
Bên Dòng Sông Trà – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Bên Dòng Sông Trà của tác giả Thúy Sơn
Công việc làng, việc nước, hay nói chung là các chức vị trong hương thôn, thì chỉ làm việc sau năm năm là mãn hạn.
Còn nếu có khả năng, có sức làm mà “cố đấm ăn xôi” làm thêm năm, ba năm nữa để kiếm tí phẩm hàm, thì được gọi là ông Lý Cửu, hay ông Lý Bá. Tùy ở bằng sắc nhà Vua ban.
Thí dụ chỉ là một hương chức trơn, không có bằng cấp gì, thì được thưởng hàm Cửu Phẩm Bá Hộ. Còn nếu có bằng cấp như Khóa Sinh, sau này là bằng Sơ Học trở lên, thì được thưởng hàm Cửu Phẩm Văn Giai.
Phẩm hàm thì có ba loại: Văn Giai, Bá Hộ, và Quân Công. Văn Giai là để thưởng cho những người có bằng cấp. Còn Bá Hộ thì để thường cho các hương chức, nói chung gọi là “hàng hào”. Riêng Quân Công, thì dành cho những quân nhân.
Theo Quan Chế thì mỗi loại chỉ hơn nhau có một bực. Như tòng cửu phẩm Văn Giai, thì trên tòng cửu phẩm Bá Hộ, và tòng cửu phẩm Bá Hộ thì chỉ trên tòng cửu phẩm Quân Công.
Nhưng các cụ nhà ta lại có cái tính “lấy thịt đè người”, nên ở làng tôi đã xẩy ra một câu chuyện cười ra nước mắt là:
Có một ông cựu chiến binh Pháp, trong thời kỳ đệ Nhất Thế Chiến. Khi giải ngũ được thưởng hàm Chánh Cửu Phẩm Quân Công. Cứ theo quan chế thì chánh cửu phẩm, dù là Quân Công, cũng còn hơn cả tòng cửu phẩm Văn Giai hay Bá Hộ.
Nhưng ông chánh cửu nhà ta không có tiền khao vọng, nên trong bảng danh sách ở làng ông đã phải đứng sau tòng cửu phẩm Bá Hộ. Ông không chịu, nên phải đưa đến cửa quan. Ông Tri Huyện lại phán cho ông một câu:
– “Quân Công kém Bá Hộ hai bậc.”
Thế là ông chánh cửu phẩm Quân Công hậm hực, ôm mối tức bực về nhà. Cho nên người ta bảo: “Phép vua thua lệ làng” là vậy.
Thấy cụ Trùm Lý, tôi xuống xe chào cụ, rồi dựa xe vào gốc tre nói chuyện cho đỡ buồn.
Cụ không những là bạn thân của ông già tôi, mà còn là ông thầy dậy chữ Hán của tôi hai ba keo. Tôi nói hai, ba keo, là đã nhiều lần tôi nhập môn cụ. Lần thứ nhất là tôi lên 5 tuổi, gọi là học vỡ lòng.
Một buổi sáng đầu năm, có lẽ là vào ngày mồng mười gì đó. Trời lâm râm mưa phùn. Mẹ tôi mặc quần áo cho tôi chỉnh tề, rồi bảo anh người nhà ở năm nhà tôi:
– Hôm nay ngày khai trường, anh cõng em lên cụ Trùm Lý cho nó học.
Thế là tôi được ngồi trên lưng anh Sắc. Anh này đến ở nhà tôi từ lúc anh còn nhỏ. Nay anh đã 17, 18 tuổi, có thể trông coi ruộng nương, đồng áng cho nhà tôi được rồi. Anh rất vui tính, thật thà và chăm chỉ, chịu khó.
Một tay tôi ôm cổ anh, còn một tay tôi cầm ộ Anh thì một tay đỡ mông tôi, còn một tay anh xách buồng cau và chai rượu đế, mà mẹ tôi đã gói vào chiếc khăn đen bằng láng chéo, bà thường đội đầu.
Theo tục lệ ở nhà quê là như vậy. Ngày khai trường thì thầy đồ cũng làm long trọng lắm. Dường như cũng có thông báo bằng miệng từ trước, là ngày nào thầy khai giảng, thì các học sinh phải mang lễ vặt đến.
Buổi đầu thì chưa có học hành gì. Các học sinh được ăn một bữa cỗ no nê, rồi về. Ngày mai mới là ngày chính thức khai giảng.
Buổi học đầu tiên của tôi gọi là học “vỡ lòng”. Học hết 24 chữ cái, rồi đến vần bằng, vần trắc. Nhưng chưa tới vần trắc thì đã nghỉ, vì trời mưa nhiều quá, rả rích cả ngày, hàng tháng không thấy ánh mặt trời.
Hơn nữa, ngày nào anh Sắc cũng phải cõng đi, cõng về nên mẹ tôi bảo: “Cho nó ở nhà, đến hè này ông ngoại rước ông đồ về nhà, cho nó sang học khỏi mất công.”
Tôi ngồi nói chuyện với cụ Trùm Lý gần hai tiếng đồng hồ. Khi bóng chiều đã nghiêng về phía tây, làm cho những bóng râm bên đường đã xê dần dần đến chỗ chúng tôi ngồi. Tôi toan đứng dậy để đi mua mấy thỏi cao dán nhọt cho ông già.
Người ta nói chỉ có cao của ông Lang Phát ở Tây Làng là hiệu nghiệm. Bất kỳ nhọt gì, dù lớn nhỏ, độc địa thế nào cũng chỉ dán vào vài ngày là khỏi. Cụ Trùm Lý đưa mắt hỏi tôi:
– Mình có biết ngôi mộ này không?
Vừa nói cụ vừa chỉ vào nấm mộ ở trước mặt, gần ngay bên cạnh con đường làng, chỉ cách chừng hai thước tây. Chung quanh ngôi mộ là nước, vì ngôi mộ nằm chơ vơ ngay ở giữa vũng nước.
Một góc mộ đã phơi ván rạ Con đường làng tôi không giống như những con đường của các làng xã khác. Vì là đất công, nên người ta có quyền đào hai bên đường để đắp lên cho cao.
Từ con đường làng có những đường nhỏ đi vào từng xóm, nên đường trống trải thoáng mát.
Ngồi ở đây, có thể nhìn suốt ra chân đê về bên trái, và nhìn về bên phải thì qua Đình Đồng, rồi đến tam quan, có thể nhìn thẳng ra cánh đồng làng, và đồng sau chùa Rèm nữa. Cụ nói:
– Ngôi mộ này là ngôi mộ bốn đời của mình đấy. Hồi đó chưa có nghĩa trang, nên ai muốn táng ở đâu thì táng. Nhiều thầy địa lý nói. Nhà mình càng ngày càng phát đặt cũng nhờ ngôi mộ này. Cụ nói tiếp:
– Từ ngôi mộ này trông thẳng vào khu xóm Tây Làng, chỉ cách có mấy mảnh ruộng là mộ của ông Hoàng Giáp.
– Con có nghe người ta nói: Ngôi mộ của ông Hoàng Giáp chôn trên một thửa đất công độ mốt sào, gọi là “cấm địa” có phải không ạ?
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.