Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi của tác giả Xuân Diệu mời bạn thưởng thức.

Phần II. Thế nào là cái Mới?

Không say sưa vì danh từ

Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc đời, chúng ta quý yêu cái mới chân chính, đón chào, mong đợi, cổ võ cái mới chân chính, và cả phấn đấu nữa để cho cái mới chân chính ra đời; chúng ta đứng về phe nó, khi nó đấu tranh với cái cũ. Cái mới chân chính là ánh sáng của trí tuệ chúng ta. Duy có một điều, là nó phải thực chân chính là cái mới.

Thật vậy. Chúng ta càng yêu cái Mới bao nhiêu, chúng ta càng muốn nó “thật vàng chẳng phải thau đâu”. Chúng ta không chịu làm những trẻ con bị nhầm vì những cái nước mạ loè loẹt. Chúng ta đã từng biết rằng những danh từ quý báu nhất, như chữ tự do (hãy nhớ đến cái “thế giới tự do” của Mỹ), như chữ cách mạng (Pê-tanh bán nước Pháp, mà tự cho là làm “cách mạng quốc gia”), cũng bị lộn sòng. Trong nghệ thuật, ai cũng muốn giật cái chữ “Mới” về phía mình, và ẩy cái tiếng “Cũ” về phía những người không đồng ý. Vậy cho nên, chúng ta muốn lột trần trụi ra để xem thực chất các quan điểm nghệ thuật, chứ chẳng tin ở cái nhãn hiệu, cái chiêu bài.

Thường, sinh ra trước trong thời gian thì gọi là cũ ; sinh sau trong thời gian thì gọi là mới. Như vậy, cái giá trị há chỉ vì ra trước với ra sau hay sao? Có những thanh niên cá biệt, tuổi tuy trẻ, nhưng tư tưởng rất lạc hậu; trái lại, có những người đứng hay nhiều tuổi mà tự rèn luyện theo cách mạng, tư tưởng rất tiền tiến. Trong nghệ thuật, theo ý tôi, nên nặng về phân biệt cái đúng với cái sai, cái hay với cái dở, nhiều hơn là tung ra những hình dung từ mới và cũ rất dễ mập mờ đánh lộn. Có cái cũ mà rất hay như những điệu dân ca mà chế độ phong kiến và đế quốc để rẻ rúng, mai một, nhưng ta nay “phủi cũ thấy mới”. Có những điệu nhạc giật gân và gọi dậy thú tính, của văn hoá tư bản Mỹ, mới toanh không giống nhạc của chúng ta một chút nào hết, mà thật là dở và xấu xa. Nghệ thuật chân chính không chịu kiếm ăn trong tính hiếu kỳ. Chúng ta lại còn chủ trương những tác phẩm mới của ta vẫn nối tiếp không đứt quãng với những truyền thống cũ, đã được quần chúng, đã được dân tộc lọc lựa và thử thách lâu đời. Không phải cái gì cũ cũng là già nua, tồi tàn, đáng vứt đi. Không phải cái gì mới cũng là đáng hai tay rước lấy.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn rất cần thảo luận cho sáng rõ vấn đề mới, cũ. Vì đi tìm cái Mới là một nhu cầu sinh tử của nghệ thuật, đấu tranh cho cái Mới là một nhiệm vụ thiêng liêng của nghệ thuật. Tất cả vấn đề là ở chỗ: cái Mới là cái gì?

Xã hội cũ có cái gì là mới?

Mỹ học của giai cấp vô sản cũng đi tìm cái mới, mà mỹ học của giai cấp tư sản cũng đi tìm cái mới. Chính vì hai bên cũng đều có cái sự việc “đi tìm cái mới”, nên một số người nhầm lẫn lộn phèo, không phân biệt được mới với mới, tìm với tìm. Sự thực, cái mới mà chúng ta tìm, cũng như cách tìm cái mới của chúng ta khác hẳn với của mỹ học tư sản.

Xã hội phong kiến và đế quốc là một xã hội cũ rích, mệt mỏi đến tận xương tuỷ. Trong nước Việt Nam nô lệ trước Cách mạng tháng Tám, dù những thanh niên “như trăng mới lên, như hoa mới nở”, huyết khí hăng hái, cũng cảm thấy cái cuộc đời ao tù như nước đọng. Một không khí phai tàn, tha ma, nghĩa địa phủ trùm lên mọi vật; dù, theo luật tự nhiên, cây vẫn ra hoa, người vẫn đẻ con, mùa xuân vẫn đến, nhưng mà sao những tâm hồn trẻ nhất cũng cảm thấy buồn, chán, và chết trong các tế bào của mình. Một thi sĩ mười sáu tuổi như Chế Lan Viên thuở đó, đã thốt ra rất sâu sắc:

Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết

Những sắc màu hình ảnh của Trần Gian.

Một thi sĩ như Huy Cận, thuở đó vào khoảng mười tám tuổi, đã phải vạch vôi vào trán xã hội:

Quanh quẩn mãi giữa vài ba giáng điệu,

Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người…

Tìm chân lý, tìm hạnh phúc trong cái xã hội đó, nhà thơ Lưu Trọng Lư phải than:

Tìm đâu cho thấy bóng chim hồng,

Chỉ thấy lưng trời một mảnh lông…

Nhắc lại như vậy, để thấy cái cũ rích của xã hội cũ. Tìm cái mới gì trong xã hội phong kiến, đế quốc đó? Lớp nhà văn, nhà thơ chúng tôi khi đó chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, chưa biết nhìn thấy cái mới, cái tương lai đang nằm trong quần chúng. Chúng tôi lặn chìm, bơi ngụp trong thế giới trị vì của cái cũ. Vì những lý do này hay những lý do khác, một số tác phẩm trước Cách mạng có đóng góp một phần mới đáng kể trong văn học Việt Nam, vấn đề này ta sẽ nghiên cứu sau. Nhưng căn bản vẫn là tìm một số “cách nói mới” để diễn tả cái cũ. Chúng tôi có “thành lập cá tính”, “phát huy độc đáo” trong một phạm vi nào đó thật. Để làm gì? Để nói cái cũ nó rúc xương chúng tôi, nó muốn đè chết chúng tôi! Riêng tôi còn quan niệm nhà thi sĩ, nhà nghệ sĩ là một người khách mới đến thăm một cái nhà cũ. Mang tâm hồn hồn nhiên, tươi rói như đứa trẻ con thấy cái gì cũng mới lạ, say mê, người thi sĩ vào cuộc đời (cũ) như một kẻ lần đầu đến thăm nhà lạ.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x