
Giải Mã Bí Mật Giảm Cân – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Giải Mã Bí Mật Giảm Cân của tác giả Jason Fung mời bạn thưởng thức.
2. THỪA HƯỞNG SỰ BÉO PHÌ
Một điều tương đối hiển nhiên là béo phì có tính di truyền.1 Những đứa trẻ béo phì thường có anh chị em béo phì. Những đứa trẻ béo phì sẽ trở thành người lớn béo phì.2 Những người lớn béo phì có khả năng sinh ra con cái béo phì. Béo phì ở trẻ em đi kèm với việc tăng từ 200-400% nguy cơ béo phì khi trưởng thành. Đây là một sự thật không thể chối cãi. Bất đồng xoay quanh vấn đề liệu béo phì thật sự mang tính di truyền hay chịu tác động từ môi trường – cuộc tranh cãi kinh điển giữa tính chất bẩm sinh tự nhiên và ảnh hưởng của việc được nuôi dưỡng.
Gia đình có chung các đặc điểm di truyền có thể dẫn tới béo phì. Tuy nhiên, béo phì mới chỉ bùng nổ từ những năm 1970. Bộ gen của chúng ta không thể thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Di truyền học có thể giải thích nguy cơ béo phì giữa các cá nhân với nhau, nhưng không thể giải thích tại sao toàn bộ dân số lại bị béo phì.
Tuy vậy, các thành viên gia đình cùng sống trong một môi trường, ăn thực phẩm giống nhau vào cùng thời điểm và có quan điểm giống nhau. Thành viên gia đình thường dùng chung xe hơi, cùng sống trong một không gian và có thể cùng tiếp xúc với các hóa chất có khả năng gây béo phì – được gọi là obesogen. Vì những lý do này nên rất nhiều người cho rằng môi trường sống hiện tại là nguyên nhân chính gây béo phì.
Các giả thiết thông thường về ca-lo đã kiên quyết kết luận rằng chính môi trường “độc hại” này đã khuyến khích sự ăn uống và kìm hãm việc vận động cơ thể. Chế độ ăn và lối sống đã thay đổi đáng kể từ những năm 1970 bao gồm:
• sự đón nhận một chế độ ăn ít chất béo, giàu carbohydrate;
• số lần ăn mỗi ngày nhiều hơn;
• ăn ngoài nhiều bữa hơn;
• nhiều cửa hàng ăn nhanh hơn;
• dành nhiều thời gian trong xe hơi và các phương tiện hơn;
• các trò chơi điện tử trở nên phổ biến hơn;
• sử dụng máy tính nhiều hơn;
• đường trong khẩu phần ăn nhiều hơn;
• sử dụng si-rô ngô cao fructose nhiều hơn;
• khẩu phần ăn lớn hơn.
Mỗi hoặc mọi nhân tố kể trên đều có thể góp phần tạo nên môi trường gây béo phì. Vì thế, phần lớn các giả thiết hiện đại về béo phì đã không tính đến tầm quan trọng của nhân tố di truyền, thay vào đó lại tin rằng sự hấp thụ quá mức ca-lo dẫn tới béo phì. Dù sao thì ăn uống và vận động là các hành động mang tính tự nguyện chứ không có tính di truyền.
Vậy, nói một cách chính xác thì di truyền học có vai trò đến đâu đối với béo phì?
BẨM SINH VÀ NUÔI DƯỠNG
– – – – – – – – – – – – – – – – – – –
PHƯƠNG PHÁP KINH ĐIỂN để xác định ảnh hưởng tương đối của nhân tố di truyền so với nhân tố môi trường là nghiên cứu các gia đình có con nuôi, qua đó loại bỏ yếu tố di truyền trong phép tính. Bằng cách so sánh con nuôi với cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, đóng góp tương đối của các ảnh hưởng từ môi trường có thể được tách riêng. Bác sĩ Albert J. Stunkard đã thực hiện một vài cuộc nghiên cứu di truyền kinh điển về béo phì.3 Các dữ liệu về cha mẹ đẻ thường không hoàn thiện, được giữ kín và không dễ tiếp cận đối với các nhà nghiên cứu. May thay, Đan Mạch hiện nay vẫn duy trì một hệ thống đăng ký nhận con nuôi tương đối hoàn chỉnh, với thông tin về cả hai cặp cha mẹ.
Với mẫu nghiên cứu là 540 người Đan Mạch trưởng thành được nhận nuôi, bác sĩ Stunkard đã so sánh họ với cả cha mẹ nuôi lẫn cha mẹ đẻ. Nếu các nhân tố môi trường là thứ quan trọng nhất thì con nuôi sẽ trông giống cha mẹ nuôi. Nếu các nhân tố di truyền mới là quan trọng nhất thì con nuôi trông sẽ giống cha mẹ đẻ.
Không có bất cứ mối liên quan nào giữa cân nặng của cha mẹ nuôi và con nuôi. Cha mẹ nuôi gầy hay béo cũng không ảnh hưởng tới cân nặng của con nuôi. Môi trường sống được cha mẹ nuôi cung cấp gần như không có sự liên quan.
Phát hiện này là một cú sốc khá lớn. Những giả thiết ca-lo tiêu chuẩn đã đẩy trách nhiệm gây béo phì cho các nhân tố môi trường và hành vi của con người. Các yếu tố môi trường như thói quen ăn uống, thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, đồ ngọt, thiếu vận động, lượng xe cộ, thiếu sân chơi và các hoạt động thể thao có tổ chức đều được mặc định có vai trò quan trọng trong sự phát triển của béo phì. Tuy nhiên, chúng gần như không đóng bất kỳ vai trò nào. Trên thực tế, những người con nuôi béo nhất lại có cha mẹ nuôi gầy nhất.
So sánh con nuôi với cha mẹ đẻ cho kết quả khác biệt đáng kể. Tồn tại mối liên quan chặt chẽ rõ rệt giữa cân nặng của họ. Cha mẹ đẻ có rất ít hoặc không hề liên quan tới việc nuôi lớn những đứa con nuôi, hoặc dạy chúng về giá trị dinh dưỡng hay thái độ với việc tập thể dục. Mặc dù vậy, xu hướng béo phì vẫn bám theo chúng như hình với bóng. Khi bạn đưa một đứa trẻ rời xa khỏi cha mẹ béo phì và đặt nó vào một gia đình “mảnh mai”, đứa trẻ vẫn trở nên béo phì.
Chuyện gì đã diễn ra?
Nghiên cứu về những cặp song sinh cùng trứng được nuôi lớn tách biệt cũng là một chiến thuật kinh điển khác nhằm phân biệt các nhân tố môi trường với các nhân tố di truyền. Cặp sinh đôi cùng trứng có gen di truyền gần như hoàn toàn giống nhau, trong khi cặp sinh đôi khác trứng chỉ có 25% bộ gen là giống nhau. Năm 1991, bác sĩ Stunkard đã xem xét các cặp sinh đôi khác trứng và cùng trứng phát triển như thế nào trong hai điều kiện: được nuôi dạy cùng nhau và được nuôi dạy tách biệt.4 Việc so sánh cân nặng của họ sẽ xác định được ảnh hưởng của các môi trường khác nhau. Kết quả đã tạo nên một cơn chấn động trong cộng đồng nghiên cứu về béo phì. Khoảng 70% chênh lệch về sự béo phì là do yếu tố gia đình.
Bảy mươi phần trăm.
Bảy mươi phần trăm xu hướng bạn tăng cân được định đoạt bởi dòng giống của bạn. Béo phì hầu như là được di truyền.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.