Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Hồi Ức Chiến Trường K Một Thời Hoa Và Máu – Phần 2 của tác giả Xuân Tùng mời bạn thưởng thức.

BAO TỬ NHÍM – BAO TỬ NGƯỜI

Như các bạn đã thấy trên bản đồ đã post trong trang này, tôi đã để lộ một bí mật quân sự không được phép nếu thời điểm đó cách đây 28 năm. Trên đó thể hiện chính xác từng vị trí các đại đội, các trung đội, cách bố trí hoả lực tiểu đoàn Tư ở căn cứ phum K’bal Tea heal. Mỗi kỳ lĩnh gạo hay vũ khí, dân bạn đều lấy xe bò chở giúp đội áp tải vào gần đơn vị. Tới đó mời bác dừng lại! Không được phép vào đội hình đóng quân! Anh em ở nhà sẽ ra điểm tập kết khuân tất cả những thứ đó về. Lạng quạng tự tiện đi vào dính mìn, lựu đạn cài thì tự chịu trách nhiệm lấy. Trên câi bản đồ không ảnh đó, các bạn đã thấy đơn vị chúng tôi lọt thỏm trong một vùng rất nhiều dạng địa hình. Rừng rậm, rừng thưa. trảng ruộng, núi đất, phum hoang…Thú rừng cũng đa dạng như thế. Trảng ruộng thì thỏ, cầy giông, cầy triết (con này chuyên bới cua, ếch). Rừng thưa xen trảng có hoẵng, cheo, nhím, nai, heo. Rừng già thì hổ, báo…Lãnh địa sinh tồn quy ước thường như thế, nhưng chúng cũng kiếm ăn lộn tùng bậy trong lãnh thổ của nhau theo luật rừng. Mạnh được yếu thua! Các bác ra ngoại thành nhậu thú rừng, vớ được con nhím chừng dăm sáu ký đã sướng phát rên. Chúng tôi bắn được những con nhím hơn 20 ký là bình thường. Ban đêm đụng nhau, nó lủi vô bụi, rũ lông rù rù như tiếng người ta đưa cái đóm vào cánh quạt đang quay. Những cái lông nhím dài cả nửa mét, khoang đen khoang trắng cứng và nhọn như những mũi tên.

Người ta nói nhím biết bắn lông vào kẻ thù nhưng tôi chưa chứng kiến điều đó. Chỉ biết thịt nó ăn rất lành và ngon! Nhất là những miếng bì lưng hấp sả nóng, trên còn những lỗ chân lông lớn nhỏ, nhô lên sát nhau như miệng núi lửa trên mặt trăng, vẫn đang bốc hơi nghi ngút. Chấm muối tiêu ăn giòn thôi rồi! Dạ dày nhím là một vị thuốc quý. Bọn tôi hay săn nhím vào mùa khô. Mùa mưa nhím ăn tạp nham đủ thứ. Nhưng mùa khô, thức ăn khan hiếm, lá lẩu bị rừng cháy liếm sạch. Nó phải lụi cụi đào dũi thật sâu mới có củ, rễ mà ăn. Quý bởi những củ, những rễ nó dũi trong rừng mùa này thường là những vị thuốc quý. Nhím săn được về, làm lông, phanh bụng. Cái dạ dày buộc thắt trên thắt dưới, để nguyên các thứ bên trong mang rửa rượu phần bên ngoài rồi đem phơi. Bốn nắng là khô cong, dậy mùi thuốc bắc thơm thơm. Của này sao vàng tán nhỏ chữa bệnh đau bao tử rất hiệu nghiệm. Bọn tôi bắn nhím vừa để cải thiện, vừa để lấy dạ dày ra ga Bâmnak bán cho dân kiếm tiền mua rượu. Giá tiền 25 rịa (riel) một cái. Tôi cũng như nhiều thằng trong đơn vị, ở nhà có biết uống giọt rươụ nào đâu? Vào đơn vị theo anh em lính cũ dần dần cũng biết nhậu.

Đời lính chiến không thể có chủ thuyết trung dung, không thể đứng ngoài bất cứ việc gì! Không biết nhậu, không dám lên chúng nó ghét cho như chó! Quan tới lính bằng phân tuốt! Tôi không có ý định bàn về cơ chế của chuyện nhậu. Như kiểu cơ chế của nụ cười chẳng qua là sự co cơ mặt. Tôi chỉ hỏi anh em? Cùng cảnh xa nhà áo ngắn như nhau, nay sống mai chết chẳng biết khi nào. Cùng lùi lũi bám rừng xung phong, nhìn quanh quất anh em mình có 20 tay súng không thấy thằng nào nhớn nhác đã thấy ấm lòng. Mòn vai đổi cáng thương binh tử sỹ trong mưa rừng hay trong nước mắt…Nay gặp buổi xuân về. Gió lộng lên thế kia, suối xanh mát thế kia, thịt nhím thơm thế này, rượu đầy can thế này! Anh em mình sống chết có nhau đây rồi! Thế thì chúng ta nên học nghị quyết hay nên làm gì hả? Tất nhiên là học nghị quyết rồi! Hà hà! Chính vì nhậu nhiều, vận động bất tử, ăn uống thất thường nên ở đơn vị bệnh đau bao tử rất phổ biến. Vậy nên chu trình săn nhím, chữa bệnh dạ dày xong nhậu tiếp…kéo dài mãi mãi.

VĂN HOÁ ĐỌC – NGƯỜI TA BẮN B.40 NHƯ THẾ NÀO?

Tôi là thằng cũng chịu khó đọc linh tinh. Thượng vàng hạ cám gì cũng đọc tuốt. Thời nhỏ trước khi đi bộ đội, những cuốn sách cho thiếu nhi như chuyện tranh “Sát thát” với minh hoạ của Nguyễn Bích, “Cuộc truy tầm kho vũ khí” của Đoàn Giỏi. “Timua và đồng đội” của Gaiđa, “Trong rừng thẳm và trên sa mạc” của Sienkiewicz.… tôi may mắn cũng có đọc. Phải nói là thời bao cấp đó kham khổ về đời sống vật chất. Nhưng sách cho thiếu nhi có nhiều cuốn truyện hay. Không có những “Thuỷ thủ mặt trăng”, “Đô rê mon”… với những “Bu.. ù..m!”, “Oặc..!” nổ hoa cà hoa cải. Con trai thì mồm ngoác đến mang tai. Con gái phơi rốn dài đến nửa trang như sách thiếu nhi bây giờ. Kỳ công lục tủ sách, lấy ra những cuốn in trên giấy đen sì, có khi còn dính lẫn sợi rơm của một thời khốn khó. Hít hà cảm động xoa bìa, như gặp một người bạn cũ. Mang ra bảo con thử đọc cuốn này xem sao? Chúng nó ậm ừ, xem chiếu lệ vài trang rồi nhảy vào “Bùm! Bùm!” trên máy tính. Cuốn sách thì lẳng vào gầm bàn. Thu nhận cuộc sống từ mắt, trực tuyến thẳng xuống tay trên bàn phím không cần qua não, như phản xạ không điều kiện. Đúng là mỗi thế hệ một công nghệ khác! Cung phản xạ quá ngắn! Thời gian đâu mà đọc? Nói gì đến xúc cảm.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x