Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Băng của tác giả Bernard Minier

Những cây lãnh sam phủ đầy tuyết. Nhìn từ trên xuống, ở phương thẳng đứng, một dải đường thẳng tắp dần hiện ra, dẫn sâu vào giữa đám lãnh sam. Thân cây ngập trong sương mù, ngọn cây ngả nghiêng vi vút. Nơi đó ở tận cuối con đường, chính giữa hàng cây. Chiếc xe Jeep Cherokee như một chú bọ cánh cứng béo mẫm chạy qua những gốc cây lá kim cao lớn. Cặp đèn pha chiếu xuyên qua màn sương mù vấn vít. Xe ủi tuyết đã để lại những đụn tuyết khổng lồ ở cả hai bên đường. Đằng xa, những rặng núi trắng xóa che khuất đường chân trời. Cánh rừng đột ngột kết thúc. Con đường vặn mình thành một khúc ngoặt gấp uốn quanh con dốc đầy sỏi đá rồi tiếp tục chạy dọc theo một dòng nước xiết. Dòng chảy dẫn đến một con đập nhỏ toàn nước đục ngầu. Xa thêm một quãng là cửa vào nhà máy thủy điện nằm phía bên kia miệng núi. Ven đường có một tấm biển chỉ dẫn: SAINT-MARTIN-DE-COMMINGES, XỨ SỞ GẤU, 7 KM.

Servaz nhìn tấm biển khi lái xe ngang qua. Một chú gấu núi Pyrenees được vẽ trên nền núi và lãnh sam.

Gấu núi Pyrenees, phải rồi! Đúng hơn là gấu nâu Slovenia, loài vật sẽ khiến những người chăn cừu địa phương vui sướng vô ngần khi thấy chúng dưới họng súng của mình. Những người chăn cừu nói, lũ gấu lảng vảng quá gần những khu dân cư, chúng tấn công đàn gia súc, thậm chí còn trở thành mối nguy hại với con người. Giống loài duy nhất nguy hiểm đối với con người chính là con người, Servaz thầm nghĩ. Mỗi năm trôi qua anh lại thấy số lượng thi thể tăng thêm trong nhà xác Toulouse. Họ không chết vì lũ gấu. Sapiens nihil affirmat quod non probet (người khôn ngoan không nói điều mình không biết chắc chắn), anh trầm ngâm. Anh giảm tốc khi con đường đánh một vòng rồi dẫn trở vào cánh rừng, không còn những cây lá kim cao lớn, mà đây bụi cây còi cọc nhang nhác nhau. Cách đó không xa vọng đến tiếng suối chảy róc rách. Anh có thể nghe thấy âm thanh đó qua khung cửa sổ đang hé mở bất chấp thời tiết lạnh giá bên ngoài. Hợp âm trong trẻo gần như lấn át thứ nhạc phát ra từ đầu đĩa CD, Bản giao hưởng số 5 của Mahler, tiết tấu nhanh. Một bản nhạc đầy khắc khoải và nồng nhiệt, có vẻ thích hợp với những gì đang chờ đợi anh ở phía trước.

Bỗng nhiên, ánh đèn xoay tít của xe cảnh sát và những cái bóng vẫy dùi cui phát sáng hiện ra trước mắt. Mấy tên sen đầm vô dụng…

Khi lực lượng sen đầm không biết phải bắt đầu một cuộc điều tra từ đâu, họ sẽ dựng rào chắn. Anh nhớ lại lời Antoine Canter nói sáng nay tại tổ hình sự Toulouse, “Chuyện xảy ra vào tối qua, trên dãy Pyrenees. Cách Saint-Martin-de-Comminges vài cây số. Cathy d’Humières cho biết đấy. Tôi nghĩ cậu đã từng làm việc với bà ta rồi phải không?”

Canter là một gã đàn ông to lớn, với chất giọng thô ráp của miền Đông Nam. Một cựu cầu thủ bóng bầu dục thích chơi xấu, chuyên ẩu đả với đối thủ, và là một tên cớm đã leo từ hạng bét lên vị trí phó phòng cảnh sát. Má ông ta đầy vết rỗ li ti, như cát rỗ dưới cơn mưa, đôi mắt cự đà to tướng chăm chú quan sát Servaz.

“Chuyện xảy ra? Cái gì xảy ra?” Servaz hỏi.

Hai khóe miệng bám đầy lớp mốc trắng của Canter hé mở, “Không biết.”

Servaz trân trối nhìn ông ta, “Ý anh là gì?”

