
Ánh Sáng Và Bóng Tối Trên Châu Âu – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Ánh Sáng Và Bóng Tối Trên Châu Âu của tác giả Stefan Zweig mời bạn thưởng thức.
Trường học ở thế kỷ trước
Việc tôi được gửi đi học trung học sau khi học xong tiểu học là một việc hết sức tự nhiên. Chỉ riêng vì xã hội ngoài kia thôi thì gia đình khá giả nào cũng muốn con trai “có học”; người ta cho chúng học tiếng Pháp và tiếng Anh, cho làm quen với âm nhạc, thuê các cô dạy trẻ rồi sau là gia sư để học cách ứng xử. Nhưng chỉ có cái được gọi là đào tạo “hàn lâm”, dẫn đến đại học, thì mới mang lại đầy đủ giá trị trong thời của Chủ nghĩa Tự do “khai sáng”; vì vậy mà nằm trong tham vọng của mỗi một gia đình “tốt” là có ít nhất một người con trai mang học vị tiến sỹ đứng trước tên họ. Con đường đi đến đại học tương đối dài và hoàn toàn không chỉ là màu hồng tươi đẹp. Phải ngồi trên băng ghế nhà trường năm năm tiểu học và tám năm trung học, mỗi ngày năm đến sáu tiếng, và thời gian rảnh thì phải làm bài tập và thêm vào đó là những gì mà “giáo dục phổ thông” đòi hỏi, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, các ngôn ngữ “sống” bên cạnh các ngôn ngữ cổ điển như tiếng Hy Lạp và tiếng Latin – tức là năm ngoại ngữ cộng với hình học và vật lý và các môn học khác. Quá nhiều và hầu như không chừa lại khoảng trống nào để phát triển thân thể, cho thể thao, những chuyến đi dạo và đặc biệt là cho sự vui vẻ và giải trí.
Tôi nhớ mang máng, là khi bảy tuổi đã học thuộc lòng một bài hát nào đó về “thời trẻ thơ vui vẻ, hạnh phúc” và phải hát trong dàn đồng ca. Tai tôi vẫn còn văng vẳng giai điệu của bài hát trẻ con ngây thơ này, nhưng lời bài hát thì ngay từ thời đó đã khó khăn lắm mới phát ra được khỏi đôi môi của tôi, còn đi vào tâm khảm như một niềm tin thì còn khó hơn nữa. Vì toàn bộ thời đi học của tôi, thành thật mà nói, không gì hơn ngoài sự chán ngán tẻ nhạt liên miên, mà mỗi năm lại một tăng thêm bởi sự bồn chồn khao khát thoát ra khỏi cái chốn tù túng đó. Tôi không thể nhớ đã có lần “vui vẻ” hay “hạnh phúc” nào ở cái trường học đơn điệu, vô cảm và vô tâm đó, cái đã làm hỏng thời kỳ đẹp nhất, tự do nhất của cuộc đời chúng tôi, và thậm chí tôi phải thừa nhận rằng cho đến giờ tôi vẫn không khỏi ganh tỵ khi thấy trẻ thơ thế kỷ này được phát triển một cách lành mạnh hơn, tự do hơn và độc lập hơn.
Tôi vẫn còn thấy khó tin khi quan sát trẻ em ngày nay nói chuyện vô tư, gần như là ngang hàng với thầy giáo của các em, khi thấy các em bước đến trường hoàn toàn không chút sợ hãi không như chúng tôi luôn đè nặng cảm giác kém cỏi, khi thấy các em được phép bày tỏ những ước muốn, những ý thích của mình từ tâm hồn trẻ trung, tò mò ở trường và ở nhà một cách cởi mở – những con người tự do, độc lập, tự nhiên, trong khi chúng tôi, vừa bước vào ngôi đền đó, liền lập tức co mình lại, để không đập trán vào những bức vách vô hình. Trường học với chúng tôi là bắt buộc, khô khan, tẻ nhạt, nơi người ta phải nhồi nhét từng phần một đã được chia ra một cách chính xác của “khoa học về những điều không đáng biết tới”, những kiến thức giáo điều hay bị làm thành giáo điều mà chúng tôi cảm tưởng không can hệ gì đến những mối quan tâm của đời thực hay của cá nhân chúng tôi. Đó là một sự học trì độn, tẻ nhạt không vì cuộc sống, học chỉ để học, như nền giáo dục cũ đã ép buộc chúng tôi. Và khoảnh khắc hạnh phúc nhẹ nhõm thật sự duy nhất mà tôi có được từ trường học là cái ngày tôi đóng sầm cánh cửa để nó lại phía sau mãi mãi.
Không phải trường học nước Áo chúng tôi bản chất là tệ hại. Ngược lại là đằng khác, cái được gọi là “chương trình giảng dạy” được soạn thảo cẩn thận với kinh nghiệm đúc rút được từ hàng trăm năm, và nếu như được truyền tải một cách lôi cuốn, thì rất có thể là nền tảng cho một nền giáo dục hiệu quả và tương đối phổ quát. Nhưng chính bởi được lên kế hoạch chính xác và bị giản lược hóa mà những tiết học của chúng tôi đã thành ra khô khan và vô hồn đến đáng sợ, chỉ còn là một cỗ máy học tập lạnh lùng, không bao giờ tự điều chỉnh theo cá nhân, với những điểm số “tốt, đạt, không đạt” cho việc người học đáp ứng được “yêu cầu” của chương trình giảng dạy tới đâu. Chính sự vô tình với con người này, tính phi cá nhân này và lối hành xử như trong trại lính đã khiến chúng tôi phát bực. Chúng tôi phải học theo lượng thời gian quy định và bị kiểm tra xem đã tiếp thu được những gì; trong tám năm đằng đẵng ấy không một thầy cô giáo nào hỏi lấy một lần xem bản thân chúng tôi muốn học những gì, và vì vậy mà hoàn toàn không có sự nâng đỡ khuyến khích mà mỗi một con người trẻ tuổi đều thầm ao ước.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.