Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Được tin Hoài vương Liễu thất lộc, vua Thái tông hết sức đau lòng, thương anh một đời lận đận. Nhà vua sai trung sứ về tế trước linh sàng huynh trưởng, gia phong làm đại vương, lại có dụ riêng cho Quốc Tuấn: “Sau một năm cư tang phải trở lại Thăng Long nhận mệnh”.

Vua Thái tông đem hai vạn quân vào Chiêm Thành lấy Lê Tần làm tướng tiên phong. Trước ngày xuất chinh nhà vua ghé cung Thủy Tĩnh chào Thái sư Trần Thủ Độ.

Trần Thủ Độ đã biết rõ việc điều động binh nhung, tướng hiệu của vua nên không hỏi han về chuyện đó, chỉ căn dặn vài điều:

– Bệ hạ đi chuyến này chắc Chiêm Thành sợ oai phải trở lại nước phiên thần và không dám quấy nhiễu mặt nam của ta nữa. Chỉ nhằm răn đe, chắc chủ ý của bệ hạ không muốn mạnh tay quá để khổ cho dân nước họ và cả di hận cho triều đình Bố-da-la nữa; muốn vậy bệ hạ phải nghiêm huấn cho các tướng chớ ham giết chóc một khi quân kia đã tháo chạy hoặc đầu hàng.

Thái tông gật đầu:

– Chú dạy chí phải, vạn bất đắc dĩ mới phải đem quân ra khỏi cõi trong khi nước mình cũng đang bị kẻ khác rình rập.

– Vậy thì bệ hạ ra oai với người Chiêm xong nên sớm rút quân về.

– Cháu cũng nghĩ vậy. Việc kinh sư cháu đã trao cho Nhật Hiệu lưu thủ. Mọi việc trong nước vẫn do Phủ thái sư điều hành.

– Thần tuân chỉ. Có điều hoàng thái tử tuổi còn nhỏ quá, nhẽ ra việc lưu thủ kinh sư phải do hoàng thái tử đảm nhiệm.

– Cháu cũng biết thế, nhưng Hoảng mới mười ba tuổi nên cháu không dám tùy tiện.

– Bệ hạ nghĩ thế là phải. Nhưng Nhật Hiệu chỉ làm được công việc của thời bình.

Vua Thái tông biết ông chú không ưa Nhật Hiệu và thường chê Hiệu bất tài. Nhật Hiệu là thân vương trong hàng huynh đệ nên nhà vua cũng có phần ưu ái.

Nhà vua xuất chinh rồi Thái sư Trần Thủ Độ liền cho các quan của triều đình về các trấn, lộ tuyên chiếu mệnh của vua về các việc: kiểm kê tiểu hoàng nam, đại hoàng nam biên chép đầy đủ để khi nhà nước động binh mọi việc đã sẵn sàng. Việc thứ hai là tất cả các đinh tráng tuổi từ mười tám đến bốn mươi lăm đều phải gia nhập điền binh và luyện tập mỗi năm hai tháng thay vì một tháng như trước đây; binh bộ sẽ cử các đô tướng về huấn dạy các môn võ nghệ và sử dụng các đồ khí giới; lương thực ăn trong thời gian tập luyện do nhà nước chu cấp, các điền binh không phải tự túc như trước nữa.

Việc thứ ba là nhà nước sẽ đưa mẫu khí giới cho các lò rèn làm như giáo búp đa, đinh ba, câu liêm, đao, kiếm cũng như việc chế tác cung, nỏ, tên và chông sắt… nhà nước sẽ mua tất thảy để phân phát cho các đội dân binh phòng khi nước có giặc. Việc thứ tư là các đất hoang hóa, đầm hồ, bãi bồi hoặc rừng kiệt trong dân gian ai khai phá được, nhà nước sẽ tha tô thuế cho từ năm năm đến mười lăm năm tùy theo công sức bỏ ra, nhà nước cũng cấp luôn sổ địa bạ và cho làm chủ đất ấy.

