
Huyền Thoại Tàu Không Số – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
NHÂN CHỨNG CUỐI CÙNG CỦA CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN
Đến Đà Nẵng, như thể linh cảm mách bảo, chưa kịp về nhà khách, tôi và Tô Hải Nam tuông ngay đến phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Nơi đó có một người, là nhân chứng cuối cùng của chuyến đi đầu tiên mà chúng tôi không thể không gặp lại.
Cách đây đã lâu lắm, tình cờ tôi nghe ai đấy nhắc đến tên một trong sáu người đi chuyến đầu tiên chở vũ khí vào miền Nam bằng đường biển từ những năm 1960, còn sống. Tên anh là Huỳnh Ba, hiện ở dưới chân đèo Hải Vân. Chuyện đó chìm đi cùng thời gian và sự bận bịu, bỗng trong chuyến về Đà Nẵng công tác cách đây đã mấy năm, thông tin tơ nhện ấy được chắp nối, đánh thức. Và tôi, dẫu chẳng mấy hy vọng, cũng quyết định lần tới đó, lần tới Nam Ô.
Đà Nẵng năm ấy mưa nhiều. Khí hậu trở nên đỏng đảnh. Cũng tại con người thôi. Môi trường sống đang bị phá vỡ.
Mưa tạnh, tôi vẫy chiếc xe ôm, chạy về Nam Ô.
Nam Ô là mút cùng phía Nam chân đèo Hải Vân. Trước đây vùng này nổi tiếng về nghề làm pháo và nghề làm mắm. Pháo Nam Ô nổ giòn, khi nổ, giấy đỏ được nhuộm bung ra rực rỡ như hoa. Mắm Nam Ô đậm, thơm ngọt, nếm một lần, hương vị đọng mãi nơi đầu lưỡi…
Như kẻ nhàn rỗi dở hơi, tôi lân la vào từng nhà, la cà ngoài bãi biển, gợi ý, giải thích, dò hỏi. Và trời ạ, chẳng rõ có phải do duyên phận, hay do đồng đội nằm lại Vạn Ninh phù hộ, cuối cùng kẻ ngu ngơ này đã gặp may. Tôi đã tìm được anh. Phải, anh Huỳnh Ba, một trong sáu thủy thủ, đêm 30 Tết năm Canh Tý (1960), cách đây hơn 40 năm vượt biển đi về phía Nam…
Anh Huỳnh Ba quê xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, sinh năm 1925. Gặp tôi hồi đó anh đã bước vào tuổi bảy lăm. Tóc bạc, lông mày bạc. Tôi ngắm, và chẳng nhận ra ở con người này nét gì đặc biệt. Như nhiều ngư dân đã có tuổi, người anh quắt hóp, khắc khổ nhưng vẫn nhanh nhẹn. Khác chăng là e dè, ít nói. Và cũng dễ dàng nhận ra ở con người này không một gợn tủa len lỏi của ý thức, rằng mình là một trong những người mở trang sử đầu tiên về con đường vận tải đã trở thành huyền thoại.
Tự nhiên, anh ẩn khuất, hòa trộn giữa đời thường với những nhọc nhằn bươn trải hàng ngày kiếm sống. Quá khứ như một nghĩa vụ hiển nhiên đã qua, vậy thôi…
… Ngày ấy, đã lâu rồi, quần dài quấn ngang cổ, Huỳnh Ba lội biển tiễn đồng đội đi tập kết. Khi con tàu chỉ còn một chấm đen nhỏ xíu, xa mờ hướng lên phía Bắc, anh bì bõm quay lại. Đáng ra cũng đi chuyến này, nhưng phút cuối, tổ chức cân nhắc và thấy cần anh ở lại nằm vùng. Gây dựng cơ sở ven biển là chỉ thị huyện ủy Hòa Vang, mật giao cho anh. Dưới cái vỏ một cư dân an phận, anh là cầu nối giữa Đảng và dân ở vùng biển này. Năm năm sau, tháng 8 năm 1959, anh được lệnh vượt tuyến, lúc đó con gái anh mới 15 ngày tuổi. Anh và nhiều đồng chí khác nữa được đưa về Quảng Bình. Ở đây anh nhập vào “tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.
