
Hai Kinh Thành – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Năm năm sau
Ngân hàng Tellson gần cổng thành Temple Bar là một nơi cổ lỗ, ngay từ năm 1780 đã thế. Chỗ này rất nhỏ, rất tăm tối, rất xấu xí, rất chật chội bất tiện. Đã thế nó lại càng cổ lỗ hơn khi các cổ đông điều hành ngân hàng vẫn có tâm lý hãnh diện về cái sự tăm tối, xấu xí, chật chội bất tiện này. Thậm chí họ còn tự hào về tất cả những đặc điểm ấy và nung nấu một niềm xác tín đặc biệt rằng nếu nơi này không phản cảm như thế thì sẽ giảm bớt sự trọng vọng.
Đó không hề là niềm tin tiêu cực mà là một vũ khí tích cực cho họ phô truơng với những nơi kinh doanh tiện nghi hơn, họ bảo Tellson không cần chỗ rộng rãi, Tellson không cần sáng sủa, Tellson không cần tô điểm trang hoàng. Noakes và Hội đoàn có lẽ cần, hoặc hãng Snooks Brothers có lẽ cần, nhưng Tellson thì không, tạ ơn Chúa! Quý tử của bất kỳ cổ đông nào cũng sẽ bị truất quyền thừa kế nếu chúng dám ngỏ ý tu sửa lại Tellson.
Về phương diện này thì hãng Tellson khá tương đồng với Anh quốc là nước rất thường tước quyền tự do của con dân nào dám đề nghị cải tổ những luật tục từ lâu nay chỉ làm tăng lòng kính sợ nhưng lại hết sức đáng chê trách. Cho nên mới có chuyện Tellson trở thành tột đỉnh vinh quang của sự bất tiện.
Sau khi xô bật cánh cửa lì lợm ngu si lúc nào cũng rên rỉ cọt kẹt, ta vấp ngay phải hai bậc thang đi xuống, và hoàn hồn nhận ra mình đang ở trong một nơi chật chội thảm hại, có hai quầy nhỏ nơi những ông già cốc đế tay run lẩy bẩy cầm tờ ngân phiếu của ta và săm soi chữ ký bên những ô cửa sổ tăm tối, phía ngoài lúc nào cũng vấy đầy bùn văng từ phố Fleet, và càng tăm tối thêm vì những song sắt trên khung cửa và cái bóng u ám của cổng thành Temple Bar.
Nếu công việc buộc ta phải gặp “Ông Chủ”, ta sẽ được đưa vào một thứ giống xà lim cấm cố ở phía sau, nơi ta có thể trầm tư về cuộc đời uổng phí của mình chờ đến khi Ông Chủ hai tay thọc trong túi xuất hiện, ta không tránh khỏi giật mình trong cảnh tranh tối tranh sáng u ám đó. Tiền của ta nhảy ra hay bay vào những ngăn kéo gỗ cũ kĩ mối mọt, một màn bụi sẽ xộc lên mũi ta, chui vào họng ta khi các ngăn này kéo ra sập vào. Những tờ tiền của ta có mùi mốc cứ như chúng sẽ nhanh chóng mục rữa thành giẻ rách trở lại*.
Đồ vàng bạc của ta được cho vào trong những cái hộc bẩn thỉu đó, và lớp nước bóng chỉ một, hai ngày là sẽ bị phá hủy bởi bao nhiêu thứ xú uế bên trong. Những văn tự tài sản của ta được cất giữ trong những hầm bảo quản tạm bợ từng là các nhà bếp và buồng rửa bát, và các tờ giấy sẽ bị bào mòn trong bầu không khí nhà băng này.
Những tráp đựng giấy tờ gia đình của ta được đưa lên lầu cho vào căn phòng Barmecide* lúc nào cũng có một bàn tiệc vĩ đại mà chẳng bao giờ bày món ăn ra; nơi mà những lá thư đầu tiên của người tình cũ hay của lũ con thơ gửi cho ta, mãi đến năm 1780 ấy, mới vừa thoát khỏi nỗi kinh hoàng bị xem trộm qua các cửa sổ, bởi vì trên cổng thành Temple Bar trước đó là chỗ bêu những đầu người bị tử hình – một hành động man rợ, bạo tàn khôn xiết tưởng đâu chỉ xảy ra thời xa xưa ở Abyssinia hay Ashanti*.
Nhưng thật ra thời đó thì xử tử hình lại là giải pháp thịnh hành trong mọi ngành nghề, nhất là với hãng Tellson. Cái chết là phương thuốc trị bách bệnh của tạo hóa thì sao luật pháp lại không áp dụng chứ? Chiếu theo đó, ai ngụy tạo văn tự là tử hình; ai viết chi phiếu khống là tử hình; ai lén mở thư của người khác đọc là tử hình; ai ăn cắp bốn mươi đồng shilling và sáu xu là tử hình; ai giữ ngựa trước cửa Ngân hàng Tellson mà trộm một con phóng đi là tử hình; ai làm giả một đồng shilling quèn là tử hình; chỉ cần một chút sai âm lạc nhịp trong toàn bộ cung bậc tội trạng dính dáng đến tiền bạc là có thể bị tử hình tuốt*.
Mà chết nhiều như thế thì có tác dụng ngăn chặn gì đâu – thực tế phải nói là ngược lại mới đúng – nhưng giống như mọi việc trên đời, cứ xử tử hình thì đỡ mất công giải quyết từng sự vụ và khỏi lo mọi hệ lụy về sau. Cho nên vào thời đó, cũng như các nơi làm ăn lớn hơn cùng thời, Ngân hàng Tellson đã lấy mạng nhiều người tới mức nếu những cái đầu bị chặt trước cửa – nếu không bí mật tống khứ đi – mà sắp hàng chồng chất hết trên cổng thành Temple Bar thì số thủ cấp đó cơ hồ sẽ chặn luôn chút ánh nắng chiếu vào tầng trệt chốn này.
Nhét trong đủ thứ ngăn, chuồng xỉn màu ở Tellson là những người già cả nhất nghiêm trang làm mọi việc. Nếu họ nhận một người trẻ vào làm ở chi nhánh London của Tellson, họ sẽ giấu kín anh ta đâu đó cho tới lúc hắn già đi. Họ sẽ nhốt hắn trong một chỗ tối, giống như ủ pho mát cho lên men, tới lúc hắn mốc xanh lên và nồng mùi Tellson. Chỉ khi đó, hắn mới được phép chường mặt ra, phô diễn màn săm soi tra cứu những tập sổ sách to lớn, và trưng ra chiếc quần chẽn cùng đôi ghệt cho ngân hàng thêm phần trịnh trọng.
Ngồi bên ngoài Tellson là biển hiệu sống của ngân hàng này; đó là một người chạy việc vặt – không bao giờ được vào bên trong nếu không có lệnh – thỉnh thoảng kiêm luôn khuân vác và liên lạc. Y không bao giờ vắng mặt trong giờ làm việc, trừ phi có việc phải đi, và nếu đi thì y được thế chỗ bằng thằng con trai: một đứa nhãi ranh gớm guốc mười hai tuổi, mặt mày giống cha như đúc.
Ai cũng hiểu rằng Tellson đã hạ cố chấp nhận người sai vặt đó. Xưa nay ngân hàng luôn chấp nhận một người làm công việc như vậy và thời gian lẫn số phận run rủi đã đưa người này vào vị trí đó.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.