Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Sự Bí Ẩn Của Tư Bản của tác giả Hernando De Soto

Chương 1. NĂM ĐIỀU BÍ ẨN CỦA VỐN

Vấn đề then chốt là phát hiện ra lý do vì sao cái khu vực đó của xã hội trong quá khứ, mà tôi không ngần ngại gọi nó là khu vực tư bản chủ nghĩa, lẽ ra phải sống như là trong một cái tháp chuông, tách biệt với thế giới còn lại; tại sao nó lại không có khả năng bành trướng và chinh phục toàn bộ xã hội?… Tại sao một phần đáng kể của sự hình thành vốn lại chỉ có thể hình thành trong những khu vực nhất định chứ không phải trong toàn bộ nền kinh tế thị trường của thời đại?
– Fernand Braudel, The Wheels of Commerce

Thời khắc chiến thắng vĩ đại nhất của chủ nghĩa tư bản cũng chính là thời khắc khủng hoảng của nó. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã chấm dứt hơn một thế kỷ cạnh tranh chính trị giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản giữ vị trí độc tôn với tư cách là phương thức duy nhất khả thi để tổ chức một cách hợp lý một nền kinh tế hiện đại. Tại thời điểm này của lịch sử, không một quốc gia có trách nhiệm nào có được một sự lựa chọn. Kết quả là với những mức độ nhiệt thành khác nhau, Thế giới Thứ ba và các quốc gia cộng sản trước đây đã cân đối ngân sách của họ, cắt giảm bao cấp, mở cửa đón đầu tư nước ngoài, và xoá bỏ những rào cản thuế quan.
Những nỗ lực của họ đã được đền đáp bằng sự thất vọng cay đắng. Từ nước Nga cho tới Venezuela, nửa thập kỷ vừa qua là một thời kỳ khốn đốn về kinh tế, thu nhập giảm sút, lo âu và phẫn nộ; thời kỳ của “đói kém, nổi loạn và cướp bóc”, theo cách nói của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Trong một số ra gần đây, tờ Thời báo New York nói rằng: “Đối với phần lớn thế giới, cái thương trường mà Phương Tây ngợi ca trong hào quang của chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh, đã bị thay thế bởi sự tàn bạo của thị trường, sự cảnh giác đối với chủ nghĩa tư bản, và những nguy cơ bất ổn định.” Chiến thắng chỉ ở Phương Tây của chủ nghĩa tư bản có thể là một lý do dẫn đến thảm hoạ kinh tế và chính trị.

Đối với những người Mỹ đang tận hưởng cả hoà bình lẫn sự thịnh vượng, người ta quá dễ dàng tảng lờ tình trạng hỗn loạn ở những nơi khác. Làm sao mà chủ nghĩa tư bản có thể lâm vào tình trạng khó khăn khi mà chỉ số Dow Jones công nghiệp đang tăng lên cao hơn cả Sir Edmund Hillary? Người Mỹ nhìn vào các quốc gia khác và nhận thấy sự tiến bộ, cho dù là chậm chạp và không đồng đều. Đâu phải bạn không thể ăn một suất Big Mac ở Mat xcơ va, thuê một video của Blockbuster ở Thượng Hải, và truy cập Interner ở Caracas?

Tuy nhiên, ngay cả trong nước Mỹ thì linh cảm cũng không thể bị dập tắt hoàn toàn. Người Mỹ trông thấy Colombia sẵn sàng bên bờ của một cuộc nội chiến lớn giữa những người du kích vận chuyển thuốc phiện và những dân quân đàn áp, một cuộc nổi loạn bất trị ở miền nam Mexico, và một phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế được vỗ béo của châu á đang chảy vào tham nhũng và hỗn loạn. Ở Mỹ Latinh, sự chấp nhận thị trường tự do đang giảm sút: ủng hộ tư nhân hoá đã giảm từ 46% dân số xuống còn 36% vào tháng 5 năm 2000. Đáng lo ngại hơn cả là trong các quốc gia cộng sản cũ, chủ nghĩa tư bản đã được nhận thấy là một nhu cầu, và những người từng gắn với chế độ cũ đã sẵn sàng nối lại quyền lực. Một số người Mỹ cũng cảm nhận được rằng một lý do giải thích cho sự thăng hoa kéo dài hàng thập niên của họ là phần còn lại của thế giới càng có vẻ không an toàn bao nhiêu thì cổ phiếu và trái phiếu của Mỹ càng hấp dẫn bấy nhiêu với tư cách là một thiên đường cho tiền tệ quốc tế.

