu (1909), làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Notre Revue.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x