Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Uống xong tuần trà cuối cùng Chu An dừng lại ngắm ngọn bạch lạp đã sắp tàn. Ông định nối thêm ngọn sáp khác vào giá, chợt nghe tiếng chim vít chè hót.

Vậy là trời sắp sáng. Bỏ ngọn sáp vào chiếc tráp gỗ mun, ông ngồi nghe giọng hót sắc gọn của chim mẹ, và giọng non nớt chiêm chiếp như tiếng gà mới nở của mấy cái chim non, đang cố láy theo giọng mẹ. Từ nhỏ, mẫu thân ông đã dạy phải chăm chỉ học hành như loài vít chè kia, may ra mới thấu đáo được chữ nghĩa thánh hiền. Và đúng là ông đã học “như thiết như tha, như trác như ma” để khỏi phụ công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.

Thế là người học trò của ông – những năm gần đây ông chỉ có mỗi một người học trò, ấy là đức Dụ tông, đã gần hai tháng nay bỏ học, không nói với ông một lời. Từ ngày ông được triệu về làm Quốc tử giám tư nghiệp, có đôi ba lần tiếp xúc với đức thượng hoàng Minh tông. Nhà vua quả là người có văn chất, có đức độ.

Thượng hoàng ngỏ ý muốn mời ông về dạy cho quan gia, để khai sáng thêm con đường trị nước của Dụ tông. Gọi là mời, nhưng đấy là mệnh vua, ông chỉ biết tuân phục. Mấy năm trước, quả Dụ tông có chăm nghe, chăm hỏi về kinh sách, về đạo trị, loạn ở đời, về nhân, nghĩa, và về đủ mọi thứ ứng xử từ nội trị đến bang giao. Nhưng từ ngày thượng hoàng Minh tông băng; Dụ tông hay tìm đọc những yêu thư, rồi lại kết bè kết cánh với lũ thần tử đồi bại, thả lỏng kỷ cương, xa dời phép tắc, sa vào con đường đọa lạc.

Ông đã hết lời can ngăn, kể cả dẫn dụ về gương sáng các đời, những mong nhà vua hồi tâm tỉnh ngộ, nhưng vô ích. Cực chẳng đã, ông đành liều thân can gián, dâng sớ xin chém bảy tên quyền gian, quan cao, chức trọng vào loại đầu triều, được vua sủng ái. Có trừ được lũ yêu quái ấy mới nối lại được thể thống. Thật ra, việc này là phải do quan tả gián nghị đại phu Trương Hán Siêu đàn hặc ngay từ những năm ông còn sống. Ngặt vì Hán Siêu tuổi già lại bị bưng bít, thành thử ông không biết đầu cuối ra sao.

Nhưng cũng từ ngày quan Tư nghiệp dâng sớ, nhà vua không lai vãng đến tòa Kinh Diên để nghe giảng nữa. Chu An nghĩ lung lắm. Mái đầu đã bạc, bụng chất chứa kinh luân, mà ngày nào ông cũng phải đến chờ người học trò vĩ đại kia để hầu giảng cho trọn đạo một ông thầy, trọn nghĩa vua tôi. Nhưng Dụ tông vẫn không ló đến tòa Kinh Diên. Bữa nay vừa đúng hai tháng. Ông quyết không chờ thêm một ngày nào nữa.

Ngay từ tối hôm trước, ông đã gói ghém tất cả phẩm phục vua ban lại và đặt trên mặt chiếc kỷ, nơi ông vẫn ngồi hầu giảng nhà vua. Bây giờ chỉ còn mỗi một việc là ra đi. Chu An búi lại lọn tóc cho gọn, bên ngoài, ông quấn chiếc khăn vành dây bằng lượt đen trùm lên búi tó. Rồi khoác lên mình chiếc áo thụng xanh thuở hàn vi. Chợt nhớ ra điều gì, ông quay lại gọi tên trà nô và dặn: “Ngươi lau rửa cẩn thận bộ đồ trà rồi để vào chỗ cũ. Hôm nay có việc ta phải đi sớm”. Xong, quan Tư nghiệp xỉa cho y ba tiền. Y chắp tay vái lia lịa. Bỗng y sực nhớ ra, liền hỏi:

– Bẩm quan sư phó, ngài không chờ xem, ngộ nhỡ hôm nay quan gia đến nghe giảng thì sao?

