Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Trương Minh Ký của tác giả Tú Nhi mời bạn đọc thưởng thức.

Phần I

LTS: Theo tài liệu biên khảo của ông Milton Osborne, một học giả người Úc, lịch sử Việt Nam từ năm 1954 trở đi đã có ít nhất hai cái nhìn xung đột về những chính khách và học giả cách tân không theo chủ trương bạo động trong quá trình kháng chiến Pháp. Ở ngoài Bắc, họ bị coi là những con người nhu nhược, thông đồng với bọn thực dân Pháp.

Nhưng trong miền Nam, họ được tiếp nhận với một cái nhìn có phần dung hòa hơn, và cũng được ghi nhớ qua những công lao văn hóa của họ trong thời kỳ sơ khai của chữ Quốc Ngữ. (Xin tham khảo bài Trương Vĩnh Ký and Phan Thanh Giản: The Problem of a Nationalist Interpretation of 19th Century Vietnamese History (Journal of Asian Studies: Nov. 1970, tr. 81). Học giả Osborne chất vấn quan điểm của miền Bắc trước 1975 đã phán xét những nhân vật lịch sử chỉ qua khuôn mẫu “anh hùng kháng chiến.”

Ông lập luận, “chính sách học tập đề cao những thành tích kháng chiến đã đơn giản hóa vấn đề. Có những nhà văn hóa cách tân [như Trương Vĩnh Ký và những người theo ông], mặc dù đã bị coi là thông đồng với người Pháp, thật sự đi cùng đường với những nhà cách mạng sau họ, đã muốn cải cách xã hội Việt Nam [theo đà tiến bộ của thế giới] bằng cách đoạn tuyệt với quá khứ Khổng học.”

Dựa trên tài liệu tham khảo ở Thư Viện Quốc Gia ở miền Nam trước 1975, ông Osborne kết luận rằng Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, và những hậu sinh của họ đã thực sự tin rằng quá trình tiếp thụ văn hóa Pháp sẽ giúp Việt Nam đạt được văn minh và độc lập.

Theo nhận định của tác giả Tú Nhi, bắt đầu từ thời kỳ Đổi Mới cho đến hiện nay, quan điểm chính trị về thành phần collaborateur đã được xét lại. Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, và những nhà văn hóa và dịch giả theo chủ trương Tây học ở cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20 đã được ghi nhận qua những thành tích tiền phong đáng kể của họ trong quá trình bành trướng chữ Quốc Ngữ và những tư tưởng văn hóa cận đại.

Nhà nghiên cứu Bằng Giang đã từng khẳng định: “Ở phần ba cuối cùng thế kỷ XIX, vào buổi sơ khai của nền văn học chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ mà cũng là ở Việt Nam, có ba khuôn mặt nổi bật, kể theo tuổi tác: Huỳnh Tịnh Của (1834-1908), Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Trương Minh Ký (1855-1900).”

Bỏ qua những điểm mờ trong vai trò chính trị, có thể nói Trương Minh Ký là gương mặt rất đáng được tôn vinh trong lịch sử văn hóa nước nhà. Một con người có những đóng góp lớn lao trên nhiều lĩnh vực: là một nhà dịch thuật có nhiều công trình lớn, một nhà giáo có tâm có đức với nghề nghiệp, một nhà văn có những sáng tạo độc đáo mang tính tiên phong trong lịch sử văn học.

Trương Minh Ký là học trò xuất sắc của Trương Vĩnh Ký. Ông sinh ngày 23 tháng 10 năm 1855, mất ngày 11 tháng 8 năm 1900, tự Thế Tải, hiệu Mai Nham. (Thuộc dòng dõi Trương Minh Giảng (? – 1841), người đã giữ chức Thượng thư kiêm Khâm thiên giám dưới triều Nguyễn).

Cha là Trương Minh Cẩn, mẹ là Phạm Thị Nguyệt. Quê quán ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Tên thật là Trương Minh Ngôn, vì ngưỡng mộ thầy dạy Trương Vĩnh Ký nên đổi tên thành Trương Minh Ký với ước nguyện nối được chí lớn của thầy.

Trong cuộc đời ngắn ngủi 45 năm (Trương Minh Ký mất sớm nhưng hiện chưa có tư liệu nào đề cập đến cái chết của ông), Trương Minh Ký đã làm được nhiều điều mà Trương Vĩnh Ký từng nhắn gửi học trò khi tiễn dặn họ sang Algier học tập: “Hãy đi đi và hãy trở về, như những con chim, biết tha những cọng cỏ khô làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mình.”

Thiết tưởng một con người có tầm vóc lớn như Trương Vĩnh Ký phải biết chọn người để gửi gấm khát vọng của bản thân đối với đất nước, dân tộc. Một trong số những người được Trương Vĩnh Ký đặt nhiều kỳ vọng là Trương Minh Ký. Vậy Trương Minh Ký đã làm được những gì?

Trong bố cảnh hậu bán thế kỷ 19, trên lộ trình bành trướng thế lực của chủ nghĩa thực dân phương Tây, Châu Á là điểm đến quan trọng. Một trong những tên thực dân sừng sỏ nhất là Pháp đã chọn Việt Nam làm mục tiêu xâm lược và đặt ách thống trị lâu dài. Nam Bộ là mảnh đất đầu tiên bị Pháp đánh chiếm và đặt quyền bảo hộ.

Từ tháng 2 năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định và đến năm 1862, triều đình Huế nhu nhược đã cắt đứt ba tỉnh Đông Nam Kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) dâng cho Pháp. Trong lúc triều đình phong kiến chỉ lo “duy trì chế độ xã hội thối nát nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi”, “ra sức củng cố trật tự bằng mọi cách” thì thực dân Pháp lại ráo riết chuẩn bị kế hoạch chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

Pháp thực hiện xong âm mưu này vào năm 1867 mà không tốn một viên đạn, không một chút kháng cự nào của quan quân triều đình. Sau khi chiếm xong sáu tỉnh Nam kỳ, thực dân Pháp đẩy mạnh chính sách văn hóa nô dịch, đồng hóa. Pháp cho mở trường dạy học bằng tiếng Pháp sau đó tiếp tục đưa chữ quốc ngữ vào chương trình dạy học.

Pháp cho xuất bản tờ báo chuyên đăng thông tư, nghị định, phổ biến công văn của guồng máy chế độ thực dân đồng thời ra sức đào tạo đội ngũ công chức thực hiện cho công cuộc nô dịch văn hóa. Trương Minh Ký là một trong những công chức được đào tạo vì mục đích ấy của thực dân Pháp. Nhưng thực chất những gì Trương Minh Ký làm được cho nền văn hóa nước nhà thì khác hẳn với mục tiêu ban đầu của thực dân Pháp.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “bảo hộ” của thực dân Pháp – Gia Định – nền văn hóa mà Trương Minh Ký tiếp nhận lúc bấy giờ là nền văn hóa trong các trường học của Pháp.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x