
10 Năm Cuối Đời Của Mao Trạch Đông – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách 10 Năm Cuối Đời Của Mao Trạch Đông của tác giả Triệu Quế Lai mời bạn thưởng thức.
Chương 2: BÁO CHỮ TO “PHÁO BẮN VÀO BỘ TƯ LỆNH” Ở TRUNG NAM HẢI
Thượng tuần tháng 8, bên ngoài nhà ăn Đại táo ở Trung Nam Hải có dán một tờ báo chữ to của Mao Trạch Đông “Pháo bắn vào Bộ Tư lệnh”, giấy đỏ chữ đen khiến ta giật mình. Các chiến sĩ cảnh vệ thì thầm hỏi nhau: “Không biết ai đã khiến cho Mao Chủ tịch nóng giận đến vậy?”
Ngày 18 tháng 7 năm 1966, Mao Chủ tịch về đến Bắc Kinh, ông ở trong khuôn viên Phong Trạch hai, ba ngày, cảm thấy sống ở trong ngôi nhà mới sửa không dễ chịu, liền dọn sang ở trong phòng thay đồ của bể bơi Trung Nam Hải. Không ngờ ông ở liền 10 năm. Tại đây ông đã trải qua những năm tháng cuối cùng của mình cùng với diễn biến của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.
Năm 1966, Mao Chủ tịch 73 tuổi, ông thường nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, song ông dường như chưa cảm thấy mình đã già, vẫn tràn đầy khí thế, hăng hái xông pha.
Sáu tháng đầu năm 1966, ông không ở Bắc Kinh. Thời gian này ông lần lượt tiến hành khảo sát điều tra, thị sát ở Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Xương, Trường Sa, Vũ Hán,… Ngày 16 tháng 7 ông còn bơi ở Trường Giang, một lần nữa ông lại lập kỷ lục mới, “bơi qua Trường Giang vạn dặm”.
Ngày 26 tháng 7, trên trang đầu tờ Nhân dân nhật báo đăng tin này kèm theo bài xã luận “Hãy tiến lên cùng Mao Trạch Đông trong phong ba bão táp” và ảnh Mao Chủ tịch nói chuyện với nhà báo.
Mao Chủ tịch là bậc cao niên đã 73 tuổi, bơi qua Trường Giang nước chảy xiết dài 15km, hết 75 phút, trong số các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới, không ai có thể làm được kỳ tích này. Điều này một lần nữa chứng tỏ ông là một nhà cách mạng triệt để, mặc dù tuổi tác của ông đã ở vào thời kỳ chiều tà xế bóng, không tránh khỏi sự lão hóa, song tinh thần, ý chí của ông vẫn vững vàng.
Chủ tịch hoàn thành quãng đường bơi, trèo lên ca-nô hộ tống quay trở lại bờ bên kia, ca-nô tăng tốc lướt sóng bay đi trong gió, ông tràn đầy mãn nguyện, tay giơ cao vẫy chào những người cùng bơi, vẫy chào quần chúng nhân dân đứng kín trên bờ, tiếng hô: “Mao Chủ tịch muôn năm!” đồng loạt vang lên như sấm dậy. Chủ tịch nở nụ cười tươi, tay giơ cao đáp lại: “Nhân dân muôn năm!”.
Chủ tịch còn nói với nhà báo: “Bơi lội là sự vận động đấu tranh với thế giới tự nhiên, chúng ta cần phải tiếp xúc với nó để rèn luyện mình”. Người còn hài hước nói: “Trường Giang, ai cũng nói sông này lớn. Quả thực lớn, nhưng không đáng sợ!…”
Điều khiến tôi nuối tiếc mãi là lần bơi đó của Mao Chủ tịch, tôi bận việc đơn vị nên không tháp tùng ông được. Tại thời điểm này, tôi được bổ nhiệm chức Phó Đại đội trưởng – tiểu đoàn Một, thuộc trung đoàn cảnh vệ Trung ương, phải ở lại đơn vị huấn luyện bộ đội tập quân sự. Bởi vì tôi đã học qua trường bộ binh cao cấp, nắm chắc kỹ chiến thuật tác chiến nên tôi được giao nhiệm vụ huấn luyện này.
Song, trong lần Chủ tịch trở lại Bắc Kinh này, tôi được ở cùng ông trong phòng thay đồ bể bơi Trung Nam Hải. Ngay sau khi trở lại Bắc Kinh, Trung ương Đảng tổ chức họp dồn dập như trống đánh liên hồi, khẩu hiệu, biểu ngữ chính trị luôn được thay mới, không khí chính trị ngày một tăng, khiến cho đầu óc mọi người quay cuồng, căng thẳng, không hiểu tình hình ra sao. Tài liệu phê phán “tam gia thôn” (làng ba nhà) phát cho đại đội đọc chưa xong, rất nhiều nội dung còn chưa hiểu, cấp trên đã phát tài liệu mới, thật sự tiếp thu không nổi.
Bỗng một hôm, tôi chỉ nhớ là thuộc thượng tuần tháng 8 (có lẽ là mùng 8 tháng 8, hoặc muộn hơn), buổi sáng hôm đó, một vài nhân viên công tác giúp việc Mao Chủ tịch dán tờ báo chữ to lên tường bên ngoài nhà ăn Đại táo cách bể bơi không xa. Tại khu vực này có rất nhiều người thường xuyên qua lại, nên người xem rất đông. Ăn cơm trưa ở đại đội xong, trên đường về bể bơi phải đi qua đây, tôi cũng đứng lại xem một lát.
Đó là một tờ giấy màu đỏ loại thông thường, chữ đen, nét chữ có thể nói là chưa ngay ngắn, song từng con chữ lại rất rõ ràng, hiển hiện trước mắt. Tiêu đề của tờ báo chữ to là “Pháo bắn vào Bộ Tư lệnh”. Tờ báo viết:
“… Trong hơn 50 ngày qua, có một số đồng chí cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương…đứng trên lập trường của giai cấp tư sản phản động, thực hiện chuyên chính của giai cấp tư sản, đánh mạnh vào cuộc Đại Cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản, đảo lộn phải trái trắng đen, vây ráp phái cách mạng, đàn áp ý kiến bất đồng, thực hiện khủng bố trắng, đắc ý, tự coi mình là giai cấp tư sản oai hùng, quyết tâm tiêu diệt giai cấp vô sản, có gì độc ác hơn!”
Tôi vừa đọc vừa nghĩ, nét chữ viết trên tờ báo chắc ai cũng biết, nhưng nội dung thì không thể lý giải nổi. Không ai hiểu những kẻ “đánh vào cách mạng, lẫn lộn phải trái trắng đen, thực hiện khủng bố trắng” là ai?
Báo chữ to viết tiếp:
“Liên hệ với khuynh hướng sai lầm: hữu khuynh năm 1962 và hình thức tả khuynh thực chất hữu khuynh năm 1964, há không khiến ta tỉnh ngộ hay sao?”
Cuối bài viết ghi tên tác giả: Mao Trạch Đông, thời gian: 5/8/1966. Khi đọc tới tên tác giả, tôi vô cùng ngạc nhiên, bất giác lẩm bẩm, là ai, ai đã khiến cho Chủ tịch nóng giận như vậy?
Mặc dù nội dung của các cuộc họp của Trung ương Đảng tôi không được biết, sự kiện kinh thiên động địa này rất nhiều người cũng không hề hay biết, song tôi cũng đã ý thức được rằng: nhất định trong nội bộ Đảng đã có sự chia rẽ, xảy ra mâu thuẫn. Những ngày sau đó người tôi cứ lơ lửng như đang bay trên chín tầng mây.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.