Trong cộng đồng kinh doanh của phương Tây, có một mối quan ngại ngày càng tăng, rằng thất bại của phần lớn thế giới còn lại trong việc thực hiện chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ đẩy những nền kinh tế giàu có rơi vào suy thoái. Vì hàng triệu nhà đầu tư đã nhận được bài học đau đớn từ sự bay hơi của tiền vốn của họ trên các thị trường đang nổi, nên toàn cầu hoá là con đường hai chiều: Nếu Thế giới Thứ ba và các nước cộng sản cũ không thể thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây, thì phương Tây cũng không thể thoát khỏi họ. Những phản ứng bất lợi với chủ nghĩa tư bản cũng đang ngày càng mạnh mẽ hơn trong chính những nước giàu. Cuộc nổi loạn ở Seattle tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới tháng 12 năm 1999 và vài tháng sau đó tại cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới ở Washington D.C, bất chấp sự bất bình từ nhiều phía, đã chứng tỏ sự bực tức mà chủ nghĩa tư bản đang lan rộng đã gây ra. Nhiều người bắt đầu nhớ lại những lời cảnh bảo của nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Karl Polanyi, rằng thị trường tự do có thể xung đột với xã hội và dẫn tới chủ nghĩa phát xít. Nhật Bản đang phải vật lộn trong suốt cuộc suy thoái kéo dài nhất của nước này kể từ Đại Khủng hoảng. Những người châu Âu phương Tây đã bỏ phiếu bầu những chính khách hứa hẹn với họ về một “con đường thứ ba” bác bỏ cái mà một cuốn sách ăn khách nhất của Pháp đặt cho tiêu đề là L’Horreur économique.

Những lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng này, cho dù có gây khó chịu, cũng chỉ khiến cho các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu nhắc lại những bài giáo huấn đã nhàm chán của họ với phần còn lại của thế giới: hãy ổn định đồng tiền,…., tảng lờ những cuộc nổi loạn đòi lương thực, và kiên nhẫn chờ đợi các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.

Tất nhiên đầu tư nước ngoài là một điều rất tốt. Càng nhiều đầu tư nước ngoài càng tốt. Đồng tiền ổn định cũng tốt, cũng giống như tự do thương mại, các thông lệ ngân hàng minh bạch và tư nhân hoá các ngành thuộc sở hữu nhà nước, và tất cả những phương thuốc khác được ghi trong dược điển của phương Tây. Song chúng ta luôn luôn quên rằng chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã từng được thể nghiệm trước đây. Ví dụ, ở châu Mỹ La tinh, những cuộc cải cách nhằm mục đích tạo ra các hệ thống tư bản chủ nghĩa đã được thử nghiệm ít nhất là 4 lần kể từ khi giành được độc lập từ Tây Ban Nha vào những năm 1820. Cứ mỗi lần như thế, sau trạng thái hân hoan ban đầu, các nước Mỹ Latinh lại bật trở lại từ các chính sách kinh tế thị trường và tư bản chủ nghĩa. Những biện pháp này rõ ràng là không đủ. Trên thực tế, chúng quá hụt hẫng tới mức trở thành hoàn toàn không thích hợp.

Khi những biện pháp này thất bại, cả phương Tây quá thường xuyên có phản ứng không phải bằng việc đặt vấn đề về tính thoả đáng của các biện pháp mà bằng cách đổ lỗi cho các dân tộc thuộc thế giới Thứ ba về việc họ thiếu tinh thần kinh doanh hay định hướng thị trường. Nếu họ không thể thịnh vượng được cho dù đã có tất cả những lời khuyên sáng suốt nhất, thì đó chính là vì có cái gì đó không ổn trong bản thân họ. Họ đã đánh mất …Tin lành, hoặc họ bị cái di sản bệnh hoạn của châu Âu thuộc địa làm cho què quặt, hoặc là chỉ số IQ của họ quá thấp. Song gợi ý rằng chính văn hoá là yếu tố lý giải cho thành công của những khu vực đa dạng như Nhật Bản, Thụy sĩ, và California, và cũng chính văn hoá đã giải thích cho sự nghèo khổ tương đối của những khu vực cũng đa dạng như thế như Trung Quốc, Estonia và Baja California, còn tồi tệ hơn cả sự vô nhân đạo. Nó không có tính thuyết thuyết phục. Khác biệt về của cải giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới là quá lớn, nên không thể giả thích được chỉ bằng văn hoá. Đa số dân chúng cần tới những thành quả của vốn – cần tới mức rất nhiều người, từ con cháu của Sanchez cho tới con trai của Khrushev, đang bay tới các nước phương Tây.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x