Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Dẫn Luận Về Nho Giáo của tác giả Daniel K. Gardner mời bạn thưởng thức.

2. Cá nhân và việc tu thân trong giáo lý của Khổng Tử

Mạnh Tử viết: Nhân hữu hằng ngôn, giai viết “thiên hạ quốc gia”. Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân.

(Mạnh Tử nói: Người ta thường có lời nói rằng: “Thiên hạ quốc gia”. Gốc của thiên hạ là nước, gốc của nước là nhà, gốc của nhà là ở tại thân mình).

Một mẫu người tiên phong của các cá nhân có đạo đức được Khổng Tử và những người đi theo ông đề xướng. Những cá nhân này đưa những người khác đến hành vi đúng mực thông qua hiệu quả làm gương của họ. Bằng cách thực hành lễ nghi và tôn trọng các trách nhiệm cộng đồng được đòi hỏi để duy trì cái gọi là ngũ luân – năm mối quan hệ: cha con, vua tôi, chồng vợ, anh em, bạn bè – họ cung cấp một mẫu hình cho mọi người làm theo và do đó mang lại sự hoà thuận cho gia đình và xã hội.

Vai trò nổi bật của cá nhân trong việc tạo ra trật tự xã hội tốt giải thích tại sao giáo lý Nho gia, trải qua bao nhiêu năm, hết sức chú trọng đến quá trình tu thân. Mỗi người và mọi người đều được thúc giục tham gia vào một quá trình tu đức, vì mỗi người và mọi người đều có khả năng rèn luyện một sức mạnh đạo đức có ích đối với những người khác. Đại học, một kinh điển Nho gia khác đã diễn đạt điều này một cách thẳng thắn: “Tự thiên tử dĩ chí thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (Từ thiên tử cho đến thứ dân, tất cả đều lấy tu thân làm gốc). Vì thế, giáo lý Nho gia đòi hỏi mọi người tuân theo, bất kể địa vị xã hội, chính trị, kinh tế, đều coi tu thân là điểm khởi đầu trong việc theo đuổi chính đạo. Đó là nền tảng, “gốc” nỗ lực của Nho gia trong việc tái tạo sự hài hoà và lễ nghi trong xã hội Trung Hoa.

Mục tiêu đối với cá nhân trong việc thực hiện quá trình tu thân là trở thành một bậc quân tử (君子). Quân tử là một thuật ngữ có lịch sử lâu dài ở thời đại Khổng Tử. Được hình thành từ hai chữ Hán, nghĩa đen của nó là “con của vua”, và theo truyền thống thì nó ám chỉ tầng lớp quý tộc nhà Chu. Là một bậc quân tử có nghĩa là được sinh ra trong giới thống trị; nó là một địa vị cha truyền con nối, một vấn đề về dòng dõi huyết thống. Khổng Tử đã vận dụng thuật ngữ này theo cách của riêng mình, tạo cho nó một nội hàm hoàn toàn mới. Theo cách dùng của ông, nó có nghĩa là một người thuộc giới quý tộc có đức – chứ không mang tính chính trị xã hội. Đối với Khổng tử, một bậc quân tử là người có đạo đức cao thượng, theo như tiêu chuẩn lễ nghi truyền thống, đối xử với người khác bằng lòng tôn trọng và phẩm giá, và theo đuổi các đức tính tốt như khiêm tôn, thật thà, thành tín, chính trực và nhân ái.

Từ đầu đến cuối Luận ngữ, Khổng Tử đối lập con người có đức hạnh cao thượng này với tiểu nhân (小人), nghĩa là kẻ ti tiện. Tiểu nhân là kẻ không tuân thủ các quy ước và không lựa chọn đi theo con đường đạo đức. Đó là kẻ ti tiện về mặt đạo đức. Trong một trường hợp, Khổng Tử đã phân biệt một cách rõ ràng giữa hai loại người: “Tử viết: Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi” (Luận ngữ 4.16) (Khổng Tử nói: Quân tử xem trọng đạo nghĩa, tiểu nhân xem trọng lợi ích). Một sự thay đổi quan trọng đã xảy ra trong Luận ngữ bằng sự tái khắc hoạ của Khổng Tử về quân tử. Trong khi ngày xưa, một người không thể cố gắng để trở thành quân tử – một người có xuất thân từ địa vị quân tử hay không – thì giờ đây, bất kỳ ai, ít nhất về mặt lý thuyết, đều có thể đạt được địa vị này thông qua tu thân thành công. Khổng Tử đã tạo ra một thách thức mới cho những người cùng thời với ông: Bằng sự cố gắng, bất kỳ ai cũng đều có thể trở thành người cao quý.

Nền tảng đối với quá trình tu thân, trở thành một bậc quân tử, là học tập. Điều này có thể giải thích tại sao dòng đầu tiên trong Luận ngữ đã hô hào: “Tử viết: Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (Luận ngữ, 1.1) (Học rồi luyện tập ngay, chẳng phải vui lắm sao?). Trong các bình luận rải rác trong phần còn lại của Luận ngữ, Khổng Tử tự nhận thấy rằng, nếu có bất cứ thứ gì phân biệt ông với người khác thì đó đơn giản là sự hiếu học của ông. “Tử viết: Thập thất chi ấp, tất hữu trung tín, như Khâu giả yên, bất như Khâu chi hiếu học dã” (Luận ngữ, 5.28) (Khổng Tử nói: Một xóm có mười nhà, ắt có người trung tín như Khâu này, nhưng không có người hiếu học như Khâu này). Sự hiếu học là thứ phân biệt ông với những người khác và biến ông thành một tấm gương cho họ.

Kiên định với quan điểm của mình là bất kỳ ai cũng có thể trở thành một bậc quân tử, Khổng Tử thuyết phục rằng việc học cần mở rộng cho tất cả mọi người. Việc học không được có các trở ngại về xã hội và kinh tế: “Tử viết: Hữu giáo, vô loại” (Luận ngữ, 15.39) (Khổng Tử nói: Mọi người đều có quyền được giáo dục, không phân biệt địa vị). Về việc dạy học của mình, ông nói: “Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên” (Ai dâng lễ để xin học thì từ một xâu thịt khô trở lên, ta chưa từng chê là ít mà không dạy). Chính nhờ sức thuyết phục của Khổng Tử mà bất kỳ ai say mê học tập thực sự, bất kể địa vị, cũng có thể hy vọng trau dồi đạo đức, thậm chí đạt được địa vị “quân tử”.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x