
101 Điều Trường Học Chưa Bao Giờ Dạy Bạn – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách 101 Điều Trường Học Chưa Bao Giờ Dạy Bạn của tác giả Hà Trang
02. BẮT TAY ĐÚNG CÁCH – KHỞI ĐIỂM CỦA MỐI QUAN HỆ
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng trong việc tạo thiện cảm với người khác.
Người tinh tế là người có khả năng cảm nhận về đối phương chỉ qua một động thái nhỏ, đơn cử như bắt tay. Cái bắt tay có thể dẫn đến một hợp đồng được ký kết thành công, một mối quan hệ tốt đẹp, hay mở ra một câu chuyện.
Ấy vậy mà, bắt tay không đơn thuần là đưa tay lên, cầm tay đối phương rồi buông ra. Cái bắt tay chứa đựng nhiều quy tắc ngầm bên trong nó.
Khi bắt tay ai đó, hãy tiến lại phía họ với nét mặt tươi cười. Dừng lại ở khoảng cách an toàn, rồi chìa tay về phía người đó. Hãy nắm cả bàn tay đối tác, sao cho ngón tay cái của bạn khít lên ngón cái của người ta, lắc 3-4 nhịp rồi buông ra là đủ.
Không bóp tay quá mạnh, giật tay quá lâu khiến đối phương đau, nhất là đối với phụ nữ. Sử dụng lực vừa phải, không mạnh nhưng cũng không hời hợt, yếu ớt, chưa chạm đã buông, hay bắt tay kiểu chỉ cầm vài ngón tay.
Đừng để tay ướt, dính nhớp mồ hôi mà bắt tay. Nếu tay bạn bận hay bẩn, bạn cứ xin lỗi rằng bạn không thể bắt tay, hãy nói: “Xin lỗi, tay tôi không tiện để bắt tay anh (chị) lúc này.”
Nếu bạn là người thuận tay trái, cũng cố gắng chìa tay phải để bắt tay, không nên để đối tác phải rụt tay phải của họ lại để đổi sang tay trái cho giống bạn.
Chỉ bắt tay khi cả hai cùng đứng dậy hoặc cùng ngồi. Tối kỵ là khi một người ngồi, một người đứng lom khom, hay một người đứng trên bục cao, một người ở thấp hơn. Hãy bước tới, nghiêng người về phía trước một chút để bắt tay.
Với người lớn tuổi, nên cúi thấp hơn một chút để tỏ vẻ kính trọng. Không cần thiết úp cả hai bàn tay của mình vào tay người khác, hay cúi rạp mình, khiến người ta có cảm giác bạn khúm núm quá mức.
Hãy bắt tay kèm lời chào, gọi đúng tên, sau đó giới thiệu bản thân. Ví dụ: Khi bắt tay, bạn hãy nói: “Chào anh/chị, tôi là Minh, sinh viên năm 4 trường Nhân văn, rất vui được gặp anh/chị.”
Khi bắt tay ai đó, bạn hãy truyền cho người ta cảm giác thân thiện, cởi mở, sức mạnh của sự tự tin, khả năng làm chủ bản thân, để lại ấn tượng tốt đẹp. Đó là khởi đầu của mối quan hệ tốt đẹp và thành công.
03. LỜI CẢM ƠN VÀ LÒNG BIẾT ƠN
Nếu được hỏi hành động người Nhật làm nhiều nhất trong ngày là gì? Tôi sẽ trả lời ngay tắp lự: Cúi gập người và nói “Arigatou Gozaimasu!” (Xin cảm ơn rất nhiều!). Người Nhật Bản tính trầm lặng ít nói, nhưng riêng lời cảm ơn luôn thường trực trên môi.
Trong chuyến công tác Nhật Bản, tôi nghỉ tại một khách sạn ở Tokyo, mỗi lần gọi nhân viên lễ tân, sau khi đáp ứng yêu cầu của tôi, nhân viên khách sạn đều cúi người cảm ơn với thái độ kính cẩn như thể tôi vừa giúp đỡ họ.
Ngày rời khỏi khách sạn, có một cảnh tượng khiến tôi sững sờ và xúc động: Quản lý và nhân viên khách sạn cầm chiếc băng rôn in chữ “Thank you” to đùng hướng về phía xe của chúng tôi, cười tươi rạng rỡ cho đến lúc xe đi khuất.
Cũng không ít lần trên đường phố Nhật, tôi bắt gặp hình ảnh người đi bộ qua đường cúi gập người tỏ ý cảm ơn với những lái xe đã nhường đường cho họ.
Bước vào nhiều cửa hàng trên phố, quản lý trực tiếp đứng mở cửa cho khách hàng và gập người cảm ơn khi khách bước ra khỏi cửa hàng.
Con người ở đất nước này, càng hiện đại văn minh lại càng cúi đầu cảm ơn nhiều thật nhiều. Rời khỏi Nhật Bản, tôi mang trong mình một sự cảm kích kỳ lạ chưa bao giờ có được ở đất nước mình.
