
Review sách Hội Vệ Nhân tác giả John Grisham
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Review sách Hội Vệ Nhân tác giả John Grisham
Nguồn chia sẻ: Gigi Bui
Khi tôi gõ những dòng chữ này xuống cũng là lúc suy nghĩ trong tôi chưa hết hoang mang về những câu chuyện được nhắc đến trong tác phẩm. Nếu Đền Mạng là hành trình tìm lại công bằng cho gia đình Carl Lee Harley và đứa con gái bé bỏng của anh ta, thì những vấn đề xuất hiện lần này khiến tôi hoài nghi vô cùng về sự công bằng của luật pháp và cách mà con người duy trì công lý.
Không thể né tránh việc thừa nhận John Grisham đã xây dựng nên một phương thức kể về những luật lệ bằng một cách thức đơn giản và không áp đặt quá nhiều từ ngữ chuyên ngành khó hiểu, hoặc phải dông dài để giải thích cặn kẽ những quy tắc rối rắm của ngành luật. Ông chọn một hình thức kể chuyện bằng những câu chuyện và đi chi tiết vào những sự việc quan trọng phát triển, dẫn dắt người đọc trở thành một phần của những vụ án. Tuy nhiên, càng đọc, tôi càng thấy những suy nghĩ của người ngoài ngành như tôi về phương thức thực thi pháp luật chẳng khác nào nhìn trăng trong nước.
Tôi nghiện những bộ phim về điều tra, cũng như về toà án, nơi mà sự xấu xí nhất của con người được phơi bày, dùng kỹ thuật tranh luận để đạt được đến những gì mà họ muốn. Tôi đã từng ngưỡng mộ những luật sư đề cao sự chính trực trước toà, luôn bảo vệ được nhân tâm của mình trước cám dỗ, bảo vệ sự công bằng của luật pháp và sự lương thiện của những người hàm oan. Cho đến khi tôi tiếp cận với những tư tưởng trong sách của John Grisham, và càng đọc, tôi càng nhận ra rằng không hề có sự công bằng tuyệt đối, cũng như may mắn không tự rơi vào đầu những kẻ vô tội, mà họ buộc phải tìm đến nó bằng cách này hay cách khác, miễn sao trong phạm vi chấp nhận được.
Tôi sẽ không nói gì về cốt truyện, bạn dễ dàng tìm được thông tin từ đâu đó trên mạng, tôi sẽ chỉ tiếp tục lảm nhảm về những gì tôi nghĩ sau khi đọc tác phẩm này.
Tôi có bàn luận với một người bạn lâu năm, tuổi đời cũng khá lớn đã sinh sống ở Mỹ hầu như suốt cuộc đời của anh ấy (nếu anh ấy không dự tính sẽ di dân ) về việc anh ấy nghĩ gì về hệ thống tư pháp của nước Mỹ qua lăng kính của John Grisham. Thật ngạc nhiên rằng, anh ấy cho rằng có một vài điểm anh ấy không thể nào chấp nhận được.
“Luật sư ở Mỹ đôi lúc (đôi lúc nhé) thực sự có vài thằng cha gian trá hết sức. Chúng luồn lách pháp luật, theo đuổi tham vọng của mình bằng hư danh và dùng sự xảo trá của mình để phục vụ mục đích ấy và trở thành nô lệ của đồng tiền. Tuy nhiên, để đánh giá toàn bộ hệ thống tư pháp đều thối nát như cách John Grisham thể hiện, thì quả thật là không thoả đáng.”
Đây chính xác là những gì mà anh ấy nói với tôi, và tôi cảm thấy khá đúng. Khi luật sư muốn bào chữa cho một người, đôi khi họ vẫn sẽ có những cách thức nhất định mà vô hình được áp dụng đại trà, nó sẽ trở thành những công thức bắt buộc nhàm chán. Như trong vụ của Carl Lee Harley, toà án nhận được những bản chứng nhận tâm thần / tâm lý của ông ta để bào chữa cho hành vi giết người của mình. Nó dẫn tôi đến vụ của cô bé 8 tuổi VA, khi người mẹ kế của cô bé cũng nộp lên những “tờ giấy chứng nhận tâm thần” như thế hòng tìm đường thoát tội hoặc giảm nhẹ tội. Motif này rất phổ biến trong một số phim ảnh pháp đình, và quả nhiên, nó thực sự là một công thức nhẵn mặt nhưng khá cần thiết trong các vụ hình sự.
Tôi nhận thấy John Grisham có đôi lần để cho các luật sư của anh ta giở những mánh khoé không mấy là chính trực cho lắm, như đôi khi họ sẽ tiếp cận nhân chứng (mà trong hiểu biết hạn hẹp của tôi là luật sư bên biện không được phép can thiệp) để đạt được một lợi thế trên toà. Điều này tuy phá vỡ đi hình tượng về những con người oai phong lẫm liệt với luận điểm sắc bén, dù tôi vẫn thông hiểu cho hoàn cảnh của vụ việc. Và có đôi lúc tôi đã nghĩ rằng, liệu quãng thời gian làm luật sư của tác giả, có chăng đã xuất hiện những tiêu cực khiến ông nhìn nhận hệ thống tư pháp Mỹ bằng một con mắt cực đoan và đầy dãy sự dối trá như thế? Hay đây chỉ là một cách xây dựng cốt truyện nhằm làm nổi bật hành trình trả lại tự do cho những án oan sau song sắt?
Án oan không phải là một đề tài mới mẻ, Dặm Xanh/ Green Mile của Stephen King cũng đã từng dùng cốt truyện này để truyền tải một câu chuyện chấn động lòng người. Và năm 2015, kỷ lục 149 án oan được giải ở Mỹ đã tạo nên một cơn sốt hoài nghi trong cộng đồng người dân về tính công bằng của hệ thống luật pháp nước này, và họ đặt dấu chấm hỏi cho rất nhiều vụ án nhiều năm về trước khi những góc tối phía sau toà án còn tồn tại rất nhiều. Phải chăng đây chính là động lực cho cuốn The Guardian của ông vào năm 2019, để tố cáo những vấn đề bức bối trong ngành luật?
Với tôi, John Grisham vẫn là một cái tên bảo chứng cho những câu chuyện trinh thám pháp đình. Lực bút của ông không quá trẻ trung nhưng vẫn theo kịp thời đại để trở thành một sự lựa chọn tốt cho giới trẻ. Hiển nhiên tuy không thể hài lòng với tất cả quan điểm và cách làm của anh luật sư Cullen Post, nhưng quả thật anh ta là điểm sáng mang lại hy vọng và cuộc đời mới cho những người thụ hình oan trước vành móng ngựa.
Bạn cũng có thể xem thêm
-
Review sách – SÀI GÒN MAI GỌI NHAU BẰNG CƯNG – Hạ Dung
-
Review sách – Thói Quen Nhỏ Làm Nên Cuộc Đời Lớn – Mayumi Arikawa
Cảm ơn bạn đã ghé Taiebooks.com
Sách hay
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.