Đêm 30 tết năm Canh Tý (1960). Mưa phùn. Gió bấc từng cơn từ biển thổi về. Rét. Cửa sông Gianh đặc quánh, mù mịt. Sáu con người ôm chặt đồng đội đưa tiễn, rồi lặng lẽ xuống thuyền. Con thuyền chất đầy hòm gỗ. Đó là súng đạn, thuốc men.
– Thuyền chúng tôi do anh Nguyễn Bất đại đội trưởng đại đội Một làm thuyền trưởng – anh Huỳnh Ba kể – anh Trần Mức làm thuyền phó, các thành viên là Nguyễn Sanh, Huỳnh Sơn, Nguyễn Nữ và tôi. Theo giấy tờ hợp pháp của tụi nguỵ mà tổ chức chuẩn bị, tôi có tên là Nguyễn Nữa. Sáu anh em đều là dân khu V, hồi chống Pháp từng ở trong đội thuyền của anh Võ Bẩm và anh hùng Nguyễn Á, chuyên bí mật chở vũ khí vào khu 6. Nhằm che mắt địch, thường lựa lúc sóng to gió lớn để ra khơi. Lần này cũng vậy, chúng tôi nhổ neo khi hay tin gió mùa Đông Bắc về. Đêm đầu cho thuyền chạy thẳng ra biển quốc tế, với ý định từ đó sẽ men dần vào chân đèo Hải Vân.
Ngày hôm sau gió dữ quá, sóng chồm qua chồm tới, thuyền có nguy cơ bị lật. Sáu anh em cố sức chèo chống nhưng không lại với gió. Thuyền cứ dạt về phía Nam. Đã vậy lại bị gãy mất một lái. Với đà này không rõ sẽ trôi tới đâu. Nhớ hồi 9 năm, cũng xảy ra trường hợp tương tự, và đã có anh em mình dạt sang tận Phi Luật Tân. Đến ngày thứ ba, biết đã lạc vô cù lao Ré (tức đảo Lý Sơn – ĐK) thuộc Quảng Ngãi, chúng tôi hơi lo. Định cho thuyền ngược lên thì lái thứ hai gãy nốt. Gió bắt đầu lặng, tàu tuần tra của địch và thuyền đánh cá của dân đổ ra nhiều. Loay hoay ở đây sẽ lộ. Anh Nguyễn Bất quyết định, để giữ bí mật con đường vận chuyển trên biển, phải phi tang hàng. Phương án này đã có trong kế hoạch…
Anh Huỳnh Ba ngừng kể, chầm chậm châm điếu thuốc, rít một hơi, mắt vẫn hướng ra biển, nói tiếp:
– Chiều đó chúng tôi bị bắt. Tuy người và thuyền có giấy tờ hợp pháp, lại khai rất khớp rằng đi đánh cá bị lạc, dạt vô đây, song vẫn bị chúng tách ra giam mỗi người một nơi. Tôi bị nhốt ở Đà Nẵng, rồi chuyển vô Sài Gòn. Ở khám Chí Hòa chẳng khai thác được gì, chúng tống qua Phú Lợi. Rồi từ Phú Lợi đầy ra Côn Đảo. Vài năm bị giải về đất liền. Không bao lâu, lại ra Côn Đảo. Cứ vậy, suốt 14 năm, tôi bị chuyển tới chục lần. Năm 1974 được thả. Lần về đến Nam Ô thì vừa lúc quê hương giải phóng.
– Vậy còn năm người kia, tôi hỏi, các anh ấy quê ở đâu?
Anh Huỳnh Ba rành rẽ:
– Anh Nguyễn Bất, Nguyễn Nữ, người Duy Xuyên; anh Nguyễn Sanh quê Tam Kỳ; Anh Huỳnh Sơn người Thăng Bình; năm anh em tôi đều quê Quảng Nam, duy chỉ anh Trần Mức là dân Quảng Ngãi… Các anh đều đã hy sinh ở chiến trường hoặc đã mất do bệnh tật. Sáu anh em chỉ còn lại một.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.