Trong tất cả các chương trình bây giờ, chúng ta dễ dàng bắt gặp lời phát biểu với gương mặt lạnh tanh: “Em xin gửi lời cảm ơn tới cha mẹ, thầy cô, bạn bè, các đoàn thể đã tạo điều kiện để em có được ngày hôm nay.” Lòng biết ơn của chúng ta nhiều khi đã bị công thức hóa như thế. Chúng ta cũng bỏ quên lời cảm ơn cho những điều mà ta nhận được từ những người xung quanh vì mặc định đấy là điều hiển nhiên.
Ở nhiều nước trên thế giới, thư cảm ơn sau phỏng vấn như là một phép lịch sự tối thiếu. Lá thư cảm ơn cho nhà tuyển dụng đã dành thời gian phỏng vấn mình, dù kết quả là trượt hay đỗ.
Đừng quên nói lời cảm ơn với người phục vụ kèm theo một nụ cười thân thiện. Cảm ơn vì người ta đã phục vụ mình chu đáo.
Nói cảm ơn khách hàng vì họ chính là người giúp bạn bán được những sản phẩm của mình.
Gửi tin nhắn cảm ơn bạn trai/bạn gái sau mỗi buổi hẹn hò vì đã cho nhau những khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc.
Nói một lời cảm ơn, để ta yêu thương những điều bé mọn, để ta trân trọng những điều người khác làm cho ta, để chúng ta đối xử với nhau tốt hơn, để thấy đời này còn bao nhiêu điều tươi đẹp.
Lời cảm ơn, chính là sự hiện diện của lòng biết ơn, của sự văn minh và đẳng cấp tân tiến nhất. Thanh niên thế kỷ 21văn minh, hiện đại hãy bước ra ngoài và đừng ngại nói cảm ơn.
04. PHÉP LỊCH SỰ TỐI THIỂU TRONG CUỘC SỐNG
Đánh giá một đất nước phát triển hay không, không chỉ nằm ở tốc độ phát triển kinh tế hay GDP, mà còn nằm ở trình độ văn hóa.
Trình độ văn hóa bao gồm cả trình độ phát triển vật chất và tinh thần của một xã hội, một tộc người, một nhóm người, một cá nhân, trong đó chứa đựng cả cách sống, lối sống, cách ứng xử hằng ngày.
Trình độ văn hóa khác với trình độ học vấn. Người có trình độ học vấn cao chưa hẳn đã có trình độ văn hóa cao nếu có hành xử dở ẹc, lối sống bê tha, mất đi cả những chuẩn mực cơ bản. Nhiều người trình độ học vấn thấp, nhưng ứng xử hay, lối sống đẹp nghiễm nhiên vẫn là người có văn hóa tốt.
Cô giáo người Anh của tôi khi nói về văn hóa giao tiếp đã lưu ý tôi những chủ đề tuyệt đối cấm kỵ khi giao tiếp với người nước ngoài: cân nặng, thu nhập, tình trạng hôn nhân và giới tính.
Tại đất nước ta, những câu hỏi này chúng ta vẫn bắt gặp thường xuyên, nhưng có lẽ không mấy ai dễ chịu khi được “hỏi thăm”: Dạo này tăng cân à? Đã lấy chồng chưa? Thưởng tết được bao nhiêu?…
Khi tham gia giao thông, đừng bấm còi nếu chỉ để chứng minh công dụng của chiếc còi. Bấm còi lúc tắc đường hay đang dừng đèn đỏ là việc vô nghĩa nhất trên đời mà có thể bạn đã từng làm.
Lái xe lúc trời mưa, nếu đi ngang qua vũng nước, hãy giảm tốc độ. Không phải để không làm bẩn xe mình, mà để nước không bắn lên người đi bên cạnh. Hãy là người cầm tay lái thông minh và lịch thiệp.
Nếu không thể tới đúng giờ, hãy gửi một tin nhắn hay gọi một cuộc điện thoại để thông báo kèm theo lời xin lỗi. Không để người khác chờ đợi trong sự giận dữ và lo lắng.
Ở chốn công cộng, chỉ nói đủ để người bên cạnh nghe. Không ai muốn nghe chuyện của bạn hay tiếng cười hô hố bất chấp mọi ánh nhìn.
Giải quyết mâu thuẫn, cố gắng gặp trực tiếp, không ai nói chuyện quan trọng bằng bàn phím.
Đổ đầy bình xăng khi mang trả nếu mượn xe của người khác. Nếu không sẽ chẳng ai muốn cho bạn mượn xe lần thứ 2. Dừng lại hoặc đi vòng ra phía sau lưng nếu người phía trước đang chụp ảnh. Ngược lại, nếu có người làm như thế với mình, đừng quên nói cảm ơn.
Khi người khác hỏi những điều mà bạn không muốn trả lời, xin hãy cười và hỏi: “Tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”
Không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với tri thức để có trình độ học vấn cao, nhưng ai cũng có thể sàng lọc trăm vạn lối sống, lối ứng xử để trở thành người có văn hóa tốt.
Trong cuộc sống này, kỹ năng ứng xử hầu như không có sách vở nào dạy, cũng không ai cầm tay chỉ việc mà chúng ta phải tự quan sát, tự nhìn nhận được điều gì tốt và điều gì nên làm để lựa chọn. Tốt hơn hết, hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn mình được đối xử.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.