Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

ĐÀ LẠT NHỮNG NĂM 1930

Hàng chục cây hồng mai cổ thụ nằm dọc theo khuôn viên nhà trường. Gần Tết, theo từng cơn gió lạnh, hồng mai trải một thảm hoa ngát thơm ngập lối đi.

Năm 1929, ba tôi được bổ nhiệm làm Thanh tra Học chính kiêm Hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất lúc bấy giờ ở Đà Lạt. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà nằm sau khuôn viên nhà trường. Hai gốc mimosa hướng thẳng vào phòng ngủ. Vào mùa hoa nở, những cánh hoa mong manh màu vàng nhạt tinh khiết đêm đêm tỏa hương.

Hàng chục cây hồng mai cổ thụ nằm dọc theo khuôn viên nhà trường. Gần Tết, theo từng cơn gió lạnh, hồng mai trải một thảm hoa ngát thơm ngập lối đi.

Vài ngày một lần, mấy chị em tôi ra vườn và đem về những bó hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa violet, hoa cẩm tú cầu cùng những giỏ dâu tây chín mọng còn đẫm sương.

Mỗi chủ nhật, ba má tôi cùng bạn bè Đà Lạt cho cả lũ chúng tôi đi trèo thác Camly, vào rừng hái nấm. Buổi tối hôm trước, bác bếp đã chuẩn bị đủ món để trưa hôm sau cả nhà ăn trưa giữa rừng, rồi tắm suối, rồi cưỡi ngựa… Tối tối, khi thành phố lên đèn, mấy chị em tôi khoác vai nhau đi về phía cầu Ông Đạo ngắm hồ Xuân Hương. Lúc nào trên tay cũng có những trái bắp nướng nóng hổi rưới bơ và nước mắm.

Những kỷ niệm mà đến nửa thế kỷ sau, khi tôi sang San Diego gặp lại các em, chúng tôi vẫn còn nghẹn ngào nhắc đến.

Nhưng ông nội tôi, quê Phan Rí, gốc Chàm, là quan triều đình Huế, lại rất ghét Đà Lạt, thành phố của tụi “mũi lõ mắt xanh”. Mỗi lần ông bà từ Phan Rí lên chơi, cả nhà tôi phải thay đổi nhịp sống. Mẹ tôi cất vội những bộ váy áo thường ngày của tôi. Các em tôi cũng không được mặc quần ngắn, áo sơ mi. Tất cả đều phải diện những bộ bà ba được xếp ngay ngắn trong tủ và cũng chỉ được dùng những ngày ông bà lên chơi Đà Lạt. Bà nội tôi còn đáng sợ hơn. Tôi chỉ nhớ bà rất hay cáu giận, hay chửi mẹ tôi. Mỗi buổi sáng mẹ tôi bưng nước vào hầu, bà nội ăn trầu xong, súc miệng và bắt đầu lên giọng: “Cái xứ gì mà chỉ biết ăn chơi, chỉ biết nhởn nhơ cười cười nói nói, con cái thì ăn mặc hở hang, đùa nghịch như quỷ sứ…” v.v… và v.v… Tiếng bà khe khé rất khó nghe và cứ thế nói hàng giờ không nghỉ. Bọn tôi sợ lắm, vội núp vào các khe cửa. Có lần em Phát lấy một tàu lá chuối, rọc hết lá, khía vào thân thành từng khác một rồi kéo dựng đứng lên. Tôi còn nhớ dáng của Phát đứng cong cong, chăm chú nghe bà chửi. Khi bà mệt, nghỉ một chút súc miệng là cậu ta lấy tay gạt những nấc thân chuối lạch tạch, lạch tạch theo kiểu bắn súng liên thanh. Bọn tôi bụm miệng cười.

