
Khi Vết Thương Nằm Xuống – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Khi Vết Thương Nằm Xuống
Chương 2
Hơn nửa tháng trong bệnh viện, Kiêu trốn về. Hơn nửa tháng đó, bấy nhiêu ân tình, ơn huệ. Bà Hát đã tái sinh ra cậu, tình thương của bà đã cho cậu được sống lại. Không có cách nào thuyết phục Kiêu tiếp tục ở lại viện, bà cố gắng xin cho cậu được làm thủ tục sớm hơn người khác. Sẽ chăm sóc, chữa trị ở nhà. Cậu được đồng ý.
Ngôi nhà không đẹp đến mức phải thốt lên, nhưng rất đỗi gần gũi. Kiêu thích những bức tranh treo trên tường, hoặc để dưới đất. Tranh vừa tối vừa sáng màu. Có những bức nhìn vào cậu chẳng thể hình dung nổi ý nghĩa của nó nói về cái gì, nó mô phỏng sự nghiệt ngã, hay đơn thuần chỉ là mảng nội tâm mà người vẽ thể hiện. Chỉ là những tảng màu chắp vá lại với nhau một cách khéo léo. Bà Hát là họa sĩ, Kiêu không có tư cách để hỏi vì sao bà lại làm họa sĩ để vẽ những bức tranh kia. Chỉ có thể hỏi vì sao bà lại vẽ thế này và bức kia có ý nghĩa gì hay tại sao chỗ này màu đỏ mà không phải là màu khác. Dù không hiểu nhưng thích. Những tảng màu sáng, ngồ ngộ khiến cậu vui.
Ngày học cấp III cậu cũng từng vẽ. Cậu vẽ khuôn mặt bạn gái lớp trưởng có bím tóc xinh xinh. Vẽ bởi vì cậu thấy mình không thể không vẽ. Bạn ấy tên Phượng, môi hồng như hoa phượng và da trắng ngần như củ cải. Bạn Phượng vẽ hoa và cảnh đẹp tuyệt vời. Từng vẽ đôi chim bay trên bầu trời xanh để tặng thầy giáo chủ nhiệm nhân ngày cưới. Thầy là người điềm đạm và đầy tâm huyết. Học trò thấy cần phải tôn kính và quý mến người thầy như thế. Bức tranh chim thể hiện lòng kính trọng. Khỏi phải nói thầy chủ nhiệm vui đến thế nào. Thầy rất khuyến khích những món quà mang tính nghệ thuật và tự tạo như thế vào ngày Hiến chương nhà giáo, thay cho những quà cáp tốn kém. Kiêu nhận ra vẻ đẹp của Phượng từ lâu. Nói là xinh nghe không lột tả hết sự ngưỡng mộ. Cậu thốt lên: Phượng đẹp quá! Thế là bằng tưởng tượng và quan sát hình ảnh Phượng ngồi cặm cụi vẽ bức tranh về đồng quê, Kiêu chớp luôn. Được một khuôn mặt quá hiền hậu và đẹp. Lúc Kiêu đưa tranh cho Phượng, cô nàng thốt lên “Ôi đẹp quá”. Đó là phần thưởng tuyệt vời nhất cho cậu. Sau đó một giây, có cô bạn cuối lớp nhìn thấy, đã giội luôn lên đầu cậu gáo nước lạnh: “Thằng Kiêu chẳng những đánh nhau tài mà vẽ tranh cũng giỏi”. Khuôn mặt cậu biến sắc. Tuy nhiên, câu nói đó chẳng đủ sức mạnh làm Kiêu mất điểm trước Phượng. Lúc về, Phượng nói cảm ơn và tỏ vẻ thán phục. Sau này, cô đi học đại học, chẳng liên lạc nữa. Thi thoảng cậu ôm hình bóng cô, tưởng nhớ về những phút giây ham muốn, thèm khát được thơm lên đôi má trắng hồng của cô. Chỉ hình dung thôi, tưởng tượng thôi đã thấy cả một bầu trời tuyệt diệu.