“Bà ta không chịu nói qua điện thoại, chỉ bảo là đang đợi cậu và muốn có toàn quyền quyết định trong việc này.”

“Thế thôi?”

Servaz hoang mang nhìn sếp mình. “Saint-Martin, chẳng phải là chỗ có cái trại thương điên sao?”

“Viện Wargnier.” Canter xác nhận, “Một cơ sở điều trị tâm thần đặc biệt ở Pháp, thậm chí cả châu Âu. Đó là nơi họ nhốt bọn sát nhân đã bị kiềm chế đến mất trí.”

Có kẻ đã chạy trốn và gây án dọc đường? Ra là vì thế mà các trạm kiểm soát được dựng lên quanh đây. Servaz chạy chậm lại. Anh nhận ra những khẩu tiểu liên MAT 49 và súng săn Browning BPS-SP trong số vũ khí của mấy người sĩ quan. Anh hạ cửa kính xe xuống. Hàng ngàn bông tuyết đang lơ lửng trong không trung lạnh lẽo. Anh vẫy cái thẻ cảnh sát của mình trước mặt viên sĩ quan.

“Đi đường nào?”

“Anh phải đi tới nhà máy thủy điện.” Người đàn ông lớn giọng để át đi những thông điệp đang phát ra từ những chiếc radio, hơi thở đông lại thành những đám mây trắng đặc quánh. “Cách đây khoảng 12 kilomet, đường núi. Ở vòng xuyến đầu tiên trên đường vào Saint-Martin, anh rẽ phải. Tiếp tục rẽ phải ở vòng xuyến thứ hai. Đi theo biển chỉ đường đến Lac d’Astau. Sau đó cứ việc đi thẳng.”

“Mấy cái rào chắn này là ý tưởng của ai thế?”

“Công tố viên. Thông lệ ấy mà. Chúng tôi mở cốp xe, kiểm tra giấy tờ. Biết đâu đấy.”

“Ra vậy,” Servaz ngờ vực nói.

Anh khởi động lại xe, tăng âm lượng đầu đĩa CD. Những tiếng kèn của đoản khúc Scherzo∗ lấp đầy không gian nhỏ bé. Anh rời mắt khỏi con đường trong giây lát để lấy cà phê lạnh đặt sẵn trên giá. Lần nào cũng cùng một nghi thức, anh luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mình theo cách đó. Theo kinh nghiệm của anh, ngày đầu tiên và giờ đầu tiên của một cuộc điều tra luôn mang tính chất quyết định. Đó là thời điểm anh buộc phải tỉnh táo, tập trung và sáng suốt. Cà phê để tỉnh táo, âm nhạc để tập trung và giúp đầu óc anh nhẹ nhõm.

Cà phê và âm nhạc… hôm nay, những cây lãnh sam và tuyết, anh vừa nghĩ vừa nhìn vệ đường, cảm nhận những cơn quặn thắt đầu tiên trong dạ dày. Servaz là dân thị thành đúng nghĩa. Với anh, núi non gần như một lãnh thổ thù địch. Tuy vậy, anh nhớ rằng không phải lúc nào cũng thế. Hồi còn nhỏ, năm nào bố cũng đưa anh lên mấy thung lũng này dạo chơi. Như một người thầy, ông giảng giải mọi điều về cây cối, đất đá và cả những đám mây, Martin Servaz bé nhỏ lắng nghe còn mẹ cậu trải một tấm khăn lên thảm cỏ mùa xuân và mở chiếc giỏ dã ngoại, trêu chồng mình là nhà thông thái rởm nhàm chán. Những tháng ngày thanh bình khi thơ ngây ngự trị thế giới. Chăm chú nhìn đường, Servaz tự hỏi phải chăng lý do thực sự cho việc anh không bao giờ trở lại đây chính là vì hồi ức về những thung lũng này gắn chặt với kỉ niệm về bố mẹ.

Vì Chúa, khi nào mày mới chịu bắt tay vào việc dọn sạch đống suy nghĩ hỗn độn, phức tạp đó đây?

Có một khoảng thời gian anh đã đi gặp bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên, sau ba năm, chính ông bác sĩ ấy cũng phải giơ cờ trắng, “Tôi rất tiếc, tôi muốn giúp anh nhưng không thể. Tôi chưa gặp trường hợp nào có sức kháng cự lớn như thế.” Servaz cười và nói rằng không vấn đề gì. Thời điểm đó anh nghĩ, ảnh hưởng tích cực nhất trong việc chấm dứt điều trị chính là giữ gìn được túi tiền của mình.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x