Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Mấy Bài Tựa Đắc Ý của tác giả Nguyễn Hiến Lê mời bạn thưởng thức.

2. Tựa cuốn ĐẠI CƯƠNG VĂN HỌC SỬ TRUNG QUỐC

Khi soạn bộ này, tôi được sống lại những ngày vui cách đây 25 năm.

Hồi ấy, tới vụ nghỉ hè nào, tôi cũng về Sơn Tây ở với bác tôi [1] trong một ngôi nhà cổ, dưới bóng tre, giữa một cánh đồng lúa, bên bờ sông Nhị. Cảnh thì có núi, có gò, có đầm, có lạch, không khí thì thơm tho, lúc nào cũng văng vẳng những tiếng sáo diều, tiếng ca hát của thôn nữ cùng tiếng ngâm thơ của nhà nho. Tôi thích nhất là giọng bình văn: nó ung dung, nghiêm trang và thanh nhã làm sao! Tôi thích đến nỗi mỗi lần bác tôi chỉ nhắc tới những tên như Văn tâm điêu long, Chiêu minh văn tuyển, Tiền Xích Bích phú, Qui khứ lai từ… là trong lòng tôi cũng vang lên một điệu trầm trầm, như nhớ nhung cái gì. Những lúc ấy, tôi thấy trời như cao hơn, mây như nhẹ hơn.

Không hiểu tại sao tôi lại có cảm tưởng lạ lùng đó và cho những cái tên như Corneille, Hugo thô tục, chẳng du dương như những tên Lý Bạch, Đào Tiềm. Nào có phải tôi không yêu tiếng Pháp. Gặp dịp được khoe một câu tiếng tây bồi với các ông Lý, ông Chánh trong làng, tôi vẫn hãnh diện lắm chứ và có ai mà bảo tôi cái học “tây u” là cái học vong bản thì tôi giận đến đỏ mặt lên được chứ! Nhưng nền cổ học vẫn có sức gì huyền bí thu hút tôi. Sức huyền bí đó phải chăng là những tiếng ngâm nga từ ngàn năm về trước còn văng vẳng trong tâm hồn tôi? Có lẽ vậy. Và tôi muốn biết nền cổ học ra sao mà làm tôi say mê được đến bực ấy.

Một hôm đứng hầu trà bác tôi, tôi được nghe bốn tiếng “Văn tâm điêu long”. Đợi bác tôi ngừng nói để hút điếu thuốc lào, tôi đánh bạo hỏi:

– Thưa bác “Văn tâm điêu long” là gì?

Phà khói thuốc lên nóc nhà, bác tôi mỉm cười đáp:

– Cháu học tiếng Tây mà muốn biết những cái đó làm gì? Phải tốn công mười năm đèn sách mới hiểu được mà cái học nho bây giờ đã thành vô dụng rồi. Thím Tư (tức mẹ tôi) muốn cho cháu về đây học bác để sau này đọc được gia phả bên nội, bên ngoại. Bác cũng nghĩ vậy là phải, còn văn thơ cổ nhân thì thôi, thôi đi. Để sức tìm hiểu khoa học, cháu.

Thế là tôi cụt hứng. Cụt hứng nhưng lại càng tò mò hơn, muốn biết cho được cái “Văn tâm điêu long” ấy là cái gì. Tách riêng ra từng chữ thì tôi hiểu: Văn là văn chương, tâm là lòng, điêu là chạm, long là rồng. Nhưng “Văn tâm điêu long” là cái gì thì tôi không rõ, chỉ đoán mang máng là một bộ sách [2] .

Có lần thừa lúc bác tôi đi thăm một con bệnh ở làng bên, tôi cả gan lục tủ sách của người ra kiếm, nhưng không thấy bộ nào có tên ấy.

Những năm sau, mãi học, tôi quên hẳn chuyện đó.

