
Berlin Hai Mươi Năm Sau – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Berlin Hai Mươi Năm Sau của tác giả Nguyễn Quang mời bạn thưởng thức.
Từ Berlin đến Moskva
Chỉ cần nhìn lại xâu chuỗi sự kiện 1989 đã dẫn tới sự khai phóng Trung Âu – Ba Lan, 24 tháng tám ; Hung, 23 tháng mười ; CHDCĐ, 9 tháng mười một ; Bulgary, 10 tháng mười một ; Rumania, 25 tháng mười hai ; Tiệp Khắc, 29 tháng mười hai (xem khung) – để hiểu cái biểu tượng trong lễ kỉ niệm tối 9.11 vừa qua ở cổng Brandenburg : bức tường làm bằng một ngàn quân cờ đôminô sụp đổ, đôminô này ngã xuống, xô đẩy đôminô kia… sau khi Lech Walesa xô ngã cái đầu tiên. Nhưng khi “người hùng Gdansk” vỗ ngực tự nhận mình là cha đẻ ra “năm nhân dân các nước thức tỉnh”, thì ta có thể nhắc khéo rằng anh ta đã nhầm viễn cảnh. Bởi vì nếu “học thuyết Brejnev” không bị từ bỏ, thì làm sao có thể nghĩ tới “giải chư hầu hoá” ? nói chi đến quá trình “giải chư hầu hoá” (gần như) nhẹ nhàng như thế ? Sự xuất hiện của công đoàn Đoàn Kết đúng là sự kiện công khai đầu tiên của quá trình “phi chính đáng hoá”, song perestroika mới là dòng nước ngầm mạnh mẽ đã cuốn phăng rường cột nền tảng của chủ nghĩa xã hội hiện tồn.
Muốn quán triệt lịch sử thế kỉ XX, cần phải nhớ lại sự hình thành của quá trình Gorbatchev. Trong những năm 1950, khối Đông Âu dường như có khả năng bắt kịp, thậm chí vượt qua khối Tây phương, nhưng sang thập niên 1960, khoảng cách không rút ngắn mà lại tăng lên, và tới những năm 1980, những khuyết tật của hệ thống xô-viết hiện rõ mồn một, không cần phải có khoảng lùi lịch sử cũng trông thấy : xã hội tắc tị, văn hoá (chính thức) hoá thạch, kinh tế ảm đạm, công nghệ tụt hậu, sa lầy quân sự ở Afghanistan (trong tình thế đó, việc từ bỏ học thuyết Brejnev là điều bó buộc, chứ không phải là món quà tặng)… Nhiều cách lí giải – tất cả đều thích đáng – đã được đưa ra. Giải thích “bề thế” nhất (và được lòng phe Reagan nhất) là cái giá phải trả cho chiến tranh lạnh. Nhà sử học người Anh, Eric J. Hobsbawm đã tóm tắt luận điểm này như sau :
« Trong cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt và vô cùng tốn kém, hai siêu cường đã phải hành hạ và làm vênh nghiêm trọng guồng máy kinh tế, nhưng hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới đã tiêu hoá được món nợ 3 000 tỉ USD mà Hoa Kì đã phải vay mượn trong thập niên 1980 (trong khi trước đó, Hoa Kì là Nhà nước chủ nợ hàng đầu của thế giới). Trong khi đó thì chẳng có ai, bên ngoài hay bên trong hệ thống, chia sẻ bớt gánh nặng ngân sách của Liên Xô mà tỉ trọng đối với GDP lại cao hơn [có lẽ 25 % trong khi ngân sách vũ trang của Hoa Kì chiếm 7 %]. Do tác động kết hợp của chính sách và may mắn lịch sử, Hoa Kì đã chứng kiến sự diễn tiến của Nhật Bản và Cộng đồng Âu châu, vào cuối thập niên 1970, nền kinh tế của các nước này đã trội hơn nền kinh tế Mĩ tới 60 %. Ngược lại, các nước đồng minh và lệ thuộc Liên Xô không hề tự lập được (…). Về mặt công nghệ học, ưu thế của Tây phương tăng cường hầu như với nhịp độ luỹ thừa, đó là điều không thể chối cãi. Tóm lại, ngay từ đầu, chiến tranh lạnh là một cuộc đọ sức không cân đối. »
Tuy nhiên, Hobsbawm cũng tương đối hoá luận điểm này như sau :
« Nhưng chủ nghĩa xã hội bị huỷ hoại không phải vì cuộc đụng đầu với chủ nghĩa tư bản và sự ưu việt của chủ nghĩa tư bản. Đúng hơn, nó bị huỷ hoại vì những khuyết tật ngày càng hiển nhiên làm cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa bị tê liệt, những tật nguyền ấy kết hợp với sự lan tràn gia tốc của một nền kinh tế toàn cầu năng động, tiến bộ và lấn át hơn hẳn (…) [Chiến tranh lạnh], nếu không xảy ra tình huống cả hai bên cùng tự sát trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, bảo đảm cho sự sống còn của bên thua yếu. Bởi vì, gồng mình cố thủ đằng sau bức màn sắt, nền kinh tế kế hoạch hoá, dù đờ đẫn và vô hiệu đến mấy, vẫn tồn tại được : có thể nó xìu xuống một cách tiệm tiến, nhưng nó không nhất thiết sẽ sụp đổ trong một thời gian ngắn. Chính vì sự tương tác giữa nền kinh tế kiểu xô-viết và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trên toàn cầu từ thập niên 1960 trở đi đã làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành “dễ vỡ” (…). Tất cả nghịch lý của chiến tranh lạnh là ở đó : không phải sự đụng đầu mà chính là sự hoà hoãn [do Nikita Kroutchev khởi xướng] đã đánh bại Liên Xô và gây ra sự sụp đổ của nó. » (3)
Phân tích của Hobsbawm theo đúng quan điểm “duy vật lịch sử” (ông là nhà sử học mác-xít kiên định). Có lẽ cũng nên bổ sung phân tích đó bằng một suy tư triết lí chính trị của Adam Michnik, một trong những nhà tư tưởng của công đoàn Đoàn Kết :
« Hệ thống xô-viết phải tự cải tạo để ứng phó với những thách thức của sự hiện đại hoá đặt ra cho một xã hội phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế và tinh thần. Những năm 1930, Liên Xô có thể hiện ra như biểu tượng của tiến bộ và phát triển. Nhưng năm mươi năm sau, Liên Xô đã trở thành một xã hội lạc hậu (…). Thêm nữa là sự xung đột giữa độc tài và tự do, sự xung đột trong nội bộ các tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội là con đẻ của phong trào Ánh sáng, của lý tính, của sự khoan dung, của chủ nghĩa đa nguyên. Thế mà chủ nghĩa Mác-Lê lên cầm quyền lại tự hạn chế vào một tư duy độc nhất, vào sự chuyên chính độc tài.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.