
Review sách Nỗi Buồn Chiến Tranh tác giả Bảo Ninh
Warning: Invalid argument supplied for foreach() in /home/taiebookscom/taiebooks.com/wp-content/themes/sachhay/single-reviews.php on line 66
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Review sách Nỗi Buồn Chiến Tranh tác giả Bảo Ninh
Nguồn chia sẻ: Lưu Thị Quỳnh
Có thể sẽ là cực đoan, nhưng phải chia sẻ rằng có một khoảng thời gian tôi bị rơi vào tình trạng mà mỗi lần tìm một tựa sách để đọc, là thêm một lần tôi bị ám ảnh bởi lời Nam Cao từng nói “…toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”. Tôi đã bị mất cảm giác đọc một thời gian rất dài bởi những thứ nhờ nhợ văn chương như thế cho đến khi tôi gặp “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh – cuốn tiểu thuyết mà sau khi khép lại, khó ai còn cảm thấy bình thường sau những gì đã đọc.
Tôi không chắc mình sẽ khắc họa được nhiều về tác phẩm này, bởi nó quá lớn, quá sức cảm nhận và những cảm nhận ấy vượt quá khỏi vốn ngôn từ mà tôi có. Tôi nhớ ngày xưa, một người thầy từng nói với chúng tôi rằng, trong cuộc đời chúng ta sẽ được gặp một số tác phẩm, ít thôi, mà điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho nó với tư cách một độc giả là âm thầm thán phục và tụng ca, âm thầm thôi, bởi nếu dùng ngôn từ, e là vốn ngôn từ ít ỏi và cách diễn đạt non nớt, ngây ngô của chúng ta sẽ làm giảm đi giá trị vô cùng của nó. “Nỗi buồn chiến tranh” đã khiến tôi có cảm giác như đã bắt gặp được chính điều mà năm xưa tôi từng được nghe nói đến ấy.
Chiến tranh là một điều gì đó quá lớn lao, nỗi buồn về nó cũng không phải là điều gì đó dễ dàng để bày tỏ.
Tôi biết từng có thời gian “Nỗi buồn chiến tranh” mang trên mình một cái tên khác, một cái tên hướng người đọc đến một nỗi buồn khác, nhưng sau tất cả, tác phẩm lại quay về với nỗi buồn mà tác giả đã chọn để gọi thành tên: nỗi buồn chiến tranh. Người ta vẫn nói đến tình yêu đôi lứa nào đó trong tác phẩm, nhưng với tôi, ảm ảnh về hiện thực chiến tranh quá lớn, nó làm tôi không còn cảm nhận được bất kỳ điều gì khác nữa. Nỗi buồn chiến tranh là gì? Mùa mưa, những cánh rừng đại ngàn, thời kỳ bài bạc, ma tuý “hồng ma”, những cuộc đào ngũ, cái chết, ngập tràn cái chết… những trận thảm sát xóa sổ cả một đơn vị, những cái chết buồn thảm như cái chết của cha, dượng Kiên hay Can – người lính đào ngũ, cái chết của đồng đội, của địch… “Một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến kinh ngạc”, hiện thực chiến tranh hiện ra một cách trần trụi với ngập tràn mất mát, chết chóc, hủy diệt, đớn đau…
Hãy thử mở trang sách ra, và rồi cũng như tôi, cũng sẽ hiểu được vì sao mà “Nỗi buồn chiến tranh” lại được giới văn chương trong và ngoài nước đánh giá là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại”, thậm chí Tờ Independent, một trong những nhật báo có uy tín của nước Anh đã nhận xét về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh “Vượt ra ngoài sức tuởng tượng của người Mỹ, “Nỗi buồn chiến tranh” đi ra từ chiến tranh Việt Nam đã đứng ngang hàng với cuốn tiểu thuyết chiến tranh vĩ đại của thế kỷ – Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque”.
Nói về Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã lý giải như thế này: “Điều gì làm cho Bảo Ninh viết cái gì cũng hay?” Đương nhiên là tài năng trời phú của ông, nhưng nó chỉ là một phần như một nhà triết học đã nói, phần còn lại quan trọng là lao động. Mà yếu tố quan trọng nhất trong lao động của ông là sự nghiêm khắc. Bảo Ninh là người rất nghiêm khắc. Ông nghiêm khắc với những quy định của tờ báo, nghiêm khắc với đề tài ông chọn, nghiêm khắc với cách nhìn hay phán xét của mình, và sau cùng là nghiêm khắc với từng con chữ”.
So với những người dễ dãi, sao cũng được, trăng cũng được, tôi thích những người nghiêm khắc hơn. Với những con người kiểu ấy, thỏa mãn người khác đôi khi không khó, cái khó là thỏa mãn được chính bản thân họ kia. Tôi thì bởi cái sự lười, lười tiếp cận và đón nhận cái mới, thành ra tôi có xu hướng tìm sách của những con người kiểu ấy để mà chọn, để mà tin.
Chiến tranh là trải nghiệm không một ai muốn, bởi nó “…là bài ca kinh hoàng, là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại…, là thế giới bạt sầu, thế giới vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” nhưng nỗi buồn chiến tranh là nỗi buồn ai cũng cần phải có, nhất là những con người của hôm nay, để biết, để hiểu về những ngày tháng cũ, về những con người đâu đó trong trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã từng nhắc:
“… Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước…”
Sách hay
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.