Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Bản Đàn Thôn Dã của tác giả André Gide mời bạn đọc thưởng thức.

Chương 2:

Ngày 5, tháng Ba.

Tôi ghi nhận hôm ấy có ý nghĩa là một ngày khai sanh. Gọi đấy là nụ cười thì thật không đủ. Đúng hơn, đây là sự thoát hình lột xác. Đột nhiên, tất cả những nét trên gương mặt Gertrude trở nên linh động… như một sự soi sáng bất ngờ, như ánh hào quang tím nhạt đột hiện trên núi Alpes một buổi tinh sương trước cả bình minh, làm rung rinh đỉnh núi tuyết phủ vừa được mang ra khỏi bóng đêm, như một sự tô màu huyền diệu; tôi cũng nghĩ đến hồ Bethesda của Phúc Âm mà làn nước tù bấy lâu ủ ê vừa được thiên thần tới đánh thức.

Tôi lâng lâng hồ hởi ngắm nhìn nét đẹp thánh thiện vừa mới xuất hiện trên gương mặt Gertrude, vì cái gì vừa tới ngự trị nơi hình hài cô bé, tôi nghĩ không hẳn là Trí Tuệ, mà là Tình Thương. Linh hồn tôi như bay bổng với ơn phước dào dạt, và nụ hôn đầu tiên tôi đặt lên vừng trán xinh đẹp là nụ hôn kính cẩn tôi dâng lên Chúa.

Bước đầu càng khó khăn bao nhiêu thì những bước tiếp theo lại dễ dàng bấy nhiêu. Hôm nay tôi ngồi cố gắng nhớ lại những chặng đường hai chúng tôi đã qua; hình như có khi Gertrude đã tiến bằng những bước nhảy vọt, làm phương pháp giảng huấn của tôi trở thành trò đùa. Tôi nhớ lúc đầu tôi chú trọng đến tĩnh từ hơn là danh từ.

Thí dụ như nóng, lạnh, ấm, êm, đắng, cứng, mềm, nhẹ, v..v.. Rồi tôi bước sang động từ, như tách rời, ráp lại, nâng lên, chéo qua, ngã xuống, nối lại, phân ra, hợp vào, v..v.. Ít lâu sau không cần đến phương pháp nữa, tôi nói chuyện bình thường với Gertrude mà vẫn không sợ mình đi quá nhanh; tôi khuyến khích Gertrude tha hồ đặt câu hỏi cho tôi giảng giải.

Tất nhiên khi tôi đi rồi, Gertrude còn lại một mình vẫn tiếp tục vận dụng trí óc; thành thử nhiều khi trở lại để dạy bài mới cho Gertrude, tôi phải ngạc nhiên vì tấm màn đêm lần trước ngăn cách thầy trò chúng tôi tự nó đã mỏng đi trông thấy. Tôi thầm nghĩ, nàng Xuân đầm ấm tất phải thắng nổi chúa Đông lạnh lùng.

Đã bao lần tôi thích thú ngắm cảnh tuyết tan: có lẽ vì tấm thảm tuyết hao mòn phía dưới, trông ngoài tưởng như không thay đổi, mùa đông nào vợ tôi cũng mắc lừa về chuyện này và thường than với tôi rằng tuyết mãi không chịu tan; rồi thảm tuyết tưởng còn dầy thì bất thần từng mảng tuyết mất chân rạn vỡ trôi đi, phơi bày sự sống tưng bừng đã âm thầm hồi sinh tự những bao giờ.

Sợ Gertrude suy nhược vì cứ ngồi bên lò sưởi như bà lão, tôi bắt đầu dẫn cô bé ra ngoài dạo chơi. Nhưng chỉ khi nào có tôi cầm tay Gertrude mới chịu đi. Con bé sợ hãi và ngạc nhiên lúc vừa ra khỏi nhà.. Tuy Gertrude chưa biết trình bày rành mạch, tôi cũng quá rõ là nó nhút nhát như vậy là vì cho đến bây giờ chưa từng được ra khỏi ngưỡng cửa.

Nơi ngôi nhà tranh cũ của bà, nó chưa bao giờ được ai săn sóc ngoài việc cho ăn cho khỏi chết đói, nói gì đến chuyện dưỡng dục. Vũ trụ tối tăm của Gertrude là bốn bức tường của căn phòng chật hẹp mà nó chưa dám rời khỏi.

Những ngày hè nó chỉ dám mon men đến thềm, khi cửa nhà mở ra bên ngoài sáng rộng. Về sau Gertrude cho tôi biết là hồi trước nghe chim hót, nó tưởng tiếng chim là do nắng tạo thành cũng như hơi ấm mơn trớn trên má hay trên da bàn tay nó, và tuy bấy giờ không biết suy nghĩ thấu đáo, nó cho là không khí được nắng sưởi nóng đã hót lên, tương tự nước đun sôi thì reo trong ấm treo trên lò lửa.

Thực ra Gertrude bấy giờ không quan tâm đến chuyện gì. Con bé sống cô lập trong hôn mê tê dại, cho đến hôm được tôi mang về săn sóc. Tôi nhớ mãi nó vui mừng ngoài sức tưởng tượng khi được cắt nghĩa là những tiếng hót xinh xắn bé bỏng đó là ngôn ngữ của những sinh vật mà hình như nhiệm vụ độc nhất trong trời đất là cảm thấy hạnh phúc và ca lên niềm vui chan hòa của tạo vật. Từ hôm đó Gertrude có thành ngữ mới là ‘Con vui như chim’.

Nhưng con bé buồn vì không thấy được cái tạo vật huy hoàng mà chim ca ngợi. Gertrude hỏi tôi:

“Mục sư ơi, cuộc đời có đẹp như lời chim kể không. Tại sao loài người không nói về cuộc đời nhiều hơn. Tại sao Mục sư không kể cho con nghe nhiều hơn. Hay Mục sư sợ con tủi thân vì những chuyện con không được thấy.”

“Con không buồn đâu. Chim vẫn kể cho con biết bao nhiêu chuyện. Con tin là con hiểu được những gì chim muốn nói với con.”

Tôi kiếm lời an ủi:

“Những người có thị giác không biết nghe tiếng chim hót như con đâu.”

Cô bé lại hỏi:

“Nhưng Mục sư ơi, sao những sinh vật khác không hót?”

Nhiều lúc Gertrude làm tôi phải suy nghĩ. Gertrude bắt tôi phải phân tích những sự việc tôi đã quen chấp nhận mà không thắc mắc. Nhờ vậy mà hôm đó tôi nghiệm ra là những sinh vật càng nặng nề, càng sát gần mặt đất bao nhiêu thì càng buồn bã bấy nhiêu. Tôi tìm cách giảng cho cô bé ý niệm vừa mới suy ra; và tôi nhắc tới con sóc nhẹ nhàng chơi đùa tinh nghịch trên cành cao.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x