Cùng với việc triều đình cho đắp đê từ nguồn đến biển phòng lũ lụt, ngăn nước mặn với các chính lệnh mới vua ban đã gây một luồng sinh khí chưa từng thấy trong dân gian làng xóm. Người nào việc ấy, dân chúng hồ hởi, cả nước đều nhộn nhịp như một đại công trường.

Bữa nọ Thái sư đi kinh dinh các lộ vừa về tới dinh phủ, chưa kịp tẩy trần, phu nhân đã sán hỏi:

– Ông đi quá nửa tuần trăng nay mới về, vậy chớ có việc gì mà ông vui thế?

– Việc nước cả thôi chứ tôi có việc tư riêng gì đâu bà, – Thái sư vừa nói vừa nhìn phu nhân cười lấy lòng.

Phu nhân bĩu môi:

– Hơn ba chục năm nay lúc nào ông cũng “việc nước”, “việc nước”, còn gái già này chỉ quẩn quanh bếp núc hầu hạ đức ông thôi chứ gì. Phu nhân dằn giọng vẻ như hờn dỗi – Lạ thật, không bao giờ ông hỏi được một câu về các việc nơi đầu hè, xó bếp của mụ già này là thế nào.

Trần Thủ Độ thầm nghĩ: – Vẫn cái tính đáo để của cô Dung ngày nào. Với điệu cười làm lành, ông tường thuật lại các việc, cả khí thế lòng dân nữa cho phu nhân nghe.

Nghe xong, phu nhân cũng cười nói xuề xòa:

– Việc vui như thế mà trước khi đi ông chả nói cho tôi biết.

– Thì đã biết lòng dân đón nhận thế nào mà khoe trước với bà.

– Tôi thấy Cảnh nó trị nước giỏi đấy ông ạ. Chính lệnh ngày càng khoan nới, dân được nhờ. Kể ra ông cũng là người tinh tường, đặt nó vào ngôi quân trưởng từ thuở còn chưa biết hỉ mũi, thế mà rèn cặp được thành người tài đức. Cả dòng họ vẻ vang, dân nước chịu ơn. Giỏi! Chú cháu ông đều tài giỏi cả.

Trần Thủ Độ sùy một tiếng rồi nói:

– Chú cháu tôi được như ngày nay là đều ở như bà cả. Giả dụ ngày bà có mang con Thuận Thiên, Đàm thái hậu truy ép rồi bỏ thuốc độc, cả bức tử nữa, nếu bà không có gan cóc tía, khí uất bốc lên, mọi việc buông xuôi bà khuất bóng thì làm sao anh em tôi giữ được Huệ tôn, ngôi nước chưa biết về tay họ nào.

Bè này đảng nọ kình chống lẫn nhau, xâu xé giang sơn, máu xương đầy nội biết bao giờ mới quy được về một mối. Do thế, chỉ lịch sử mới ghi xuể công lao của bà chứ chú cháu tôi nói dăm câu ba điều nơi đầu lưỡi thì ăn nhằm gì. Còn việc bếp núc, việc hậu cung không ở tay bà còn ở tay ai. Hậu cung mà rối nát, chú cháu tôi dẫu có tài thánh cũng phải bó tay.

Phu nhân có vẻ hài lòng, có vẻ mãn nguyện, bà dẩu môi nói:

– Dào ôi, ông cứ nói mãi công lao làm tôi thêm ngượng. Này, thế việc ông và nhà vua trù liệu quân lương, binh khí như vậy có nghĩa rằng quân Mông Cổ sắp đánh mình thật ư?

– Biết nói thế nào để bà hiểu. Đối với người một đời làm tướng như tôi thì việc giữ nước lúc nào cũng phải coi như ngày mai giặc sẽ tràn vào cướp nước mình, thậm chí ngay đêm nay, ngay lúc này. Nhưng cái đó cũng còn tùy thuộc ở ta.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x