Đêm, bà Hát thường ngồi bất động trước khung tranh, tìm cấu tứ và bố cục cho nó. Có lúc tay bà thoăn thoắt quệt cây cọ. Lúc dừng tay, bóng bà bất động, đúng như tấm bia đá lớn. Kiêu ước gì mình có thể vẽ. Sẽ vẽ dáng bà ngồi bên khung tranh, vừa để tôn vinh bà vừa để cảm ơn tình thương của bà. Một vị ân nhân lớn.
Kiêu không ngủ được, sự trằn trọc giữ cậu lại với không gian tĩnh mịch của căn phòng. Cậu cố nhắm mắt lại, nhưng đôi mắt cứng đầu cứ bị vành ra, chẳng thể đưa cậu vào giấc mộng. Đôi mắt làm cậu quay sang nhìn người đàn bà, rồi cậu lê lết ra phòng ngoài.
Cháu có thể học vẽ được không? Cậu cứ định hỏi bà câu đó, nhưng sợ mình thành vô duyên nên cứ ngập ngừng. Mình có làm phiền bà quá không? Một kẻ bị quẳng ra đời, chẳng còn gì, sao đáng để một người điêu luyện như vậy phiền lòng. Cậu không đáng. Nhưng bà đã bảo có điều gì thì cứ nói, đừng ngại. Không ngại thì không ngại! Cậu đã thốt lên “Cháu học vẽ được không ạ?”. Câu hỏi còn găm vào hai bên mang tai cậu, nó ù ù không dứt.
Bà Hát cười hiền, còn rung rinh cả lúm đồng tiền nữa. Lúm đồng tiền đã dán khuôn khuôn mặt ấy và làm cho nó trở nên thanh thoát hơn. Có những lúm đồng tiền chôn cả tài tử danh nhân, làm khuynh gia bại sản. Còn lúm đồng tiền của bà, có vùi chôn bậc tài danh nào, hay đã gây nên nghiệt ngã cho bà?
– Muốn học vẽ ư? Dễ thôi. Cậu cần phải học kiên nhẫn. Trước hết là phải bỏ tính nóng nảy đi. Nóng nảy với họa sẽ hỏng hết. Người cầm cọ cần nhu mì, có cốt cách, không ngại gian nan. Cây cọ là công cụ để bộc lộ nội tâm của chủ nhân nó. Đôi khi cũng cần dữ dội, hãy để cho nghệ thuật trên phông tranh tuyên chiến với thói đời xấu xa, với sự nghiệt ngã của thời gian. Hơi khó hiểu phải không? Muốn học thì dần dần phải hiểu.
Những lời của bà Hát quả là quá tải đối với cái đầu còn non nớt của Kiêu. Nhưng bà đã chẳng bảo muốn học thì dần dần phải hiểu còn gì. Dần dần có nghĩa là sẽ hiểu được. Cậu tin rằng mình đã đủ lớn để suy nghĩ, rằng để đạt được điều gì đó thì phải cố gắng. Cậu nói hùng hồn:
– Cháu sẽ cố gắng, sẽ học để biết nhẫn nại, tu rèn tính cần cù.
Điều đó làm bà Hát hài lòng, rất yên tâm và tin rằng mình đã cứu không nhầm người. Thằng oắt con coi như có tố chất và cốt cách của nó. Chắc chắn, bà cần phải dụng công để làm cho nó bớt hoang dã. Bà có một ý nghĩ cực đoan rằng những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, bị ném ra đời thường ngấm vào mình cái hoang dã của đời. Việc làm này cũng rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách của một người trưởng thành sau này.
– Vất vả đấy cậu nhóc ạ – Bà Hát nói – nhưng cô tin cậu nhóc sẽ làm được.
Bà Hát đứng dậy vươn vai, ngáp đến thượt một cái dịu dàng, đóng nắp hộp màu, bỏ cọ sang một bên và chuẩn bị đi ngủ. Bà bảo Kiêu vào phòng rồi đi vào nhà vệ sinh.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.