
Hồi Ức Chiến Trường K Phan Công Vượng – Tài Liên Sơn – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Hồi Ức Chiến Trường K Phan Công Vượng – Tài Liên Sơn của tác giả Phan Công Vượng, Tài Liên Sơn mời bạn thưởng thức.
2. HUẤN LUYỆN
Đơn vị tôi được đóng trong một doanh trại huấn luyện của lính dù nguỵ. Bốn bề chi chít dây thép gai, có lẽ một con gà cũng không chui lọt, lại còn có mìn nữa…vào ra chỉ có một cổng chính. Huấn luyện được một tháng thì nghe tin bọn Pôn Pốt gây hấn ở biên giới phía Tây Nam. Vậy là máu lại đổ! Mấy ngày sau, không biết từ đâu ra, có tin đồn chúng tôi sẽ được điều lên biên giới Tây Nam. Có nhiều khuôn mặt lo âu, có người đã bỏ trốn (xã tôi có hai thằng). Tôi vẫn bình tâm.
Vào một buổi sáng, có một người lính cũ mặc bộ quần áo Tô Châu, nai nịt gọn gàng vào đơn vị tôi. Anh là bạn của thủ trưởng tôi. Có điều rất lạ là anh không đeo quân hàm, quân hiệu (trong khi đó, đơn vị tôi ai cũng phải đeo cả). Trên tay áo anh – bên trái, sát cầu vai có khâu một mảnh vải trắng( ước chừng dài bốn cm, rộng hai cm). Chúng tôi tò mò hỏi thủ trưởng mình và được biết: Anh vừa ở biên giới Tây Nam về.
Chúng tôi có hỏi về mảnh vải trắng ấy thì được thủ trưởng cho hay đó là kí hiệu của bộ đội ta ở biên giới Tây Nam. Thủ trưởng giải thích: Trước năm bảy lăm, Việt Nam và Căm pu chia cùng chung một chiến hào đánh Mĩ. Hạt gạo chia đôi, củ khoai sẻ nửa.Nhưng khi được giải phóng, bọn Pôn Pốt lên cầm quyền ở Căm pu chia. Chúng đã trở mặt và đem quân xâm lấn biên giới nước ta. Chúng thường đóng giả bộ đội Việt Nam để tập kích biên giới. Có những toán quân Pôn Pốt đã lọt sâu vào biên giới để giết hại đồng bào yêu quí của chúng ta. Và mảnh vải trắng đã ra đời.
Bước sang tháng huấn luyện thứ ba, thứ tư, đơn vị tổ chức nhiều cuộc hành quân dã ngoại. Hầu như tuần nào cũng đi, hôm thì đi bộ, hôm thì đi ô tô. Sáng đi, chiều về, trưa ăn cơm trong rừng. Còn ban đêm thì khỏi phải nói, báo động chiến đấu, báo động di chuyển như cơm bữa. Có đêm đang ngủ ngon, thì nghe còi B trưởng thổi liên hồi. Khẩu lệnh từ phòng chỉ huy vang lên: Báo động chiến đấu…Vậy là lính tráng lại vùng dậy, mặc quần áo, đi giày dép, mang súng… chạy ra sân tập hợp. Khổ nhất là báo động di chuyển. Người chiến sĩ phải xếp tất cả quân tư trang cho vào ba lô, cột chặt. Trước khi hành quân, B trưởng hô:
– Chạy đều tại chỗ… chạy.
Cả mấy hàng quân chuyển động.
Giọng B trưởng rít trong gió:
– Chạy cao chân vào. Gót bật sát mông vào. Chạy cao chân nữa vào.
Tôi lầm bầm:
– Gì mà nhiều “vào” thế?
Các bạn có biết điều gì xảy ra sau đó không? Đó là tiếng rơi loảng xoảng của bát… đũa, cuốc, xẻng…Những lúc như thế chúng tôi phải cắn chặt hai hàm răng để không bật ra tiếng cười. Sau khi không có gì rơi được nữa mới được dừng lại chỉnh đốn trang phục và hành quân.
