Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Dẫn Luận Về Đức Phật của tác giả Michael Carrithers mời bạn thưởng thức.

2. Thời trẻ và xuất gia

Những tông phái sau này thêu dệt rất nhiều về cuộc đời và dung mạo Đức Phật thời trẻ, nhưng chúng ta không thể dựa nhiều vào những nguồn này. Những tranh tượng truyền thống về ngài có lẽ đúng về tư thế đặc trưng khi tọa thiền, nhưng những tranh tượng ấy chỉ được tạo ra sau nhiều thế kỷ kể từ khi ngài nhập diệt, nên không thể được xem là chân dung. Có một vài cơ sở để tin rằng ngài là người có dung mạo đẹp đẽ theo chuẩn mực của thời ấy. Chẳng hạn, một nguồn tư liệu khá sớm là Kinh Khởi thế nhân bổn (Agganna Sutta) tán thán vẻ đẹp của ngài, lấy vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) của nước láng giềng ra so sánh. Không có gì nhiều để nói về tính cách tách rời khỏi triết lý của ngài, bởi lẽ trong các nguồn tư liệu, tính cách của ngài chính là triết lý của ngài. Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở cho rằng thời tuổi trẻ của ngài tràn đầy nhiệt huyết và sự nổi loạn. Đương nhiên, không một tính cách bình lặng và quy phục nào có thể dấn thân vào những gì ngài đã làm, chưa nói tới chuyện thành tựu chúng.

Có hai sự kiện chúng ta có thể chắc chắn hơn. Thứ nhất, Đức Phật sinh ra trong dòng tộc Thích-ca (Sakya), có lẽ tại kinh đô của họ là Ca-tì-la-vệ (Kapilavatthu), ngày nay là thị trấn Lâm-tì-ni (Lumbini) ở vùng đất trũng Terai của Nepal. Thứ hai, tên họ của ngài là Cồ-đàm (Gotama, Phạn ngữ là Gautama; chỉ sau khi giác ngộ ngài mới được gọi là “Phật” hay Buddha, nghĩa là “bậc tỉnh thức”, nhưng để thuận tiện, tôi sẽ sử dụng danh hiệu này trong suốt cuốn sách). Những sự kiện này chẳng nói lên điều gì về thời thơ ấu hay học vấn của ngài, nhưng chúng cho thấy ngài thuộc về nền văn minh sông Hằng, và chúng gợi lên đôi điều về những hoàn cảnh mà ngài thừa hưởng.

Dòng tộc Thích-ca là một trong số những dòng tộc định cư dọc theo bờ bắc của lưu vực sông Hằng, ngoại vi của vùng đất khi ấy là nền văn minh Bắc Ấn đang phát triển. Khi Đức Phật sinh ra, những dòng tộc này vẫn ít nhiều độc lập và có những hệ thống cai trị tương đối giống nhau. Các dòng tộc được cai quản bởi một người đứng đầu hoặc hội đồng các trưởng lão, hoặc hòa trộn cả hai, bởi vậy có lẽ tên gọi đúng nhất về chúng là những nền cộng hòa bộ lạc. Một số dòng tộc có thể đã bầu ra người đứng đầu cho một thời hạn cố định, nhưng họ không có vua theo ý nghĩa chặt chẽ của từ này, do đó chúng ta phải bỏ qua truyền thuyết cho rằng Đức Phật là con của một vị vua. Tuy nhiên, dòng tộc Thích-ca tự coi mình thuộc giai cấp vua chúa, giới quý tộc và chiến binh nếu so với xã hội nói chung, và trên thực tế, có lẽ họ không thừa nhận địa vị mang tính nghi lễ và được xem là cao hơn của giới Bà-la-môn – những tu sĩ thuộc giai cấp cao nhất. Dòng tộc Thích-ca tự xem mình là giới tinh hoa, và chúng ta khó mà không cho rằng Đức Phật có sự tự tin của những người thuộc dòng dõi cao quý trong những tiếp xúc của ngài với xã hội nói chung.

Có những bằng chứng cho thấy dòng tộc Thích-ca đã cố gắng giữ mình tách xa xã hội ấy, nhưng đã bị lôi kéo sâu vào trong đó. Ngay tên gia tộc của Đức Phật là Gotama cũng được sử dụng ở nơi khác, có lẽ ban đầu bởi người Bà-la-môn. Thật ra, chỉ ở bên ngoài ranh giới của dòng tộc Thích-ca, những tuyên bố về địa vị cao của họ mới thật sự có ý nghĩa so sánh. Bên cạnh đó, họ cũng phải cống nạp cho một vị vua ở phương nam, và có lẽ gắn liền về mặt kinh tế với sự giao thương của miền nam. Dòng tộc Thích-ca nói riêng và những nền cộng hòa bộ lạc nói chung chịu ảnh hưởng hơn là gây ảnh hưởng. Họ chỉ đóng góp cho văn minh Ấn Độ người con vĩ đại của họ là Đức Phật, và những giá trị nhất định của họ được gìn giữ trong giáo pháp của ngài.

Những trung tâm của sự thay đổi và quyền lực nằm ở giữa lưu vực sông Hằng. Một loạt những xã hội chiến binh quả cảm đã phân bố dọc con sông từ nhiều thế kỷ trước đó, và những xã hội này phát triển thành những nhà nước quân chủ tập trung. Truyền thống ghi nhận một danh sách mười sáu “đại quốc” như vậy, nhưng đến thời tuổi trẻ của Đức Phật, một số đã thâu tóm các nước khác và đang trên đường chinh phục thêm. Nước Kiều-tát-la (Kosala) đã chinh phục dòng tộc Thích-ca trong thời Đức Phật. Một nước khác sau này trở thành cốt lõi của đế chế Mau-ryan là Ma-kiệt-đà (Magadha), khi ấy đã cai trị vùng tây Bengal và đang chuẩn bị đánh chiếm liên minh Vajji của những cộng hòa bộ lạc sau khi Đức Phật qua đời. Tương lai nằm ở những vị vua, không phải ở những nền cộng hòa.

Ở giữa những quốc gia này xuất hiện các trung tâm đô thị đích thực, đây là điều chưa từng có trước đây. Những thành phố đang phình ra là nơi có kinh đô của nhà vua, và sự hình thành của đời sống đô thị hút về phía những thành phố này đủ hạng người: những nhà buôn và thợ thủ công với kỹ năng mới, binh lính và người lao động, các vị lãnh chúa bị chinh phục đến triều cống, những người ở bên lề xã hội, những người nước ngoài, những kẻ cơ hội. Sự phân chia về lao động và địa vị trở nên phức tạp hơn, những con người của những ngôn ngữ và văn hóa khác nhau giờ đây bị xô đẩy vào nhau để tự sinh tồn theo mọi cách có thể. Kinh đô và thành phố cũng thu hút nông thôn vào mối quan hệ với đời sống đô thị thông qua ảnh hưởng của binh lính và quan chức, sự tác động tinh tế của giao thương đường dài, và những đợt di dân.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x