
Review sách – Cõi sống của những con ma đói – Gabor Maté
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Review sách – Cõi sống của những con ma đói – Gabor Maté
Nguồn chia sẻ từ bạn Hoang
Hiểu sâu về chứng nghiện: Cõi sống của những con ma đói – Bác sĩ Gabor Maté
“Bộ não của chúng ta là cơ quan có khả năng phục hồi mạnh mẽ: một số mạch quan trọng tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời, ngay cả với một người nghiện ma túy nặng mà ở thời thơ ấu, bộ não của họ ‘chưa từng có một cơ hội nào'”
Trong 2 3 năm gần đây, khi tiếp cận ngành Tâm lý học, tôi có cơ hội được biết tới các thuật ngữ như ACEs (Adversed Childhood Experience – Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu), Childhood Trauma (Sang chấn tuổi thơ) cùng nhiều những đầu sách về tác động của chấn thương tâm lý và căng thẳng kéo dài đối với sức khỏe tâm thần và thể chất của mỗi cá nhân chúng ta, cũng như các mà những tác động tiêu cực này có thể được tháo gỡ. Tôi cho rằng ở xã hội hiện đại ngày nay, điều này dần trở thành một mục tiêu quan trọng, bởi những con người bị tổn thương và nhiều căng thẳng là những con người mang nhiều thương tích, và những con người mang nhiều vấn đề như vậy càng làm tổn thương lẫn nhau. Mối đe dọa lớn nhất là con người chúng ta phải đối mặt hàng ngày là những ảnh hưởng từ góc tối chưa được chữa lành, chưa được xem xét, chưa được giải quyết của mỗi cá nhân – không không được giải quyết triệt để, nó sẽ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (tôi muốn nói tới tổn thương liên thế hệ – intergenarational trauma) và lây lan lên những vị trí quyền lực, tức những người ở vị trí có sức mạnh điều khiển và chi phối người khác trong xã hội, những người đứng đầu.
Vậy chúng ta có thể làm gì để gỡ rối hay giải quyết những vấn đề trên? Câu trả lời là có rất nhiều, bởi trong vài thập kỷ vừa qua, đã có một cuộc cách mạng trong hiểu biết của mỗi chúng ta về não bộ: cách nó được định hình bởi trải nghiệm và cách mà nó ảnh hưởng đến đời sống nội tâm và hành vi của mỗi cá nhân, và cách nó có thể được tái định hình và cải thiện nhờ vào những phương pháp điều trị, trị liệu khôn ngoan, đầy lòng trắc ẩn. Nhiều người trong nhiều lĩnh vực khác nhau đang làm việc nghiên cứu với những khám phá mới này, mặc dù hiện tại họ vẫn đang bơi ngược dòng trong một nền văn hóa ưa thích nhìn nhận thế giới thông qua những ranh giới cứng nhắc và tiếp tục mù quáng chiến đầu với một “kẻ thù” vô hình, hoặc không thì một mô hình mới sẽ xuất hiện theo thời gian. Một mô hình giúp chúng ta thấy được sự kết nối giữa các cá nhân, các cách tương tác xã hội hình thành nên bản sắc cá nhân và ngược lại cách mà sự chữa lành và hỗ trợ tâm lý có thể giúp chúng ta trở thành những cá thể tốt hơn trong cộng đồng. Điều đó không có nghĩa là không có cuộc chiến đấu nào có thể chiến thắng, rằng chúng ta phải ngừng chiến đấu và bắt đầu thấu hiểu lẫn nhau và nơi đầu tiên để bắt đầu hiểu người khác chính là một cái nhìn trực diện và thẳng thắn vào chính mình.
Cuốn sách “Hiểu sâu về chứng nghiện: Cõi sống của những con ma đói” của Bác sĩ Gabor Maté xem xét những câu hỏi và chủ đề này thông qua lăng kính của chứng nghiện, bắt đầu từ công việc của ông với những “con nghiện” ở Vancouver, Canada. Thay vì coi họ là những kẻ đáng lên án và là mối nguy hiểm cho xã hội, liệu chúng ta có thể hiểu được điều gì ẩn sâu bên trong, khiến một người kiên trì theo đuổi những hành vi gây nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe của chính họ như vậy không? Và điều gì có thể giúp thay đổi sự hủy hoại độc hại này?
