Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Kỷ Niệm Về Thầy Sỹ của tác giả Việt Hải mời bạn thưởng thức.

Năm 1939, Văn Cao sáng tác nhạc phẩm trữ tình này, nó chan chứa tình yêu trai gái hay tình yêu vợ chồng và tình yêu đất nước khi người chinh phu ra đi cứu quốc, người chinh phụ mòn mỏi đợi chờ nơi quê xưa, nên nó cũng được hiểu như Chinh Phụ Khúc để nhớ người ra đi. Những ai có trải qua giai đoạn xa xưa đó sẽ hiểu tiếng lòng của người nhạc sĩ khi ông khảy tiếng đàn ra cung khúc u hoài này. Văn học Việt Nam ghi nhận bao nhiêu áng thơ, bao nhiêu khúc nhạc từ Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm hay Phùng Quán,… hay Văn Cao hoặc sách văn như của Nhất Linh với Đoạn Tuyệt hay Khu Rừng Lau: Ba Sinh Hương Lửa của Doãn Quốc Sỹ.

Chuyện kể về chàng thanh niên trẻ tên Tân, một sinh viên Kiến Trúc bỏ học tham gia Mặt Trận Việt Minh cứu quốc (trang 67), lý tưởng của chàng là những gương cứu quốc của những Nguyễn Thái Học, Ký Con, Phó Đức Chính,… giải phóng quê hương từ tay thực dân Pháp. Thầy Sỹ kể tôi nghe Thầy gia nhập vào Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc, hoạt động 10 năm tại vùng Việt Bắc. Ông cùng đồng bạn thực hiện những công tác tấn công cướp lương thực từ đoàn công voa của Pháp, hay cướp các kho lúa gạo của giặc Tây rồi phân phát cho dân nghèo,… Những lý tưởng mà thanh niên Việt Nam tranh đấu vì dân tộc Việt Nam, những thanh niên vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tiếng lòng ái quốc khiến họ hy sinh việc học quên tương lai của mình, họ không màng danh lợi cho ý đồ chính trị đen tối như người Cộng Sản lợi dụng lòng dân, nuôi bao thủ đoạn tham lam cướp quyền hành thống trị đất nước.

Hôm anh Tạ Xuân Thạc chở Thầy và tôi ghé ăn cơm tấm tại hiệu Kiều Giang trong khu thương xá Hong Kong 4, tôi nói là tôi thích cái tên mà nhà văn Hoàng Hải Thủy dịch chữ “Jane Eyre”, một danh tác của nhà văn Charlotte Bronte ra là “Kiều Giang”. Cả ba cùng cười đồng ý như vậy. Tôi cám ơn Thầy Sỹ vì ông vừa ký tặng cho tôi 6 quyển sách trong bộ sách gồm nhiều cuốn và với tôi sách là điều rất quý báu. Tôi bảo là dù chưa hân hạnh được học Thầy trước đây, và bây giờ tôi sẽ đọc sách này thì cũng là hình thức học từ Thầy rồi. Nói về sách của Thầy viết trước năm 75, Thầy kể tôi nghe về một mẫu chuyện cảm động đến thương tâm mà Thầy khó quên là vào năm 1996, Thầy được mời sang nói chuyện với Cộng Đồng Việt Nam tại Wichita, Kansas. Khi diễn thuyết xong đến phần giải lao, một người đàn ông với nét mặt u buồn đến gần làm quen và cho Thầy biết là: “Quyển sách Dòng Sông Định Mệnh đã bị chôn vùi rồi !”. Thầy ngạc nhiên và không hiểu câu nói của người đàn ông kia. Thế rồi người đàn ông cho biết ông phục vụ trong binh chủng Hải Quân sang Mỹ năm 75, bà vợ ông khi xưa đi học bà rất thích quyển “Dòng Sông Định Mệnh”. Ngày 75 bà có mang theo ấn bản cũ in tại Sài Gòn. Ngày bà bị bệnh nặng trước khi mất, bà đã trăn trối dặn ông hãy chôn quyển sách này với bà. Thầy cho tôi biết Thầy rất cảm động khi hiểu được câu chuyện này.

Sài Gòn năm 1984 khí hậu hè nóng như thiêu đốt, tin tức truyền lẹ ra xứ ngoài “Giáo sư Doãn Quốc Sỹ bị Việt Cộng tống giam cùng nhiều nhà văn thời VNCH”. Anh Lê Thế Bằng là sinh viên sư phạm có học Thầy môn Ngữ Học kể lại chuyện cũ: “Tôi không thể tin nổi một ông giáo hiền khô như ông bụt mà sao cầm đầu nhóm nhà văn nổi dậy được !”. Anh ở lại Sài Gòn trong hoang mang, trong nhiều nghi vấn, nhưng không ai dám hỏi hay thắc mắc gì thêm, khi mà nhà cầm quyền của Việt Cộng đang giơ nanh vuốt hung bạo ra như muốn xiết cổ người dân miền Nam thêm. Sau này tôi có dịp đọc bài viết của nhà văn Hoàng Hải Thủy thuật lại nội vụ, vì chính ông cũng là nạn nhân bị bắt bớ đó.

Như kinh nghiệm ngoài Bắc sau năm 1954 của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, tạo cái cớ để “hốt ổ”, bắt bớ, đàn áp giới trí thức chống đối, nhất là giới cầm bút, mà chúng cho là thành phần nguy hiểm, hậu quả là Phan Khôi, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Hữu Loan,… và Phùng Quán, kẻ chết, người bị biệt giam. Cái cớ “Doãn Quốc Sỹ” được xem là nhân vật đầu não xách động “chống phá nhà nước” để túm bắt luôn các ông Hoàng Hải Thủy, Duy Trác, Dương Hùng Cường và Trần Ngọc Tự cùng một đêm, cho vào nhà giam Số 4 đường Phan Đăng Lưu vào ngày 2 tháng Năm, 1984. Tất cả bị tù hai năm, nghĩa là đến năm 1986 trước ngày chúng họp Đại Hội Đảng Kỳ 6, vụ án “Biệt Kích Cầm Bút” được đem ra tòa, Việt Cộng kết tội gián điệp.

Theo luật lệ của Việt Cộng thì tội “Gián Điệp” thì kẻ đầu não sẽ bị kết án tử hình. Khi đó Việt Cộng muốn dùng cái gương xử tử để cảnh cáo những mầm mống nổi dậy chống đối lại chúng đối với người dân. Tôi hỏi Thầy có cảm giác như thế nào và Thầy có sợ không. Thầy ôn tồn trả lời: “Anh biết mà một khi họ muốn hãm hại, muốn giết mình thì họ sẽ làm thôi. Không chết lúc này thì chết lúc khác. Chết là một trong 4 diễn trình của cuộc sống chúng ta”.

Tôi đọc trong ý nghĩ của Thầy chất chứa một triết lý sống chết như chấp nhận hậu quả, mà không nao núng. Trong cái bản tính bất khuất và cương trực đó, Thầy vẫn thản nhiên, không luồn cúi trước bạo lực, kẻ thù đã sợ ông, bên ngoài đó chúng ta không quên những áp lực của các nước Tây phương can thiệp vào chính trường Việt Nam. Tôi có hỏi Thầy tác phẩm nào mà họ gài bắt ông để mang tội “viết văn chống phá cách mạng”, Thầy cho biết chính là tác phẩm Đi, tức đi vượt biên mà phong trào vượt biên lên cao điểm những năm 1980-1983. Về sau Thầy viết chuyện vượt biên xong lén lút gửi ra xứ ngoài, Việt Cộng theo dõi gài bắt ông.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x