
Review sách Đền Mạng tác giả John Grisham
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Review sách Đền Mạng tác giả John Grisham
Nguồn reivew: Gigi Bui
Năm 1989, có một chàng luật sư đang phục vụ cho Hạ Nghị Viện Missisipi đã xuất bản một cuốn sách với với những đề tài đang gây nhức nhối trong thời bấy giờ – lạm dụng trẻ em và sự phân biệt chủng tộc, và cuốn sách ấy nhanh chóng tạo được tiếng vang. Tốt nghiệp ngành luật và có một khoảng thời gian len lỏi dự thính và học hỏi khắp các phiên tòa xét xử, John Grisham đã đặc biệt chú ý đến một vụ án xâm hại trẻ em mà nạn nhân là một cô bé 12 tuổi.
Một ngày nọ, tôi đã va phải một phiên tòa khủng khiếp, trong đó một bé gái đã tuyên thệ chống lại một gã đàn ông đã hãm hiếp cô bé một cách hung bạo. Với tôi, đó là một trải nghiệm kinh hoàng, dù tôi chỉ là khán giả. Trong một lúc, cô bé tỏ ra dũng cảm; lúc kế tiếp, bé tỏ ra nhu nhược đến đáng thương.
Chính những trải nghiệm thực tiễn về sự phẫn nộ và nhu cầu công bằng cho nạn nhân, mà John Grisham đã bắt đầu mường tượng đến sự trả thù của người nhà cô bé, mà ở đây, là trên cương vị của người chủ gia đình, người cha, người nắm quyền trong mọi quyết định. Mùa thu năm 1984, John Grisham đặt ngòi bút cho cuốn sách đầu tiên, và hành trình tìm lại công lý cho con gái của người cha da đen Carl Lee Hailey đã ra đời. Khác với những tác giả khác có thể đào sâu tình tiết vào sự khốn khổ và tâm trạng cùng cực của nạn nhân, nhằm tranh thủ tình thương và sự đồng cảm của độc giả, thì nghiệp vụ của Grisham đã hướng ông đến một lối đi khác – tiểu thuyết pháp đình.
Rất ít tác giả dám đưa quá trình xử án vào trong tác phẩm của mình, một phần là vì những rườm rà không đáng sẽ dẫn đến sự nhàm chán, và có những góc khuất trong pháp luật mà nhiều độc giả hầu như sẽ không mong đợi được biết quá cặn kẽ, hoặc cũng không thể hiểu hết được. Trái ngược với những điều vừa nêu ra, John Grisham đã dùng những kinh nghiệm tích cóp được để thể hiện từng bước pháp lý trong câu chuyện đầy dãy bi thương và đau xót. Những góc khuất trong quá trình xét án, những phiên tòa tranh luận và biện hộ, cùng những bàn bạc toan tính phía sau các buổi chầu tòa đều được bày lên trang giấy như những thước phim tài liệu được ghi lại chi tiết.
Có một vài tranh cãi trên một diễn đàn mà mình đã đọc được vào những năm trước, và nổi bật là một luận điểm rằng liệu nhân vật Carl Lee Hailey có nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt như thế, nếu ông là một nhân vật thực thụ ở ngoài đời không? Khi Carl Lee rắp tâm trả thù kẻ thủ ác với mọi sự toan tính, và đặt cược cả cuộc đời của mình vào những phát súng oan nghiệt, có phải là đòi lại công lý như những gì ông ấy luôn tin tưởng hay không? Bởi vì một khi người dân đã tự tay tranh đoạt công đạo, thì pháp luật được đề ra để làm gì? Và liệu sự bi thương trong vụ án bé Tonya, có đủ cơ sở để trở thành lý do dung thứ cho một vụ án khác, mà cha cô ấy là kẻ thủ ác? Carl Lee đã phất cờ đòi công lý ngay khi chưa một phiên tòa xét xử nào diễn ra, và cũng chưa có một quyết định pháp luật nào được xác định, điều này khiến những người luôn tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật có những trăn trở nhất định trong sự lựa chọn giữa đúng và sai. Trong cuộc tranh luận trên diễn đàn đó, những sắc tộc khác nhau đứng trên những lập trường khác nhau đã tranh cãi rất nhiều luận điểm đáng phải suy nghĩ. Họ không vì màu da của mình trùng với nạn nhân mà thiên vị khi đề ra những ý kiến về việc liệu có sự công bằng tuyệt đối trong phạm vi tòa án hay không.
“Không có một phiên tòa nào hoàn hảo dành cho nhân loại.”
Keigo đã khẳng định chắc nịch điều đó. Phiên tòa trong lòng mỗi chúng ta thật không may đôi khi không phải là những gì sẽ diễn ra trước vành móng ngựa và trước hội đồng xét xử. Có quá nhiều thứ cần phải suy xét đến, để có thể xác định tội lỗi của một người, và quyết định mức án của người đó nếu có tội. Tiểu xảo và kỹ năng tuy là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, nhưng trên phương diện nào đó, chúng lại cần thiết cho nhau, và luôn đi đôi bổ trợ cho nhau khi phe công tố và bào chữa đối diện trong phiên tòa xét xử.
John Grisham xây dựng bầu không khí rất thật. Đầy đủ hương vị đắng cay và thống khổ, nguy hiểm được đề cập đến rất đời thường. Ông không đề cao hệ thống pháp lý một cách hoa mỹ và sáo rỗng, vì ngay chính ông dù là một luật sư, nhưng khi ngồi dự thính với thân phận là một người dân thường chứng kiến màn tội ác ghê rợn với cô bé 12 tuổi, ông cũng đã có những xúc cảm thông thường như bao người khác.
Tôi như bị thôi miên. Tôi không sao mường tượng nổi cơn ác mộng mà bé và gia đình đã trải qua. Tôi tự hỏi liệu tôi sẽ làm gì nếu đó là con gái tôi. Khi tôi quan sát bé khổ sở đứng trước bồi thẩm đoàn, tôi đã muốn tự mình bắn chết tên cuỡng dâm kia. Trong một khoảnh khắc ngắn nhưng kéo dài như vô hạn, tôi đã muốn là cha của cô bé. Tôi đã muốn công lý. Tôi trở nên ám ảnh bởi ý tưởng sự phục thù của người cha. Một bồi thẩm đoàn những con người trung bình và bình thường liệu sẽ làm gì với một người cha như thế?
Sách hay
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.