
100 Nhà Quân Sự Có Ảnh Hưởng Nhất Đến Lịch Sử Thế Giới – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách 100 Nhà Quân Sự Có Ảnh Hưởng Nhất Đến Lịch Sử Thế Giới của tác giả Michael Lee Lanning
Chương 2: Tôn Vũ (Sunzi)
Tôn Vũ hay còn có tên là Tôn Vũ Tử (Sunzi), tự là Trường Khanh; khoảng cuối thế kỷ sáu đầu thế kỷ thứ năm TCN. Ông thuộc tầng lớp quý tộc nước Tề thời Xuân Thu, là một nhà quân sự, lý luận quân sự kiệt xuất của Trung Quốc. Tác phẩm “Binh pháp Tôn Tử” nổi tiếng của ông được mệnh danh là “Kinh Binh” (Quyển kinh về binh pháp), “Bách thế đàm binh chi tổ” (Tổ tiên binh pháp muôn đời). Những vĩ nhân trên thế giới cùng thời với Tôn Tử có: Thích Ca Mâu Ni của Ấn Độ, Socrates và Aristotle của Hi Lạp cổ đại.
Tôn Vũ nguyên là hậu duệ của công tử Trần Hoàn nước Trần. Năm 672 TCN nước Trần xảy ra nội chiến, Trần Hoàn đã rời nước Trần sang lánh nạn tại nước Tề, Tề Hoàn Công đã phong cho Trần Hoàn chức “Công chính”, chuyên phụ trách việc sản xuất thủ công nghiệp, sau này Trần Hoàn đổi tên thành Điền Hoàn. Trải qua mấy đời, gia tộc họ Điền đã dần dần lớn mạnh và trở thành đại diện cho thế lực mới nổi của nước Tề. Đến thời Tề Cảnh Công, đời thứ tư của Điền Hoàn là Tôn Tử Điền Hằng Tử (hay còn gọi là Điền Vô Vũ) đã trở thành đại phu nước Tề.
Nước Tề thời Xuân Thu nằm ở vùng Đông Bắc của tỉnh Sơn Đông ngày nay, giáp với biển Bột Hải, rất có lợi về làm muối và đánh bắt cá. Trong số các nước chư hầu, nước Tề là nước lớn phía Đông, có sản vật vô cùng phong phú và có thực lực rất mạnh. Năm 685 TCN khi Tề Hoàn Công lên ngôi đã trọng dụng Quản Trọng, tiến hành cải cách chính trị, quân sự, tập trung phát triển sản xuất, cuối cùng đã trở thành bá chủ Xuân Thu một thời. Nước Tề trong một trận chiến đánh nước Cử đã giành được chiến thắng nhờ công lao của Điền Thư, cháu 5 đời của Điền Hoàn và là ông nội của Tôn Vũ, vì vậy Tề Cảnh Công phong tặng vùng đất Lạc An cho con Điền Thư và còn cho mang họ Tôn để biểu thị sự khen thưởng.
Năm 532 TCN, nước Tề đã xảy ra loạn 4 họ “Tức là họ Điền liên kết với họ Bào nhân lúc họ Loan và họ Cao (hai dòng họ quý tộc cũ đang chấp chính lúc bấy giờ) mở tiệc ăn uống đã tiến hành bao vây bất ngờ, cuộc chiến đã nổ ra. Sau cùng, họ Loan và họ Cao đã bị thảm bại, người đứng đầu hai họ là Loan Thi và Cao Cường đã phải chạy trốn sang nước Lỗ. Cục diện đấu đá, tranh giành phức tạp này không những đem lại cho Tôn Vũ cơ hội nhìn thấu cuộc chiến tranh ngầm giữa các tập đoàn thống trị, mà còn tôi luyện nên tài năng, mưu trí tuỳ cơ ứng biến cho Tôn Vũ. Hơn nữa, Tôn Vũ lại xuất thân trong một gia đình có truyền thống quân sự, điều này rõ ràng đã tạo điều kiện cho ông có cơ hội kế thừa và học hỏi tư tưởng quân sự của các bậc tiền bối.
