
Bàn về Chiến tranh – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Bàn về Chiến tranh của tác giả Carl von Clausewitz mời bạn đọc thưởng thức.
Chương 6 TÌNH BÁO TRONG CHIẾN TRANH
Danh từ “tình báo” chỉ toàn bộ sự hiểu biết của chúng ta về địch và xứ sở của chúng: đó là nền tảng, trên đó xây dựng ý kiến và hành vi của chúng ta. Chỉ cần đi sâu vào bản chất của nền tảng ấy, về sự lờ mờ và không ổn định của nó, thì người ta sẽ cảm thấy rất mau chóng rằng chiến tranh là một lâu đài rất mỏng manh, chỉ cần những khó khăn rất nhỏ cũng đủ làm nó sụp đổ và chôn vùi chúng ta trong đống hoang tàn. Bởi vì, nếu mọi thứ sách vở đều dạy ta rằng: chỉ có thể tin vào những nguồn tin tức chắc chắn và bao giờ cũng phải cảnh giác, thì đó chỉ là một lời khuyên thuần túy sách vở, chỉ là một thứ khôn ngoan làm nơi ẩn náu cho các tác giả tồi, sáng tác ra các hệ tư tưởng và sách vở tồi.
Những tin tức đến tay chúng ta trong thời kỳ chiến tranh phần lớn trái ngược với nhau và phần lớn sai với sự thật, phần lớn không đáng tin cậy. Về vấn đề này, người ta chỉ có thể đòi hỏi người sĩ quan phải sáng suốt đến mức độ nào đó. Sự sáng suốt ấy chỉ dựa vào sự thành thạo về tâm lý, về nghề nghiệp và khả năng suy xét. Khi đánh giá các tin tức khác nhau, phải dựa vào tính chất có thể xảy ra của chúng. Khó khăn này không phải là không đáng kể khi xét đến những kế hoạch đầu tiên được dựng lên trong phòng kín và ngoài khu vực có chiến tranh thực sự; nhưng khó khăn lại càng vô cùng lớn hơn khi tin tức đến liên tiếp giữa cảnh hỗn loạn của chiến tranh.
Chúng ta hãy hài lòng khi nào, may mắn lắm, những tin tức này tuy trái ngược nhau song lại dẫn đến một sự cân bằng làm cho người chưa biết tới chúng có thể phê phán được một cách dễ dàng, tự nhiên. Điều kiện sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu rủi mà mỗi tin tức mới đến lại nhấn mạnh, xác nhận, mở rộng thêm tin tức trước. Những tin tức ấy cũng như những màu sắc phụ, tô vẽ thêm cho một bức tranh; cùng với sự đòi hỏi của tình hình, nó làm cho anh ta phải quyết định ngay tức khắc và quyết định ấy rất mau trở thành một điều phi lý, cũng như các tin tức trên trở thành láo toét, bị thổi phồng, sai lầm, v.v.
óm lại, phần lớn tin tức là sai sự thật, và tính bạc nhược của con người lại là một nguồn tin láo toét và bậy bạ mới. Nói chung, mọi người thường hay tin vào những tin tức xấu hơn là những tin tức tốt. Mọi người có xu hướng thổi phồng những tin tức xấu, đến nỗi những tin tức nguy hiểm truyền đi chồng chất lên nhau không ngừng như sóng biển; và cũng như sóng biển, chúng quật trở lại ta mà không có nguyên nhân rõ ràng. Vững vàng và tin tưởng vào sự hiểu biết tình hình, người chỉ huy phải đứng vững như bàn thạch mặc cho sóng vỗ xung quanh.
Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Người nào mà trời chưa phú cho một trái tim trầm tĩnh và tài năng chưa được kinh nghiệm quân sự tôi luyện, chứng thực thì cần phải theo một quy tắc: tránh xa con đường sợ hãi, hướng về phía hy vọng, mặc dù lòng tin bên trong của mình là thế nào đi nữa. Chỉ có cách ấy mới bảo đảm cho mình một thế cân bằng thực sự. Nếu ta nhìn thẳng vào khó khăm ấy một cách đúng đắn (khó khăn này là một trong những sự cọ xát lớn nhất trong chiến tranh), thì các sự kiện sẽ xuất hiện dưới một ánh sáng hoàn toàn khác hẳn.
Những cảm tưởng đó do giác quan đưa lại đều mạnh hơn những quan niệm do sự tính toán, suy nghĩ đưa tới. Đến nỗi, người chỉ huy khi nào cũng phải khắc phục những nghi ngờ mới, lúc bắt đầu thực hiện những mưu đồ quan trọng. Như vậy, con người bình thường thường hay tuân theo sự gợi ý bên ngoài và luôn luôn bị thực tiễn của các sự kiện làm cho dao động. Anh ta cứ tưởng mình phải đương đầu với những điều kiện khác với những điều kiện mà anh ta tưởng tượng ra trước, nhất là anh ta lại hay bị người khác thúc giục. Song le, tác giả của một bản dự án lại hay bị lạc hướng khi chính mình nhìn vào bản dự án ấy.
Anh ta cần giữ vững lòng tự tin không thể lay chuyển được làm thành trì chống lại sự thúc đẩy tạm thời bên ngoài. Những sự tin tưởng vững chắc lúc đầu của anh ta sẽ được xác minh trong quá trình tiến triển của sự vật, khi cái bình phong đặt ở phía trước sân khấu chiến tranh bị mất đi cùng một lúc với bao nhiêu nguy hiểm đã được tô vẽ thêm lên bằng nhiều màu sắc sặc sỡ, và cũng là lúc chân trời đã rộng mở. Đó là một trong những vực sâu ngăn cách bản dự án với sự thực hiện bản dự án ấy.
Chương 7 CỌ XÁT TRONG CHIẾN TRANH
Trong lúc bản thân mình chưa biết đến chiến tranh, người ta không nhận thức được tất cả những khó khăn và cũng không thể hiểu được rằng người chỉ huy cần thiên tài và khả năng trí tuệ phi thường để làm gì? Tất cả đều có vẻ đơn giản, tất cả những hiểu biết đều có vẻ nông cạn, tất cả những sự bố trí đều có vẻ vô nghĩa đến nỗi bài toán cao cấp nhỏ nhất cũng có vẻ có uy tín hơn, vì có vẻ khoa học hơn. Nhưng, khi người ta đã biết thế nào là chiến tranh thì mọi việc đều trở nên dễ hiểu. Song, rất khó miêu tả tại sao lại có sự thay đổi đó, rất khó nói rõ về cái yếu tố vô hình nhưng luôn luôn gây ra tác động đó.
Trong chiến tranh, tất cả đều đơn giản, nhưng cái đơn giản nhất lại là cái khó. Những khó khăn tích lũy và kéo theo chúng một sự cọ xát mà không ai hiểu được đúng đắn nếu chưa thấy chiến tranh. Ta hãy nghĩ đến người đi đường, sau một ngày đi bộ, tối đến còn muốn đi hai trạm nữa. Bốn hay năm giờ đi xe trên một đoạn đường: điều này không có nghĩa lý gì đối với anh ta.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.