
Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời của tác giả Đào Duy Anh mời bạn thưởng thức.
NƯỚC ÂU LẠC
Sách Giao Châu ngoại vực ký dẫn ở Thủy kinh chứ có lẽ là sách xưa nhất chép truyện An Dương Vương là con Thục Vương, làm vua nước Âu Lạc sau khi chiếm nước (Văn Lang) của Lạc Vương:
“Giao Chỉ có ruộng Lạc, trông nước triều lên xuống (mà làm). Người ăn ruộng là (Lạc Vương và) Lạc Hầu. Các huyện gọi là Lạc Tướng, có ấn đồng dải xanh, tức là quan lệnh ngày nay. Sau con Thục Vương đem binh đánh (Lạc Vương và Lạc Hầu), tự xưng làm An Dương Vương, đóng trị sở ở Phong Khê. Sau Nam Việt Vương là Ủy Đà đánh An Dương Vương, sai hai sứ cai trị hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tức là nước Âu Lạc”.
Việt sử lược (q.1) thì chỉ nói rằng: “Cuối thời nhà Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành ở Việt Thường, xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu”.
Toàn thư thì chép rằng: “An Dương Vương (húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, sử cũ cho là họ Thục là sai) – Giáp Thìn, năm đầu (năm 58 Chu Noãn Vương), vua nổi binh đánh diệt nước Văn Lang.
“Trước vua đã đánh nhiều lần. Hùng Vương binh cường tướng giỏi, vua nhiều lần bị thua. Hùng Vương nói rằng: Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao? Bèn bỏ không săn sóc vũ bị, ngày ngày chỉ uống rượu ăn tiệc làm vui. Quân Thục bức đến gần, Hùng Vương còn say mềm chưa tỉnh, hộc máu nhảy xuống giếng chết. Binh chúng trở giáo đầu hàng. Thục Vương gồm chiếm lấy nước, đổi tên là nước Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê”.
Nếu nước Văn Lang là tên nước ta ở thời truyền thuyết thì nước Âu Lạc là tên đầu tiên của nước ta khi bắt đầu thời kỳ lịch sử.
Giao Châu ngoại vực ký gọi An Dương Vương là Thục Vương tử, nghĩa là con vua nước Thục. Chúng ta hãy xét xem An Dương Vương có thể là Thục Vương tử không? Về nước Thục ở đời Xuân Thu thì sách Hoa Dương quốc chí đời Tấn là sách đầu tiên chép rõ. Sách ấy chép rằng: “Năm thứ 5 Chu Thận Vương, bọn đại phu Trương Nghi, Tư Mã Thác và đô úy Mặc của nước Tần theo đường Thạch Ngưu đi đánh nước Thục. Vua Thục tự cầm quân cự chiến ở Gia Manh, thua, bỏ chạy đến Vũ Dương thì bị quân Tần giết. Tướng phó cùng với Thái tử lui đến Phùng Hương, thái tử chết ở Bạch Lộc Sơn.
Thế là họ Khai Minh mất, gồm 12 đời vua nước Thục”. Như thế thì nước Thục đã bị nước Tần diệt từ năm 316 trước rồi. Trần Tu Hòa, tác giả sách Việt Nam cổ sử cập kỳ dân tộc văn hóa chí nghiên cứu cho rằng An Dương Vương có thể là con út hay là con di phúc của Thục Vương và dựng nên ức thuyết rằng: Vũ Dương nay là đất huyện Bành Sơn tỉnh Tứ Xuyên ở phía nam Thành Đô, miền trung lưu sông Mân Giang. Phùng Hương và Bạch Lộc Sơn không rõ đích xác ở đâu, nhưng theo tình hình chạy tránh quân Tần và theo điều kiện địa lý thì triều đình và thái tử nước Thục tất phải chạy theo sông Mân Giang về phía nam và thái tử có lẽ là chết ở hạ lưu sông ấy.
Nhưng sau khi thái tử chết thì dư chúng của nước Thục trong ấy có con nhỏ hay con di phúc của vua Thục vẫn theo sông Mân Giang mà chạy về Nam, đến đất các huyện Nghi Tân, Khánh Phù tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, tức là theo lối Bặc đạo mà về sau Đường Mông đời Hán sẽ mở để xuống miền Nam Trung. Bấy giờ nước Sở đã chiếm cứ đất Kiềm Điền (tức Quý Châu và Vân Nam). Có lẽ con vua Thục và bộ chúng đã trốn tránh trong miền ấy thuộc nước cứu địch của nước Tần để mong chờ cơ hội khôi phục. Sau đó 36 năm, nước Tần lại chiếm đất Kiểm Trung của Sở. Trang Kiểu là tướng nước Sở bị cách tuyệt với bản quốc, bèn chiếm lãnh đất Điền Trì, tự xưng là Điền Vương. Nhưng chỗ con vua Thục ẩn thân, thuộc miền Tường Kha, là đất nghèo và độc địa, lại ở gần với phạm vi thế lực nước Tần, cho nên con cháu vua Thục có lẽ đã phải hướng về Nam mà phát triển vào miền khí hậu ôn hòa, sản vật giàu thịnh, rồi cuối cùng chiếm nước Văn Lang.
Chúng tôi nhận thấy rằng ức thuyết của Trần Tu Hòa nêu lên giải quyết một số vấn đề khá ổn. Duy không cần phải giả thiết rằng An Dương Vương là con di phúc của vua Thục (nếu thế thì khi bị Triệu Đà đánh An Dương Vương phải là đã hơn trăm tuổi) mà có thể là cháu vua Thục còn sót lại sau một thời gian luân lạc của dòng họ vua Thục cũ ở khoảng Quý Châu, Vân Naim. Thấy thế lực nước Tần càng ngày càng mạnh, hậu duệ vua Thục cùng con cháu những người đi theo không còn có hy vọng khôi phục được nữa, họ bèn đi thẳng về Nam để tránh những miền còn gần thế lực của Tần. Từ Điền Trì hẳn là họ đã xuống miền phủ Khai Hóa rồi do đó theo đường thượng lưu sông Lô mà vào miền thượng du của nước ta ở khoảng Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng ở ngay phía bắc biên giới nước Văn Lang bấy giờ.
Bọn con cháu nước Thục ấy đã vào nước ta do đường nào? Về vấn đề này cũng như về sự thành lập của nước Âu Lạc, có một truyền thuyết của người Tày có thể cho chúng ta ít nhiều ánh sáng. Tại miền Cao Bằng ngày nay, trong khoảng đồng bào Tày được lưu hành một truyền thuyết bằng thơ về nguồn gốc bộ lạc. Truyền thuyết ấy gồm ba phần: Phần thứ nhất trình bày tình hình của các bộ lạc Nam Cương; phần thứ hai kể chuyện chín chúa tranh nhau ngôi vua; phần thứ ba trình bày sự thắng lợi của Thục Phán trong cuộc cạnh tranh ấy.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.