Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Các Thế Giới Song Song của tác giả Michio Kaku

CHƯƠNG MỘT. NHỮNG BỨC ẢNH SƠ SINH CỦA VŨ TRỤ

Nhà thơ chỉ cầu mong để đầu óc của mình bay bổng lên thiên đường. Nhà logic học lại tìm cách đem cả bầu trời vào trong đầu anh ta. Thế là đầu anh ta nhức như búa bổ.

– G. K. Chesterson

Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã tự xung đột với những niềm tin của chính mình. Cha mẹ tôi được nuôi dưỡng theo truyền thống Phật giáo. Nhưng tôi lại tới trường đạo Chúa nhật vào mỗi tuần, nơi tôi thích được nghe những câu chuyện Kinh Thánh về những con cá voi*, cái nôi cói của Moses, hộp đựng pháp điển, chiếc thuyền Noah*, các cột muối*, những rẻ xương sườn và những quả táo*. Tôi đã từng bị cuốn hút bởi những dụ ngôn này của kinh Cựu Ước, chúng từng là phần ưa thích của tôi tại trường đạo Chúa nhật. Dường như đối với tôi thì các dụ ngôn về các trận đại hồng thủy*, về các bụi gai cháy* và chuyện nước rẽ ra* có nhiều điều thú vị hơn so với việc tụng kinh và thiền định của Phật giáo. Quả thật, những câu chuyện cổ xưa về chủ nghĩa anh hùng và bi kịch này minh họa sinh động cho những bài học đạo đức và luân lý đã luôn ở bên tôi trong suốt cuộc đời.

Một ngày ở trường đạo Chúa nhật, chúng tôi đã nghiên cứu sách Sáng thế. Đọc về việc Chúa Trời phán truyền như sấm từ trên thiên đường “Phải có ánh sáng!” nghe ấn tượng hơn nhiều so với việc yên lặng thiền định về Niết bàn. Vì hiếu kỳ ngây thơ, tôi đã hỏi cô giáo của mình rằng “Thế Chúa có mẹ không ạ?” Thường thì cô có câu trả lời nhanh chóng cũng như đưa ra một bài học sâu sắc về đạo đức. Nhưng lần này cô đã sửng sốt. Không, cô đã trả lời một cách lưỡng lự, Chúa chắc là không có mẹ. “Nhưng như thế thì Chúa ở đâu ra?” tôi hỏi. Cô ậm ừ rằng cô sẽ phải tham khảo ý kiến của vị mục sư về câu hỏi đó.

Tôi đã không nhận ra rằng mình đã vô tình bập phải một trong những câu hỏi lớn của thần học. Tôi đã bối rối không hiểu vì trong Phật giáo chẳng hề có Chúa Trời, mà có một vũ trụ vô tận về thời gian, không có khởi đầu mà cũng chẳng có kết thúc. Sau này, khi tôi bắt đầu nghiên cứu các thần thoại lớn trên thế giới, tôi đã biết rằng có hai loại vũ trụ luận trong tôn giáo, loại thứ nhất dựa trên một thời điểm duy nhất khi Chúa tạo ra vũ trụ, loại thứ hai dựa trên ý tưởng cho rằng vũ trụ đã luôn luôn tồn tại và sẽ luôn luôn như vậy.

Không thể có chuyện cả hai ý tưởng đều đúng, tôi đã nghĩ như vậy.

Sau đó, tôi bắt đầu thấy rằng những chủ đề phổ biến này giao nhau trong nhiều nền văn hóa khác. Chẳng hạn, trong thần thoại Trung Hoa, thuở khai thiên lập địa chỉ có một quả trứng vũ trụ. Vị thần hài nhi Bàn Cổ cư trú gần như vĩnh viễn bên trong quả trứng này, khi nó trôi nổi trên biển Hỗn mang vô hình. Rốt cuộc khi trứng nở ra, Bàn Cổ đã lớn rất nhanh, cao thêm mỗi ngày một trường, vì thế nửa trên của vỏ quả trứng trở thành trời và nửa dưới trở thành đất. Sau 18.000 năm, thần qua đời để sinh ra thế giới của chúng ta: máu của thần đã trở thành những con sông, đôi mắt của thần là mặt trời và mặt trăng, còn giọng nói của thần đã trở thành sấm sét.

Theo nhiều cách, thần thoại Bàn Cổ phản ánh một chủ đề được tìm thấy trong nhiều tôn giáo và thần thoại cổ xưa khác, rằng vũ trụ đã bắt đầu tồn tại từ trạng thái creatio ex nihilo (Sáng thế từ hư không). Trong thần thoại Hy Lạp, vũ trụ đã bắt đầu từ trạng thái hỗn độn (trên thực tế, từ “chaos” có nguồn gốc từ một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “địa ngục”). Khoảng không trống rỗng vô hình này thường được miêu tả như là một đại dương, như trong thần thoại Babylon và Nhật Bản. Chủ đề này cũng được tìm thấy trong thần thoại Ai Cập cổ đại, nơi mà thần mặt trời Ra xuất hiện từ một quả trứng trôi nổi. Trong thần thoại Polynesia, quả trứng vũ trụ được thay thế bằng vỏ quả dừa. Người Maya tin vào một biến thể khác của câu chuyện này, trong đó vũ trụ được sinh ra rồi chết đi sau 5.000 năm, chỉ cốt để tái sinh nhiều lần, lặp lại chu kỳ sinh diệt bất tận này.

Các thần thoại creatio ex nihilo này đại diện cho sự tương phản rõ nét với vũ trụ học theo Phật giáo và các dạng thức nhất định của Ấn giáo (đạo Hindu). Trong thần thoại của các tôn giáo này, vũ trụ là vô thủy vô chung, không có khởi đầu mà cũng chẳng có kết thúc. Có nhiều cấp độ tồn tại, nhưng cao nhất là Niết bàn, một trạng thái vĩnh cửu và chỉ có thể đạt được bằng thiền định thanh khiết nhất. Trong Mahapurana (Đại Vãng thế thư) của người theo Ấn giáo, người ta viết rằng “Nếu Đấng Tạo hóa đã sáng tạo ra thế giới thì Ngài đã ở đâu trước Sáng thế?… Chỉ biết rằng thế giới này tự bản thân mà có, cũng như chính bản thân thời gian, không có khởi đầu mà cũng chẳng có kết thúc”.

Các thần thoại này thể hiện sự mâu thuẫn rõ nét đối với nhau, mà rõ ràng không có giải pháp dung hòa giữa chúng. Chúng có tính loại trừ lẫn nhau: hoặc là vũ trụ đã có một khởi đầu hoặc là không có. Rõ ràng là không tồn tại quan điểm trung dung.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x