Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Đằng Sau Những Nụ Cười của tác giả Khánh Ly mời bạn thưởng thức.

2. Vì Sao Tôi Hát Nhạc Tiền Chiến

Hát trở lại những ca khúc thời Tiền chiến, nói như nhạc sĩ Nguyễn Hiền là bình minh của nhạc Việt Nam, đối với tôi, còn là một sự trở về, tìm lại chính mình. Một thời đã qua, qua rất nhanh mà tôi không làm sao có thể quên được dẫu nỗi nhớ về đó, luôn luôn làm tôi đau lòng và chảy nước mắt.

Ngày xưa… ngày xưa… Bất cứ chuyện gì đã xảy ra, dù chỉ mới ngày hôm qua, thường được bắt đầu bằng hai chữ: Ngày xưa. Tưởng chừng như một câu chuyện thần thoại, cái ngày xưa ấy thoạt nghe có vẻ xưa lắm nhưng thật ra nó mới xảy ra cách đây… 40 năm và cái chuyện thần thoại đó là chuyện có thật. Tôi là người trong chuyện, bây giờ tôi kể lại chuyện đó nhưng sẽ không có bóng dáng của bà Tiên hay ông Bụt…

Trước ngày theo mẹ di cư vào Nam, thành phố Hà Nội tưng bừng với một hội chợ lớn. Tôi không nhớ rõ địa điểm là do ai tổ chức, hình như do người Pháp thì phải. Bởi lúc đó, người Hà Nội không gọi là hội chợ mà gọi là Kermesse. Cũng như tất cả các hội chợ ngày nay, với đủ tất cả trò chơi cho trẻ con và người lớn, tôi nhớ một sân khấu nhỏ được dựng lên cho một cuộc thi hát, kiểu tuyển lựa ca sĩ bây giờ. Lúc đó tôi được 9 tuổi. Mẹ ở xa, bà nội tôi thì hoàn toàn không biết gì về cái gọi là Kermesse bởi bà tôi vốn chân quê, không biết chữ. Làm sao tôi lọt được vào trong, tôi đi với ai, một thằng nhỏ cùng phố tên Đồng, và làm cách nào tôi có thể leo lên sân khấu để… hát. Hôm đó tôi hát bài “Thơ ngây”. Tôi không biết tác giả là ai vì tôi học lóm từ những cửa hàng trên con phố Hàng Bông những ngày cuối tuần trên đường từ nội trú về nhà bà nội. Tôi chẳng được giải gì cả.

Sau đó tôi vào Sài Gòn. Một Sài Gòn thật xa lạ đầy quyến rũ với các ly đá nhân xi rô xanh, đỏ và tờ giấy một đồng xé làm hai mà vẫn xài được, mỗi nửa gọi là năm cắc. Năm 1956, dượng tôi nhận việc tại Đà Lạt, gia đình chúng tôi ở khu Chi Lăng, trước đó được gọi là Saint Benoit, nơi đó có những biệt thự được xây cất giống hệt nhau. Gia đình tôi ở căn đầu tiên cạnh con đường đất nhỏ đưa đến hồ Chi Lăng. Cũng đầu đường đó nhìn qua nhà tôi là hotel Chi Lăng có cái giếng giả xây đằng trước. Từ nhà, tôi đi bộ khoảng một cây số hơn tới trường tiểu học Phan Chu Trinh.

Lúc đó, tôi không biết đọc tiếng Việt nên không đọc báo nhưng do đâu mà tôi biết được là ở Sài Gòn có một cuộc tuyển lựa ca sĩ nhi đồng và ai là người ghi tên cho tôi, thú thật tôi không nhớ. Song nhiều phần là ở bác tôi, bác Tuất là chị ruột của mẹ tôi. Bác trai là nhạc sĩ, bác sử dụng trompet hình như trong ban quân nhạc ở Hà Nội. Chị ruột tôi cũng hát, tên chị là Lệ Yến, hai người chị họ con bác Tuất cũng hát. Một chị là vợ ông Võ Lương, giám đốc trường Huấn luyện cảnh sát, chị Kim Lan hiện giờ ở Đức. Còn một chị Tuyết là vợ ông Thẩm Nghĩa Bôi.

Nghĩ lại là nhiều phần tôi đã nhờ gia đình bác Tuất ghi tên cho tôi đi dự cuộc tuyển lựa ca sĩ nhi đồng khoảng cuối năm 1956. Làm thế nào mà một con bé mới 11, 12 tuổi dám làm quen và xin quá giang một xe chở bắp cải về Sài Gòn, tôi nằm ngủ còng queo phía sau với những chiếc bắp cải, rồi từ bến xe tôi tới nhà bác tôi. Ai cho tôi tiền để ăn dọc đường và về tới nhà bác Tuất, tôi không thể nhớ nổi.

Nơi có buổi tuyển lựa hôm đó là rạp Norodom do đài Pháp Á tổ chức. Tôi ghi danh với tên thật là Lệ Mai. Bài hát tôi chọn là bài “Từ giã kinh thành” nhưng bị bác. Lý do tôi còn nhỏ quá để hát một bài quá buồn, chỉ dành cho người lớn… “Ra đi một sớm buồn, sương mờ chập chùng buông…” thể điệu Boston. Ban giám khảo cho tôi hát bài “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tôi mặc cái quần sọc trắng, cái áo sơ mi ca rô của anh tôi, cắt tóc tém như con trai và tôi hát. Và tôi chiếm hạng nhì sau thần đồng Quốc Thắng.

Sau buổi hát, bác Tuất gái bắt tôi phải về Đà Lạt ngay, mẹ và dượng tôi đang nổi trận lôi đình với đứa con gái bất trị gan liền tướng quân. Tôi lại ra bến xe rau tìm đúng ông tài xế tốt bụng, nằm co ro sau xe giữa đống hàng hóa cần chuyển từ Sài Gòn về Đà Lạt.

Không cần phải kể lại, bất cứ ai trong chúng ta cũng biết cách trừng phạt con cái ngày xưa ở Việt Nam. Tôi chui xuống rãnh nước cạnh nhà ngồi khóc. Lúc đó tôi mới khóc, không phải vì đau mà là tủi, tôi nhớ bố tôi, ông đang ở đâu, còn sống hay đã chết như mẹ nói. Ông rất yêu tôi, ông sẽ không bao giờ đánh tôi vì chính ông đã từng ôm tôi và hát. Ông đánh đàn mandoline hát bài “Chiều vàng” của Nguyễn Văn Khánh, “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong. Bố tôi chưa bao giờ đánh tôi, ông sẽ không bao giờ. Trái tim non dại của tôi không ngớt vang lên tiếng gọi xót xa… Bố ơi… Bố ơi…

Tôi chỉ thần tượng bố tôi, thế cho nên những điệu nhạc, những lời bài hát đã từ lúc nào xuyên vào tim tôi và ở lại đó. Tôi yêu tiếp những gì mà bố tôi đã yêu, trên hết là nhạc, bởi qua nhạc tôi như nhìn lại khuôn mặt của bố mình mà tôi biết rằng trên cõi thế, chẳng bao giờ tôi còn có thể gặp lại ông nữa. Ở một nơi nào đó, chắc bố tôi cũng không nghĩ rằng những bài tình ca ông hát trên bước đường ly loạn đã vô tình trở thành định mệnh. Một định mệnh đẹp đẽ nhưng nghiệt ngã dành cho đứa con gái xấu xí ông yêu thương nhất.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x