Hình ảnh
Ngày ông bà nội về lại Phan Rí là ngày hội của mọi người. Mẹ tôi cho cả nhà kể cả bác bếp, người làm vườn, người chuyên ủi quần áo cho ba tôi, các người trông nom chúng tôi… được đi xem một chầu xinê tại rạp Đà Lạt. Sau đó còn cho đi uống sữa đậu nành nóng và ăn bắp nướng.

Ông bà ngoại tôi thì trái lại. Mỗi lần ông bà lên, chúng tôi vui hơn hội. Bà ngoại đem mít vườn, thơm vườn, nhãn vườn. Ông ngoại cho phép chúng tôi sờ chòm râu bạc đẹp như ông tiên. Và trong bếp thơm lừng mùi cá bống kho tiêu, mùi nem nướng mà bà ngoại dạy cho bác bếp làm.

Tuổi thơ Đà Lạt đẹp đẽ khó quên cứ thế trôi qua.

CẬU HIỂN

Một hôm, mẹ tôi gọi cả nhà lại, cho đóng tất cả các cổng và cửa ra vào. Ba tôi nghiêm nghị ngồi vào bàn. Mẹ tôi dặn: “Hôm nay cậu Hiển lên ở với nhà mình. Tất cả không ai được nói với người ngoài là có cậu ở đây. Ma tà* mà biết và bắt cậu thì tụi bây chết hết”. Tôi hoảng hồn nhìn người cậu lần đầu tiên được biết tên biết mặt. Cậu gầy gò, tóc hơi xoăn, mắt rất to, đứng im lặng ở một góc nhà. Tôi chạy theo anh Đương, người hầu thân cận của ba, anh thì thào: “Cậu Hiển hoạt động chống Tây ở tận Sài Gòn, mật thám nó lùng bắt nên cậu chạy trốn lên đây đấy”. Tôi chỉ biết có vậy và vài ngày sau cũng không gặp cậu nữa. Tôi quên luôn chuyện ấy.

Cho đến kỳ nghỉ hè năm tôi mười ba tuổi. Ba tôi có một sở café ở Laba, cách Đà Lạt chừng chín mươi cây số. Những dịp nghỉ hè, chúng tôi được về Laba, tha hồ lội suối, bắt cá, đào măng, cưỡi ngựa và không phải dính đến sách vở. Tôi gặp lại cậu Hiển ở đấy. Cậu cho biết là ba tôi đã đưa cậu vào đây. Cậu hiền lành, ít nói và rất chiều tôi.

Một hôm, sau một buổi đi câu, cậu dắt tôi băng qua suối, đến một túp lều. Lều tối om, lờ mờ bóng một người đang tựa lưng vào vách nứa. Anh ta cố đứng dậy chào. Cậu tôi đưa một bọc cơm nắm, anh ta vồ lấy nhai ngon lành. Cậu chỉ vào một bàn chân sưng phù đầy máu mủ hôi thối: “Anh này làm culi ở Sở. Trong khi đào đất, không may bị cuốc vào chân, không thuốc men và bị đuổi về”. Tôi choáng váng: “Làm sao bây giờ hả cậu?” – “Con lén về lấy cái túi cấp cứu ở trong tủ rồi ta tính”.

Tôi đi như chạy về nhà, lén mở tủ lấy túi thuốc và giấu vội dưới gầm giường. Sáng hôm sau và nhiều ngày sau đó, cậu cháu tôi săn sóc vết thương cho anh ta. Dần dần vết thương thành sẹo, anh đi đứng được và lại xin vào làm trong sở café. Có lần thấy anh, tôi chạy lại gần. Anh nháy mắt nhìn tôi mỉm cười, tôi vui mừng hết cỡ.

Buổi tối trước khi rời Laba, cậu Hiển ghé tai tôi: “Ba má con thuê người Mọi ở đây giá rẻ mạt mà lại bỏ mặc kệ họ sống chết ra sao không cần biết. Như vậy gọi là bóc lột đó, con ạ”.

Tôi mới mười ba tuổi đầu, hoàn toàn sống trong vòng tay của ba má, nào đã hiểu gì đâu.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x