Khi ở trường Công chính ra, nhằm lúc kinh tế khủng hoảng, phải nằm nhà sáu tháng đợi bổ. Trong thời gian đằng đẳng ấy, biết làm gì cho hết ngày? Tôi bèn xoay ra học chữ Hán. Rủi thay! Lúc đó bác tôi đã quy tiên không còn ai ở gần để chỉ bảo. Tôi phải học lấy trong những cuốn Tam thiên tự, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Grammaire chinoise của Cordier (?) [3] .

Khi có một số vốn độ 3000 chữ, đủ để mò trong tự điển Trung Quốc, tôi bèn kiếm những sách về văn học Trung Hoa mà đọc. Thật khó nhọc vô cùng! Đọc một bài trong “Cổ văn quan chỉ” dài độ 20 trang, tôi thường mất độ một buổi mà chỉ hiểu lờ mờ. Bộ sách ấy chú thích rõ ràng và dịch cổ văn ra bạch thoại [4] . Khốn nỗi cổ văn tôi đã “bí” mà bạch thoại tôi cũng “đặc”, phải dùng cổ văn để đoán bạch thoại rồi ngược lại, dùng bạch thoại để đoán cổ văn. Cũng may là có một ông bác [5] khuyến khích tôi, viết thư giảng những câu khó hiểu cho tôi, song học theo lối hàm thụ ấy tốn công cho tôi và mệt cho bác tôi quá – người viết chữ quốc ngữ rất chậm – nên nhiều lúc tôi chán nản tìm những sách Việt chép văn học Trung Quốc để đọc cho mau biết thì hởi ơi! Tôi hoàn toàn thất vọng. Cuốn “Việt Hán văn khảo” của Phan Kế Bính sơ lược quá, còn kiếm trên báo thì lâu mới gặp được một bài dịch Đường thi. Đọc những bài dịch ấy để tìm hiểu văn học Trung Quốc, không khác chi đi coi tượng bà Jeanne d’Arc hoặc Paul Bert trong công viên để tìm hiểu dân tộc Pháp vậy.

Gần đây, vài học giả xuất bản những cuốn dịch thơ Đường, nhưng không vị nào chịu khó viết mươi trang về các thời kỳ trong thơ Đường, các thi phái trong thơ Đường, đặc sắc của thơ Đường và tư tưởng cùng nghệ thuật của thi nhân đời đường. Thành thử kẻ ít học như tôi, đọc 300 – 400 trang mà chẳng được một ý niệm rõ ràng về thơ Đường.

Tôi bất mãn lắm, đành phải đọc những bộ Trung Quốc văn học sử của người Trung Hoa viết. Những bộ này không có chú thích, tôi dò dẫm lâu lắm mới hiểu được lõm bõm.

Văn học Trung Quốc là nguồn gốc của văn học Việt Nam mà không một nhà nho nào viết ra cho bọn tân học chúng tôi hiểu, cứ bắt xẩm mò kim, cực cho chúng tôi quá. Mà số nhà cựu học hiện đại đâu phải là hiếm đâu!

Đã nhiều lần tôi năn nỉ một vài cụ viết. Cụ thì nói không có thì giờ; cụ thì cho cổ học là vô dụng, “nên chôn chặt nó đi!”, cụ thì quá nhún, tự nhận không đủ sức.

Bảo cổ văn học là vô dụng, chỉ là tỏ một quan niệm chán ngán về thời thế. Bất kỳ nước nào Âu, Mỹ trong các trường Trung học cũng có ban cổ điển giảng về cổ văn học của nước họ hoặc của Hy Lạp, La Mã.

Không hễ theo mới thì bỏ cũ. Phải biết cái cũ rồi mới tìm thêm được cái mới. Huống hồ văn học Trung Hoa rực rỡ vào bực nhứt thế giới, người Pháp và người Mỹ còn nghiên cứu nó, lẽ nào mình lại bỏ cái gốc của mình đi cho đành?

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x