Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Khảo Luận Về Ông Phan Thanh Giản của tác giả Nqs mời bạn đọc thưởng thức.

Chương 2. Dẫn nhập

NHỮNG NGUYÊN DO CHỦ YẾU TRONG CUỘC CHIẾN XÂM LĂNG CỦA NGƯỜI PHÁP VÀ SỰ THẤT BẠI CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN TRONG VIỆC CHỐNG NGOẠI XÂM ĐỂ GIỮ NƯỚC

Từ thế kỷ thứ XIX, một nước ĐẠI VƯƠNG QUỐC VIỆT NAM được hình thành khi triều đại họ Nguyễn được khai sáng, và hoàng đế Gia Long đã đặt nền móng để tạo dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia tiên tiến. Tất cả các cơ cấu trong guồng máy cai trị của hoàng đế đều được cải tổ và đã hoạt động tích cực để phát triển theo đà tiến bộ của nền văn minh và kỳ thuật thế giới.

Luật lệ được đổi mới để thay thế cho các luật lệ già nua lỗi thời từ niên hiệu Hồng Đức dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông trong thế kỷ thứ XV. (Có dư luận cho rằng bộ luật Gia Long chỉ bắt chước theo bộ luật của nhà Thanh ở Trung Quốc thua xa bộ luật Hồng Đức. Nếu xét cho cùng, nền cổ luật từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và Hậu Lê, tất cả đều bắt chước theo các luật lệ của Trung Quốc.

Có một điều ngạc nhiên là, khi sơ khởi thiết lập guồng máy hành chánh cai trị, Charner đã không dám đem áp dụng ngay luật lệ của nước Pháp tại các vùng đất của Đại Nam mà Pháp vừa mới chiếm được nhưng lại phải lục lạo tìm kiếm cho bằng được bộ luật Gia Long để phiên dịch ra tiếng Pháp và phổ biến ngay cho các chức quyền hành chánh của họ áp dụng kèm theo chỉ thị phải theo luật lệ và phong tục của người Đại Nam trong việc cai trị làng nước).

Những công trình như cầu cống, đường xá, sông ngòi, kênh rạch, đê đập, kho lẫm, bến cảng, thành trì, tất cả đều được thực hiện một cách quy mô liên tục, đạt được thành quả rất tốt và có giá trị lâu bền. Các định chế về tổ chức quân đội, giáo dục, tài chánh cũng được đổi mới.

Chính người Pháp phải công nhận rằng nước Việt Nam dưới thời Gia Long đã tiến xa hơn nước Nhật Bản đến 60 năm và trở thành một trong những cường quốc quân sự trong vùng bán đảo Đông Dương. Chỉ người ngoại quốc Âu châu nào có năng lực mới được hoàng đế Gia Long tuyển chọn để phục vụ như những kẻ đi làm thuê trong các công trình canh tân xứ sở Việt Nam.

Năm 1817, khi tàu buôn đầu tiên của Pháp đến xin giao thương, hoàng đế Gia Long đã chấp thuận nhưng vẫn dành chủ quyền cho nước Việt Nam trong việc ấn định thể thức giao thương và quyền lựa chọn các mặt hàng hóa xuất nhập.

Chính sách đế quốc thuộc địa của người Anh ép đặt vào Singapore năm 1819 khiến cho hoàng đế Gia Long nghi ngờ và mất tin tưởng vào thiện ý của người ngoại quốc gốc Âu Châu, vì thế trước khi qua đời , năm 1820, hoàng đế Gia Long đã trối lại cho hoàng đế Minh Mạng nên đối xử tốt đẹp với người Âu Châu, đặc biệt là đối với người Pháp nhưng tuyệt đối không để họ tạo ảnh hưởng để xen lấn vào nội tình của nước Việt Nam.

Đối với Minh Mạng thì lời trối của Gia Long còn chưa đủ bởi vì dưới triều đại Minh Mạng, chính sách bất hợp tác với ngoại bang Âu Châu được áp dụng một cách cứng rắn, triệt đễ và quay về với truyền thống vọng Trung Quốc của nước Việt Nam từ ngàn xưa. Thiệu Trị nối nghiệp, tiếp tục theo đường hướng cai trị của vua cha rồi nay đến Tự Đức cũng thế.

Kế đến chiến tranh giữa người Anh và người Miến Điện xảy ra vào năm 1826 càng khiến cho những con cháu nối nghiệp của Gia Long thêm lo âu nghi ngại và họ càng hướng về mẫu mực văn hóa, đạo đức của Trung Quốc dùng làm kim chỉ Nam để giữ và xây dựng đất nước Đại Nam. Họ là những nhà cai trị giỏi nhưng Minh Mạng nổi bật, chỉ kém thua vua cha Gia Long mà thôi.

Quyền lực chính trị tập trung vào tay của hoàng đế ; không có một quyền lực trung gian; quan lại triều đình chỉ là công cụ thi hành quyền lực của hoàng đế. Tất cả người dân trong nước đều được coi như là bình đẳng, là tôi thần của vua, được thưởng hay chịu phạt ngang nhau theo một chế độ luật pháp duy nhất.

Không có một ngạch quan quân sự riêng mà cũng không có sự phân cách giữa quyền lực quân sự và quyền lực hành chánh: quan đứng đầu cai trị một vùng lãnh thổ cũng là tư lệnh quân sự cao cấp tại vùng đó nhưng không phải vì thế mà được hưởng cấp bổng gắp đôi.

Quan lại được tuyển chọn trong các tầng lớp dân chúng lương thiện, không phân biệt nghèo giàu, qua các khoá thi định kỳ được tổ chức tại các tỉnh thành quan trọng và chỉ có một số ít thí sinh thật xuất sắc mới được chấm đỗ và ban cho ngạch trật quan lại tương ứng với thứ bật đỗ cao thấp của họ.

Người ngoại quốc nào sau khi được tiếp xúc với các hàng quan lại Việt Nam đều đồng ý rằng họ là những người tài trí hiểu biết, có giáo dục, có kỹ luật và đức hạnh. Trước khi người Pháp xâm lăng, Việt Nam được xem như là một quốc gia có giáo giục qua các dụ chỉ giáo huấn của nhà vua ban ra.

Nho học và đạo đức thánh hiền được phổ biến rộng rãi trong dân chúng bởi các cơ quan giáo dục của triều đình hoặc từ các quan chức đã về hưu mở trường dạy học. Nền giáo dục đó đã tạo ra một mối liên hệ đồng nhất gắn bó trong nếp nghĩ suy và hành động của tuyệt đại đa số tầng lớp người dân trong nước.

Tầng lớp Nho sĩ, những người dân có học cao – những người “quân tử” – là tầng lớp chỉ đạo và vua, vì là con của Trời, thay Trời hành đạo để tạo phúc lợi cho nhân gian cho nên vua được xem như là người quân tử tối cao với quyền hành tuyệt đối vô giới hạn và không thể bị lầm lẫn. Người dân trong nước được xem như là con cái của vua. Là phận con cái cho nên mọi người dân trong nước đều phải lấy chữ trung hiếu làm đầu.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x