Câu hỏi này được soi rọi bởi những hiểu biết mới về cách các hệ thống não bộ được hình thành, cách chúng hoạt động và bị tổn thương bởi chấn thương tâm lý cũng như những trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi – những điều có thể tinh vi hơn nhiều so với những gì ta tưởng tượng. Trẻ sơ sinh, thậm chí cả thai nhi, vô cùng nhạy cảm với căng thẳng và chấn thương của cha mẹ chúng, và ngay cả những bậc phụ huynh yêu thương cũng có thể thiếu sự đồng điệu về mặt cảm xúc mà con trẻ cần để phát triển. Kết quả là một sự khao khát những “mong muốn giả tạo” thay thế cho sự thỏa mãn lành mạnh của những nhu cầu thực sự. Và nghiện không chỉ là hình ảnh những con nghiện heroin trên đường phố; nó bao gồm nhiều hành vi khác, một số được xã hội chấp nhận và thậm chí ca ngợi – như nghiện công việc hoặc thể thao – và một số khác được coi là bình thường nhưng thực chất lại có tính hủy hoại trên quy mô toàn cầu, chẳng hạn như chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan. Điểm chung của tất cả những hành vi này là con người cảm thấy bị thôi thúc phải tiếp tục thực hiện chúng dù chúng có hại đến đâu đối với bản thân và người khác.
Với sự tự nhận thức và thành thật hiếm thấy, Dr. Maté sử dụng chính bản thân mình làm ví dụ, xem xét chứng nghiện mua đĩa nhạc cổ điển của ông để minh họa cách quá trình nghiện ngập vận hành, và cách nó thực chất là một cơ chế chung cho nhiều dạng biểu hiện khác nhau. Ông lập luận thuyết phục rằng chấn thương và căng thẳng thời thơ ấu – trong trường hợp của ông là sự ảnh hưởng từ di sản của Holocaust đối với gia đình Do Thái – Hungary của ông – chính là nguồn gốc của mô thức nghiện, bởi vì những cơ chế phòng vệ và thích nghi mà bộ não và cơ thể sử dụng để bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu căn bản có thể trở nên không còn phù hợp nếu kéo dài quá lâu.
Vấn đề không nằm ở việc đổ lỗi cho cha mẹ hay người chăm sóc, mà là nhận thức rõ ràng hơn về mức độ nhạy cảm và mong manh của con người chúng ta, về việc chúng ta phụ thuộc vào môi trường cảm xúc và xã hội như thế nào để trưởng thành một cách mạnh mẽ. Đồng thời, chúng ta cũng không thể chỉ quy kết tất cả cho yếu tố di truyền rồi phủi sạch trách nhiệm thay đổi bản thân và xã hội; Maté đưa ra những bằng chứng thuyết phục rằng gen chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ môi trường và quá trình nuôi dạy, đến mức không thể coi gen là nguyên nhân duy nhất của bất cứ điều gì quan trọng. Chúng ta cần có những sự hỗ trợ tốt hơn cho các bà mẹ và người chăm sóc, đặt việc nuôi dưỡng lên hàng đầu, và bớt đi sự trừng phạt hay phán xét đối với những người đã trở thành nạn nhân của một tuổi thơ bất lợi. Điều này không dễ dàng, vì hầu hết chúng ta đều mang những tổn thương nhất định nào đó xuyên suốt quá trình trưởng thành.
Maté cũng lập luận rằng “Cuộc chiến chống ma túy” là một thất bại tốn kém và là một thảm kịch nhân đạo. Việc chuyển hướng nguồn lực sang phòng ngừa và chăm sóc thay vì tập trung vào thực thi pháp luật và bỏ tù sẽ hiệu quả hơn nhiều và ít tốn kém hơn. Ông giải thích nguyên tắc “giảm tác hại” (harm reduction), trong đó người nghiện được cung cấp chất họ cần trong điều kiện y tế kiểm soát chặt chẽ, giúp họ không cần tham gia vào hoạt động tội phạm để có được thuốc, làm suy yếu thị trường chợ đen và giảm tải cho hệ thống y tế. Điều này không có nghĩa là hợp pháp hóa chất gây nghiện trên thị trường tự do hay coi nhẹ tác hại của chúng, mà là thừa nhận rằng đạo đức hóa vấn đề và áp đặt sự kiêng khem bắt buộc đều không hiệu quả.
Nhìn chúng, cuốn sách là một nguồn tài liệu thú vị và phong phú về mặt cung cấp thông tin, những case study nhân văn, sự thấu hiểu về mặt tâm linh, lòng trắc ẩn và hy vọng cho quá trình chữa lành một trong những vấn đề được gọi tên nhiều nhất của con người. Cảm ơn San Hô đã mang cuốn sách này về Việt Nam, giúp người đọc có góc nhìn tích cực hơn về những người nghiện và đồng cảm hơn với họ.
Bạn cũng có thể xem thêm
- Review sách – Trộm lấy cơ may từ vận rủi – Ryan Holiday
- Review sách – SỰ CHUYỂN MÌNH KỲ DIỆU – Tuệ Nghi
Cảm ơn bạn đã ghé Taiebooks.com
Sách hay
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.