Sau khi họ Điền và họ Bào giành được thắng lợi sau sự kiện “loạn 4 họ”, Tôn Vũ và những thành viên khác trong gia tộc họ Tôn đã rời bỏ quê hương nước Tề di chuyển đến nước Ngô – một nước mới nổi lên ở phía Nam (nằm ở dải đất trung tâm vùng trung nam bộ tỉnh Giang Tô ngày nay), họ sống ẩn cư tại vùng gần thành Cô Tô, mở đầu một cuộc sống điền viên. Những lúc nông nhàn, ông tổng kết và chỉnh lý lại những kinh nghiệm đấu tranh quân sự do thế hệ trước truyền lại và đã viết nên cuốn “Binh pháp Tôn Tử”.
Lúc này trên phương diện lý luận quân sự, Tôn Vũ đã có một trình độ vô cùng uyên thâm và rồi cơ hội để thi triển tài năng quân sự của ông cũng đã đến. Năm 512 TCN, quốc vương nước Ngô là Hạp Lư quyết tâm một trận sống còn với nước Sở, nhưng hiềm một nỗi là đội quân thiếu mất chủ tướng. Đang trong lúc do dự thì mưu thần của Hạp Lư là Ngũ Tử Tư đã nhân cơ hội bàn luận về cách dùng binh với Hạp Lư để liên tiếp 7 lần liền tiến cử Tôn Vũ với Hạp Lư, vì thế Hạp Lư đã cho mời ông đến để xem Tôn Vũ có thể đảm đương được chức vụ này không.
Khi bái kiến Ngô vương Hạp Lư, Tôn Vũ đã tặng cho Ngô vương cuốn “Binh pháp 13 chương” do mình biên soạn. Trong lúc trả lời các câu hỏi của Ngô vương, ông đã đưa ra những cách dụng binh kỳ lạ, điều này làm cho Ngô vương không ngớt gật đầu khen ngợi, Ngô vương còn vô cùng yêu thích lý luận quân sự xuất chúng của ông. Sau khi có được kỳ tài Tôn Vũ rồi, quyết tâm muốn bá chủ một phương của Ngô vương ngày càng lớn, ngay lập tức phong cho Tôn Vũ làm đại tướng quân. Từ đó trở đi, Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư cùng nhau phò tá Ngô vương, nước Ngô nhờ vào hai người này mà nhanh chóng lớn mạnh.
Sau khi trở thành tướng quân của nước Ngô, Tôn Vũ đã lập nên chiến công hiển hách cho nước Ngô. Năm 506 TCN, đại quân nước Ngô đã tập kích bất ngờ vào nước Sở làm cho nước Sở đại bại, quân Ngô công chiếm kinh đô nước Sở, Tôn Vũ đã lập công đầu. Năm 484 quân Ngô đánh cho quân Tề tan tác, tại hội thề Hoàng Chi năm 482 TCN, nước Ngô đã trở thành bá chủ thay nước Tấn, công đầu thuộc về Tôn Vũ.
Do có được hệ thống lý luận quân sự dẫn đường nên Tôn Vũ đã lập được những chiến công hiển hách, đồng thời thông qua thực tiễn của các cuộc chiến tranh ông đã kiểm nghiệm được tính đúng đắn và chính xác của hệ thống lý luận quân sự của mình. Từ đó có thể thấy, Tôn Vũ vừa là nhà lý luận quân sự lại vừa là nhà hoạt động quân sự rất có tài tổ chức quân sự.
Cuốn “Binh pháp Tôn Tử” tổng cộng có 13 chương với hơn 6000 chữ, nét chữ đanh thép hoành tráng, nội dung sâu rộng vạn trượng, tư tưởng tinh tuý bao trùm, logic chặt chẽ gắn kết, là tác phẩm lý luận quân sự nổi tiếng lâu đời nhất được lưu truyền lại của Trung Quốc và thế giới. “Binh pháp Tôn Tử” đã chỉ ra rất nhiều quy luật phổ biến trong chiến tranh, tường thuật một cách tương đối đầy đủ về nhân tố giành thắng lợi trong chiến tranh, tiềm ẩn tư tưởng duy vật sơ khai và phép biện chứng nguyên thủy. Tư tưởng quân sự về “Lợi thế địa hình” trong “Binh pháp Tôn Tử” là phần chuyên luận về địa lý và địa hình quân sự, nó có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.