
Người Về Hưu – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Người Về Hưu của tác giả Anh Đức
Bởi nếu là trộm nghề, dễ gì bắt được nó ngon ơ như vậy. Thằng trộm nghề nhất định phải có mánh lới lừa lọc tối thiểu, chớ đằng này hầu như lần nào vừa trổ ngón nó cũng đều bị tóm.
Song, sự nhận xét và suy gẫm của ông Sáu không chỉ căn cứ ở tính chất của một tên trộm. Sự nhất của ông bắt đầu từ con người thằng nhỏ, từ thằng Côn, sau khi ông về hưu hẳn tại phường này với cấp bậc thượng tá.
Trước lúc nghỉ hưu, ông đã ở đây, trong ngôi nhà vợ ông thừa hưởng của gia đình nhưng lúc đó hầu như suốt ngày ông làm việc tại Cục Chính trị Quân khu, nên đối với phường khóm vẫn có sự cách biệt.
Chỉ gần một năm nay, ông mới biết rõ phường ông, biết rõ thế nào là một cái phường.
Theo ông đó là một xã hội thành phố thâu nhỏ lại chừng mười lăm ngàn dân, gồm đủ loại người, với đủ các loại sự cố vui buồn, xấu tốt, gian ngay. ở đó, ông cảm thấy mình như được gắn trả vào mạch máu luôn phập phồng, cái nhịp đập tức thời của đời sống, từ sự nhỏ nhoi ti tiện cho tới sự tốt đẹp lớn lao, ở những căn nhà chật chội cho tới bên trong các ngôi nhà sang trọng.
Chính ông cũng không ngờ rằng việc về hưu, trước nay được không ít người coi như là một cảnh đời buồn, “ô tô không có để điều khiển”, thì bây giờ sau một năm về hưu ông lại thích thú nhận ra những năm cuối đời, mình như được trả về giữa dòng cuộc sống tươi rói, và chính điều đó đã làm cho ông cảm thấy mình trẻ lại.
Đối với ông, giờ đây chỉ có một điều đòi hỏi duy nhất là lầm lũi nhập vô dòng sống đó, không đứng rời ra mà cũng không đứng ở bên trên. Ông đã sinh hoạt chi bộ Đảng và tổ dân phố không sót một buổi.
Ngoài ra ông vẫn thường đi xếp hàng mua gạo và nhu yếu phẩm. Trừ các anh chị ở phường, ít ai biết ông là một thượng tá. Người ta chỉ biết đó là một ông già trước ở bộ đội, bây giờ về hưu, bình thường hết sức, vì đi đâu ông cũng mặc quần bộ đội đã bạc, sơ mi ngắn tay trắng và đầu đội chiếc mũ cối cũng đã cũ.
Chính nhờ một lần đi mua gạo mà ông Sáu biết thằng Côn. Hôm ấy trong lúc đứng tới lượt mình, ông thấy nó với năm ba đứa khác nhỏ hơn, cả trai lẫn gái, lởn vởn tại cửa hàng gạo. Nó là đứa lớn nhất, trạc mười bảy mười tám, cầm đầu tốp nhỏ ấy với hai cái xe cây tự tạo, chắp vá, có bánh đẩy. Hễ một lần được mối, ông nghe lũ trẻ gọi.
– Anh Côn ơi! Em đi chuyến này nghen!
– Anh Côn đi tới đường Nguyễn Văn Trỗi, lấy bao nhiêu?
Vậy là thằng Côn đứng ra phân công, tính giá. Có nhiều người mua gạo xong; đèo xe đạp về, nhưng cũng có nhiều người thuê lũ trẻ. Lần đó, ông Sáu đã gọi tụi nó chở, mặc dù ông đi xe đạp, nhưng ông nghĩ: “Để tụi nó chở, tụi nó mới có miếng ăn!”.
Khi biết nhà ông ở cách cửa hàng gạo hơi xa thằng Côn bảo lũ trẻ: “Thôi, để tao đi!” Ông để ý thấy nó có sự cáng đáng việc nặng nhọc, chớ không phải chỉ đóng vai trò thằng trùm nhóc đứng chỉ tay năm ngón.
Điều làm ông hơi ngạc nhiên nữa là về tới nhà, sau khi nó vác bao gạo xăng xái đem tuốt vô bếp, ông móc túi đưa nó một đồng, thì nó nói: “Cháu xin ông năm mươi xu thôi!”. Cho nên ông đã nhìn nó như một thằng nhỏ biết điều, ít nhất nó còn có sự lương thiện.
Từ đó ông để ý tìm hiểu, được biết, thằng Côn và lũ trẻ đều không có nhà cửa, cha mẹ. Lúc nào chúng nó cũng quẩn quanh trong xóm, thằng Côn đi đầu, cao lêu nghêu trong bộ đồ lính cũ rách, và lũ trẻ đi sau áo quần cũng đã tả tơi như nó.
Dạo ấy, cái điều mà ông còn lơ mơ chưa rõ là không biết đêm đêm thằng Côn và lũ trẻ ngủ ở đâu. Ông đã đem chuyện này hỏi bí thư chi bộ, cũng vốn là một trung úy trẻ chuyển về.
Anh bí thư bảo rằng chính anh ta cũng không rõ, anh nói chúng ngủ ngoài chùa gì đó. Lần ấy ông Sáu đã nổi nóng nhưng ông kịp dằn được, chỉ cười nói “Chính đồng chí là người phải rõ việc đó hơn ai hết đấy đồng chí ạ!”.
Vậy rồi sau đó tự ông đi theo dõi. Cuối cùng ông mới vỡ lẽ, thằng Côn và lũ trẻ không hề ngủ ở đình chùa nào hết. Chúng nương náu ở một nghĩa địa, chúng ngủ trên những ngôi mộ.
Thật ra, nhiều khi ông Sáu nghĩ mình có thể bỏ qua việc đó không cần biết thằng Côn và lũ trẻ nương náu ở đâu thì cũng không có ai nói gì, kể cả chi bộ ông đang sinh hoạt sẽ không có ai cật vấn và đòi ông gánh lấy trách nhiêm ấy. Đó là trách nhiệm của phường, của tổ chức thương binh xã hội, của tổ dân phố.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.