
VỀ MỘT BÀI THƠ THIỀN MÙA XUÂN – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách VỀ MỘT BÀI THƠ THIỀN MÙA XUÂN của tác giả Vĩnh Hảo mời bạn thưởng thức.
Họa sĩ Võ Đình cũng cho biết (qua Bản Tin Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ—số tháng 5/93) là bài thơ của thiền sư Mãn Giác còn được dịch ra tiếng Anh với tựa đề “Rebirth” (Tái sanh) bởi giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, và còn được phổ thành nhạc Mỹ bởi cô Carey Creed trong tập nhạc Plum Branch (Cành Mai) của cô. Bản tin của Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ còn cho biết cô Carey Creed đã lấy chữ “chi mai” (cành mai) trong bài thi kệ của thiền sư để đặt tựa đề chung cho tập nhạc của mình.
Bản tin kết luận: “Như vậy, sức mạnh truyền đạt của một bài thơ đã quá rõ: nó vượt qua một nghìn năm và đi từ Đông sang Tây, rồi lại còn hóa thân từ Hán-Việt sang tiếng Anh, để vươn lên thành một bản nhạc Mỹ của hôm nay. Đó mới thật là sự thần diệu của văn hóa.”
Đọc xong bản tin ấy, tôi thấy vui nhiều lắm, chẳng hiểu vì sao. Có lẽ vì tôi đã nhập tâm bài thơ ấy từ thuở nhỏ. Cũng có thể vì bài thơ ấy lưu lại kỷ niệm đẹp giữa tôi và vị ân sư đã viên tịch. Mà cũng có thể vì một niềm hãnh diện nào đó… (Phải hãnh diện chứ! Một đệ tử Phật hãnh diện về bài thơ của một thiền sư; một người Việt Nam hiện tại hãnh diện về một bài thơ của một người Việt Nam xa xưa. Chuyện rất thường!).
Nhưng, càng hãnh diện, tôi càng thấy lo trong lòng làm sao ấy. Lo rằng: không khéo, qua nhiều lần dịch, nhiều lần hóa thân, bài thơ sẽ được hiểu hoặc được diễn tả bằng một cách rất khác, xa hẳn với bối cảnh và tâm tư của tác giả thời trước để rồi một bài thi kệ dạy đệ tử về thiền đạo trở thành một bài thơ rất thường của một thi nhân. Tôi không có ý nói rằng thơ của thi nhân thế tục là tầm thường hoặc dở, còn thơ của thiền sư thì độc đáo, hay. Tôi chỉ muốn nói rằng, mặc dù giữa thiền sư và thi nhân có những điểm rất giống, nhưng trong khi mỗi thiền sư giác ngộ thực sự đều có thể là những thi nhân ngoại hạng thì những thi nhân ngoại hạng không chắc đã là những thiền sư. Như vậy, thơ thiền, tuy cũng là thơ nhưng khác thơ ở chỗ nó còn đảm nhận vai trò dẫn đạo cho thiền giả tu tập. Thế nên, cần phải dịch thơ thiền một cách thận trọng. Không những dịch một cách rất thơ, mà còn phải dịch một cách rất thiền nữa (thi vị và thiền vị).
Đọc thơ, hay hoặc dở, phần lớn là do nghệ thuật diễn đạt của thi nhân, nhưng mặt khác, cũng do mức độ cảm nhận và thưởng thức của người đọc nữa. Cho nên, không phải bài thơ hay nào cũng hay. Chẳng hạn khi đọc Chế Lan Viên với những câu:
“Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau…”
ai cũng khen hay—nhất là những thanh niên ở tuổi mới lớn, kể cả tôi hồi đó, thích bị đau khổ, cô đơn để cảm thấy mình trưởng thành. Nhưng thử đem đọc vào một lúc mà tâm tư thấy an lạc, hạnh phúc nhất thì bài thơ ấy nghe sao vô duyên, thảm! Đọc thơ là để sống với, sống trong, hay sống cùng thi nhân nỗi buồn vui biến động của nhân tình. Thơ thất tình thì đọc nghe buồn. Thơ yêu thì đọc thấy bâng khuâng, xao xuyến… Nhưng nếu bài thơ của thi nhân chẳng làm chúng ta rung động được (vì thơ không đạt, hoặc không thích hợp với cảm quan của mình) thì cũng chẳng có gì đáng tiếc xảy ra. Vô hại! Lỡ có người muốn hiểu khác đi, hoặc phiên dịch thành một bài thơ mà chính thi nhân tác giả cũng không hiểu nổi, thì cũng chẳng sao cả. Còn bài thi kệ của thiền sư để lại cho đệ tử thì khác. Nó không phải là một bài thơ thông thường; không phải loại ca dao, phong dao dạy về luân lý để phổ biến trong dân gian; cũng không phải là loại sấm ký truyền đạo để quảng bá cho thập phương bá tánh đủ mọi thành phần đều hiểu.
Thiền sư chỉ thảo bài thi kệ ấy cho những đệ tử thân cận, có căn cơ, và nhất là có hoài bão giải thoát giác ngộ, để dẫn dắt họ trên đường thực nghiệm tâm linh (thuật ngữ Phật giáo gọi là khai thị). Nếu một bài thi kệ được dân gian đón nhận như một bài thơ đẹp ở một khía cạnh nào đó thì điều ấy cũng không phải là chủ đích của thiền sư. Thi kệ giống như một công án, một khẩu quyết, một chìa khóa để mở cánh cửa thiền, một bản đồ để hướng dẫn kẻ lữ khách quay về quê xưa. Như vậy, phiên dịch hay diễn giải bài thi kệ là một việc làm rất nguy hiểm. Diễn dịch sai ý cũng giống như đưa trật chìa khóa, như vẽ bản đồ sai để cho thiền giả, cho lữ khách, phải đi lạc mãi, vòng vo mãi, chẳng thể nào bước vào, hay trở về với căn nhà xưa được nữa.
Cho nên, những gì tôi muốn trình bày sau đây, không phải là để nói lên sự hiểu biết hay kiến thức của mình về thơ, về thiền học; mà chỉ là sự cố gắng chia xẻ sự cảm nhận của mình đối với bài thi kệ của thiền sư Mãn Giác mà thôi. Bởi vì, ai cũng biết, một thiền sư không bao giờ làm thi kệ để chứng tỏ kiến thức. Thiền sư chỉ nói những gì ông đã chứng nghiệm trong đời sống tâm linh. Và khi chúng ta bàn về các thi kệ của ông, chúng ta cũng chỉ có thể lạm bàn được bằng sự cảm nhận của chúng ta mà thôi.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.