B trưởng tôi nghiêm lắm. Mỗi lần hô khẩu lệnh, hai hàm răng sít sìn sịt. Âm thanh rít qua kẽ răng. Anh lại “ác” nữa. Có một hôm, báo động chiến đấu, dọc đường đi, không hiểu B trưởng tôi làm thế nào mà tháo được băng đạn của anh bạn đồng hương tôi. Khi đến vị trí tập kết, triển khai đội hình chiến đấu, B trưởng hô:
– Các A kiểm tra con số và vũ khí báo cáo.
Chắc các bạn đã biết điều gì xảy ra rồi chứ? Anh bạn đồng hương của tôi, giọng run run :
– Bá cáo …xúng em mất… băng …dạn.
Cả trung đội không ai nhịn được cười. Có thằng cườì ré lên, Có thằng cười phì phì, có thằng cười khùng khục, có thằng cười lăn ra, có thằng vừa cười vừa giậm chân. Chúng tôi cười vì hai nhẽ. Thứ nhất, anh ta nói ngọng. Thứ hai, đi chiến đấu mà mất băng đạn thì còn đánh đấm cái nỗi gì cơ chứ. Chỉ có một người không cười: B trưởng.
Đêm đó, bạn tôi bị phạt, phải đi tìm suốt đêm, cả trung đội ai cũng thương anh. Không hiểu nó rơi lúc nào? Rơi ở đâu? Mọi sự nghi ngờ đổ dồn vào B trưởng. Lính tráng ai cũng căm B trưởng lắm. Sáng hôm sau, trước khi đi thao trường, B trưởng đưa băng đạn ra. Cả hàng quân cười oà, nhưng B trưởng nghiêm nét mặt:
– Nếu như đêm qua, nhận nhiệm vụ chiến đấu thật thì chắc rằng B của ta có ít nhất một người đã hy sinh.Tổ quốc đã mất đi một người lính. Gia đình mất đi một người con yêu dấu…
Cả hàng quân im lặng cúi đầu.
Các bạn ạ! Chuyện huấn luyện, tôi có thể kể cho các bạn nghe cả ngày không hết. Hồi đó, B tôi có anh Lập – người Nghi văn. Anh em thường gọi đùa là “Lập quáng gà” vì anh bị bệnh quáng gà là căn bệnh rất ít gặp, bệnh nhân vào lúc chập choạng tối, khi gà sắp lên chuồng, chẳng thấy gì cả.
Thật khổ cho anh, những lúc báo động như thế , anh chẳng thấy đường mà đi, chứ chưa nói đến chuyện là chạy. Anh đâm hết bụi này đến bụi khác, có khi đâm cả vào gốc cây nữa chứ. Lúc đầu ai cũng nghĩ anh giả vờ, nhưng tôi thì tôi hiểu anh lắm, có cái gì anh cũng hay tâm sự với tôi.Tôi gặp B trưởng trình bày sự việc. B trưởng tỏ ra đăm chiêu, sau đó anh phân công chúng tôi giúp đỡ Lập khi hành quân. Sau này vào chiến trường, Lập được phân công xuống làm anh nuôi.
Về phần mình, tôi cũng có một kỉ niệm không dễ gì quên. Sau một thời gian huấn luyện, chỉ còn một ngày, một đêm nữa là đơn vị bắn đạn thật. Đêm đó, tôi và anh Yên được phân công gác một ca (hình như ca một, hai giờ sáng thì phải). Yên gác cửa đầu Đông, tôi gác cửa đầu Tây, sát phòng chỉ huy. Cũng phải nói thêm với các bạn điều này. Hồi đó tôi và Yên, hai anh em thân nhau lắm. Có cái gì ngon hai anh em đều sẻ chia cho nhau. Đêm đó tôi khuyên nó:
– Mày vào ngủ đi, anh gác cho, thủ trưởng không biết đâu mà sợ.
Nghe lời tôi, nó vào ngay. Khuya, B trưởng đi kiểm tra gác, thấy thiếu gác, B trưởng hỏi:
– Thằng nữa đâu?
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.