Chu An hất hàm: “Ờ ta bận”. Với lấy cây gậy trúc, ông bước ra khỏi nhà bái đường. Đi qua cửa Huyền Vũ, là cửa nhà vua vẫn thường qua đó để vào tòa Kinh Diên, Chu An đặt chiếc mũ vua ban vào đầu gậy rồi treo lên cánh cổng, và đi về phía bến Đông-bộ-đầu, nơi ấy tiểu đồng đã chờ sẵn ông với một lá thuyền.

Sương giăng trắng cả kinh thành. Thăng Long như vẫn còn đang mơ ngủ. Chu An vừa đi vừa ngoái lại nhìn những tòa tháp, những lâu đài, điện các của kinh thành, như đang cố ngoi lên để khỏi bị ngợp chìm trong cái bể sương kia mà lòng bùi ngùi khôn xiết. Có nhẽ nào, ông nghĩ – Có nhẽ nào kinh thành của nước Đại Việt sừng sững thế này, chất chứa bao hào khí, khiến lũ giặc Nguyên – Mông phái tán đởm kinh hồn, nhưng rồi một ngày nào đó lại phải sập đổ vì một tên hôn quân.

Lòng ông nghẹn uất. Trông trước trông sau không thấy có ai, Chu An đưa ống tay áo thụng lên gạt thầm mấy giọt lệ. Gần tới bến, quan Tư nghiệp cứ đi vài bước lại quay lại ngắm rặng hòe, đang phơi những nhánh cành khẳng khiu ra che đỡ tuyết sương. Vừa trông thấy con thuyền, Chu An đã kịp nhận ra có hai người từ dưới bến đi lên. Sương bay lấp lóa, không nhìn rõ mặt khách. Hai người đó đến trước Chu An cung kính chắp tay vái:

– Lạy thầy, cho anh em con theo tiễn.

Chợt nhận ra Phạm Sư Mạnh và Lê Quát, Chu An giận lắm. Ông nghiêm giọng, nói:

– Hóa ra các anh vào hùa với quân đốn mạt vẫn giám sát ta mà ta không hay biết. Liệu các anh có trói ta đem về triều không? Chu An giơ chiếc gậy trúc gạt hai người ra rồi xăm xăm xuống bến.

Lê Quát, Phạm Sư Mạnh cùng hối hả chạy theo thầy. Phạm Sư Mạnh níu thuyền lại, còn Lê Quát đỡ cho thầy bước xuống. Phạm Sư Mạnh nói:

– Bẩm thầy, ít bữa nay chúng con thấy thầy có vẻ buồn quá. Đã mấy lần anh em con lảng vảng đánh tiếng, nhưng không thấy thầy gọi, nên không dám vào kính yết. Chiều hôm qua, nhân có việc con phải ra bãi sông, thấy chú Tồn đang cho thuyền cập bến. Con không dám hỏi, nhưng ngầm đoán là thầy sắp đi xa. Con về, nói lại với anh Quát, hai anh em con bàn nhau cứ chờ thầy ở đây.

Chu An thấy hai người học trò nói tình thực, trong lòng xem đã nguôi nguôi. Ông cúi nhìn họ và nói:

– Thôi các anh về, thầy đi.

– Lạy thầy, đầy triều rắn rết, chúng con ở lại mà làm gì. Thầy cho chúng con theo hầu.

– Không được! – Chu An nghiêm giọng.- Các anh còn trẻ lại là rường cột, phải ở lại triều mà gánh vác việc nước. Thầy già, bất lực rồi, phải đi thôi!

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x