
Những Kẻ Tủi Nhục – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Đúng vào độ này năm ngoái, tôi còn cộng tác với các tờ tạp chí viết những bài báo nhỏ và đinh ninh rằng rồi sẽ có lúc mình viết được một cái gì đó lớn và thú vị. Tôi cứ ngồi nghiền ngẫm một cuốn tiểu thuyết lớn, nhưng sự thể lại kết thúc bằng việc tôi phải vào nằm bệnh viện và có lẽ là sắp chết. Mà nếu như tôi sắp chết thì còn viết lách ghi chép làm quái gì.
Tôi thường bất giác hồi tưởng lại cả cái năm nặng nề ấy của đời mình. Và bây giờ tôi lại muốn ghi lại tất cả, và nếu không làm được việc ấy thì có thể tôi chết không nhắm được mắt. Những ấn tượng đã qua ấy vẫn thường khi dày vò tôi đến đau đớn, rầu rĩ. Dưới ngòi bút chúng hiện lên điềm tĩnh hơn và bớt giống với những cơn mê sảng, mộng mị đi. Tôi cảm thấy thế. Có một cái sườn để viết cũng đáng giá lắm: nó sẽ giúp tôi bình tâm, tĩnh trí, nó sẽ đánh thức trong tôi những thói quen viết lách trước nay, nó hướng những hồi ức và những mộng mơ bệnh hoạn của tôi vào công việc… Đúng thế, và tôi đã nghĩ ra khối điều. Chả gì nó cũng có thể làm tài lệu cho thầy thuốc; dù những khung cửa sổ mùa đông tới có thể phủ đầy những trang viết của tôi đi nữa.
Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao mà tôi lại bắt đầu câu chuyện từ khoảng giữa. Nếu đã định viết ra tất cả thì cần phải bắt đầu từ đầu. Nào, chúng ta hãy bắt đầu từ đầu. Có điều, tiểu sử bản thân của tôi chả có gì ghê gớm cả đâu.
Tôi sinh ra không phải ở đây, mà là ở một nơi xa, thuộc tỉnh… Chắc chắn bố mẹ tôi là những người lương thiện nhưng các cụ đã sớm khuất núi để tôi phải mồ côi ngay từ thuở nhỏ và tôi lớn lên trong nhà của Nikolai Sergueych Ikhmenev, một địa chủ nhỏ đã nhận tôi về nuôi vì lòng thương. Gia đình ông chỉ có một cô con gái, tức là Natasha, một cô bé kém tôi ba tuổi. Chúng tôi lớn lên bên nhau như hai anh em. Ôi, tuổi thơ yêu dấu của tôi ơi! Tôi buồn thương nhớ tiếc người biết bao giữa cái tuổi hai nhăm của đời mình, tôi sẽ chết chỉ trong nỗi nhớ nhung về người, với niềm sung sướng và biết ơn. Thuở ấy, trên vòm trời là vầng dương trong sáng biết bao, một mặt trời không phải của Petersburg và trái tim bé nhỏ của chúng tôi đã đập những nhịp vui tươi, náo động, Thuở ấy, quanh chúng tôi là những cánh đồng và những khu rừng, chứ không phải là những đống gạch đá vô hồn như bây giờ. Thuở Nikolai Sergueych còn làm quản lý, khu vườn và công viên ở Vaxiliepxcôiê mới huyền diệu làm sau.
Trong khu vườn ấy, tôi và Natasha đã từng dạo chơi. Còn sau khu vườn là một cánh rừng lớn, ẩm ướt mà cả hai đứa bé chúng tôi đã có lần đi lạc… Cái thuở mới tuyệt vời quí báu như vàng! Cuộc sống ban đầu hiện ra thật bí ẩn và quyến rũ, và chúng tôi đã làm quen với nó biết bao ngọt ngào. Đối với chúng tôi thuở ấy, sau mỗi gốc cây, bụi lá, ngỡ như đều có ai đó bí mật và vô hình đang sống, thế giới thần tiên xen lẫn với đời thật. Đã có lần trong lũng sâu, sương chiều dày đặc, như những mớ tóc bạc trắng uốn lượn vươn trên bụi cây, mép đá bên khe lớn của chúng tôi, tôi và Natasha nắm tay nhau đứng trên bờ khe, tò mò sợ hãi nhìn xuống khoảng sâu và chờ đợi từ đâu đấy trong lớp sương mù dưới đáy khe có ai đó bước với chúng tôi để cho những câu chuyện cổ tích của nhũ mẫu liền hóa thành sự thật mười mươi. Có một lần, mãi sau này tôi mới tình cờ nhắc lại với Natasha chuyện dạo ấy một bận chúng tôi đã kiếm được cuốn “Truyện đọc cho thiếu nhi” và cả hai đã vội vã chạy đến bờ ao trong vườn, ngồi xuống chiếc ghế xanh thân thiết của chúng tôi dưới bóng cây phong già rợp bóng và vùi đầu vào đọc truyện “Anphônxơ và Đalinđa” – một câu chuyện thần thoại.
Đến bây giờ tôi cũng không sao nhớ được câu chuyện ấy nếu không có cái cử chỉ nồng nàn đặc biệt, đến nỗi một năm sau, khi ôn lại với Natasha mấy dòng đầu tiên: “Anphônxơ, nhân vật của câu chuyện này sinh trưởng ở Bồ Đào Nha, còn Đôn Ramir, cha chàng” v.v… thì tôi đã suýt òa lên khóc. Cử chỉ ấy của tôi thật quá chừng ngu ngốc, và có lẽ thế mà trước mỗi xúc động của tôi, Natasha đã mỉm cười khó hiểu. Nhưng rồi ngay lập tức em sực tỉnh (tôi nhớ như vậy) và để an ủi tôi, chính em chủ động ôn lại câu chuyện cũ. Em nhắc lại từng câu, từng câu, và chính em cũng xúc động. Cả buổi tối hôm ấy mới thật ấm lòng; chúng tôi đã ôn lại với nhau tất cả: và đến khi tôi được gửi lên tỉnh lỵ để vào trường nội trú học tập thì em đã khóc như mưa như gió! Cuộc chia tay cuối cùng của chúng tôi cũng là cuộc chia tay vĩnh viễn của tôi với Vaxiliepxcôiê.
Tôi hoàn thành việc học tập ở trường nội trú và lên Petersburg để vào trường đại học. Lúc ấy tôi mười bảy còn em mười lăm. Natasha bảo rằng tôi cao ngồng và vụng về, rằng nhìn tôi thì không thể nhịn được cười. Trong phút chia tay, tôi dẫn em ra một góc để nói với em một điều cực kỳ quan trọng, nhưng lưỡi tôi bỗng nhiên cứng đờ, bất lực. Em biết là tôi đang rất hồi hộp. Có lẽ câu chuyện của chúng tôi rất rời rạc. Tôi không biết nói gì, còn em thì chắc là chẳng hiểu tôi định nói gì. Tôi chỉ biết khóc cay đắng và cứ thế ra đi mà chẳng nói được gì. Mãi sau này chúng tôi mới gặp lại nhau ở Petersburg. Đấy là vào hai năm trước đây, ông già Ikhmenev lên đây để lo một vụ kiện, còn tôi thì vừa mới chân ướt chân ráo bước vào làng văn.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.