
1491 – Những Khám Phá Mới Về Châu Mỹ Thời Kì Tiền Columbus – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách 1491 – Những Khám Phá Mới Về Châu Mỹ Thời Kì Tiền Columbus của tác giả Charles C. Mann
SAI LẦM CỦA HOLMBERG
“Đừng chạm vào cái cây đó”, Balée lên tiếng.
Người tôi cứng lại. Tôi đang leo lên một ngọn đồi thấp, dốc và sắp nắm lấy một nhành cây khẳng khiu, gần giống dây leo, có lá vát. “Triplaris Americana”, chuyên gia về thực vật rừng Balée nói. “Anh phải cẩn thận với nó”. Theo kiểu cộng sinh bất thường, Balée cho biết: T. Americana đóng vai trò là vật chủ của chủng kiến đỏ bé xíu – trên thực tế, giống cây này còn khó tồn tại nếu thiếu chúng. Những con kiến chiếm đóng các đường rãnh nhỏ xíu ngay dưới vỏ cây. Đổi lấy chỗ ẩn nấp, kiến sẽ tấn công bất cứ thứ gì động đến cây – côn trùng, chim, một nhà văn lơ đãng. Sự hiểm ác của các đòn tấn công phun độc ấy đã khiến T.Americana bị người dân địa phương gán cho cái tên Cây quỷ dữ.
Dưới gốc cây quỷ dữ có một cái hang thú khiến bộ rễ của nó bị lộ ra. Balée dùng dao bới một ít đất rồi vẫy tôi, Erickson và con trai tôi Newell, người đồng hành với chúng tôi. Cái hố nông đầy gốm vỡ. Chúng tôi có thể thấy những mảnh diềm đĩa và vật gì đó tựa như đế ấm trà – nó được tạo hình như chân người, tô điểm với móng chân sơn màu. Balée rút ra chừng một tá mảnh sứ: Những mảnh vụn ấm đĩa. Một thanh hình trụ đã bể, có thể là một phần của chân đỡ bình. Gần như 80% ngọn đồi này được tạo thành từ những mảnh vỡ như thế, ông nói. Cậu có thể đào bất cứ đâu và sẽ tìm thấy thứ tương tự. Chúng ta đang leo trên một đụn đồ sành vỡ.
Đụn này mang tên Ibibate, một trong những gò phủ rừng cao nhất ở Beni với chiều cao gần 18m. Erickson giải thích cho tôi: đống mảnh sứ có lẽ được dùng để xây đắp và thông khí đất bùn giúp cho định cư và nông nghiệp. Nhưng mặc dù lý giải này hợp lý về mặt kỹ thuật, nó cũng chẳng khiến hành động của người đã tạo nên mô gò cổ xưa này bớt bí ẩn hơn. Những mô gò bao phủ khoảng diện tích khổng lồ, đến mức khó có thể coi chúng là hệ quả của rác thải loại. Đông Nam Roma có một đồi chai lọ vỡ tên Monte Testaccio, bãi rác tập thể cho toàn thành đô. Ibibate còn lớn hơn cả Monte Testaccio. Và ngoài gò này, có cả mấy trăm gò đồi tương tự. Chắc chắn, người ở Beni không hề thải ra nhiều rác như ở Rome, theo lý luận của Erickson, các mảnh đồ gốm cho thấy ở Ibibate từng tập trung đông dân cư, nhiều người là lao động tay nghề cao, sống trên những gò đồi này một thời gian dài, mở tiệc và ăn uống linh đình suốt thời gian đó. Số thợ làm gốm cần thiết để tạo ra những đống đồ sành sứ, thời gian lao động cần thiết, số người cần thiết để cung cấp đồ ăn và nơi ở cho thợ làm gốm, công cuộc tổ chức quá trình đập phá và chôn vùi quy mô lớn, theo cách nhìn của Erickson, tất cả đều là bằng chứng cho thấy hàng nghìn năm trước Beni là vùng đất của một xã hội có tổ chức cao, xã hội mà qua những cuộc điều tra khảo cổ, chỉ mới bắt đầu hiện hình.
Đi cùng chúng tôi hôm ấy có hai người Anh-điêng thuộc bộ tộc Sirionó là Chiro Cuéllar và con rể ông, Rafael. Cả hai đều rắn rỏi, da đen và hầu như không râu; bước cùng trên đường mòn, tôi để ý thấy các vết khuyết nhỏ trên dái tai họ. Rafael hớn hở, gần như là tự mãn, thêm nếm chút gia vị cho buổi trưa bằng những lời bình luận; Chiro – một quan chức địa phương, vừa hút “Marlboro” sản xuất tại vùng này – vừa quan sát chúng tôi với vẻ khoan dung thích thú. Họ sống tại ngôi làng nhỏ ở cuối một con đường dài, cũ mòn và bụi bặm, cách đây khoảng 2km. Chúng tôi đã lái xe tới đó từ sớm, dừng lại dưới bóng một ngôi trường đổ nát và mấy tòa nhà giáo hội. Quần thể công trình kiến trúc co cụm với nhau gần đỉnh một ngọn đồi nhỏ – một gò đồi cổ xưa khác. Trong lúc tôi cùng Newell chờ cạnh xe tải, Erickson và Balée vào trường để xin Chiro và những quan chức khác cho phép đi thăm thú xung quanh. Nhận thấy chúng tôi đang ngồi không, vài đứa trẻ Sirionó cố thuyết phục bọn tôi xem một con báo đốm con nhốt trong chuồng và trả chúng tiền cho trò vui này. Sau vài phút, Erickson và Balée trở ra với giấy thông hành cùng hai người đi kèm: Chiro cùng Rafael. Bấy giờ, trèo lên Ibibate, Chiro quan sát thấy tôi dừng cạnh cây quỷ dữ. Khuôn mặt không chút cảm xúc, ông gợi ý tôi nên trèo lên đỉnh đồi. Trên ấy, theo lời ông nói, tôi sẽ tìm thấy loại trái cây rừng nào đó. “Anh chưa bao giờ gặp qua thứ gì như thế đâu”, ông hứa hẹn.
Từ đỉnh Ibibate có thể nhìn được thảo nguyên bao quanh. Cách đó khoảng 500m, cắt ngang dải cỏ vàng cao tới hông là một hàng cây thẳng tắp – theo lời Erickson, đó là cây cầu đắp cổ đại. Miền thôn dã nơi đây bằng phẳng đến độ có thể nhìn xa nhiều dặm từ mọi hướng, thậm chí là hàng dặm nếu bầu không khí nhiều nơi không bị khói phủ.
Sau đó, tôi thấy băn khoăn về mối liên hệ của những người Sirionó với nơi này. Liệu họ có giống những người Ý từng sống trong các di tích của Đế chế La Mã thời đó chăng? Lúc lái xe về tôi đã hỏi Erickson và Balée câu đó.
Câu trả lời của họ rời rạc, chiếm hết thời gian còn lại chiều hôm ấy, khi chúng tôi lái xe đến chỗ trọ dưới làn mưa trái mùa rét mướt và ăn tối ngay sau đó. Họ bảo, vào thập niên 1970, đa số chuyên gia sẽ trả lời câu hỏi về người Sirionó của tôi theo đúng một cách. Ngày nay, đa số họ sẽ trả lời theo một cách khác. Khác biệt này liên quan tới điều tôi đang trộm nghĩ, dù khá bất công, là sai lầm của Holmberg.
Dù Sirionó chỉ là một trong khoảng 20 nhóm người bản xứ châu Mỹ, họ là những người nổi tiếng nhất. Giữa năm 1940 và 1942, một nghiên cứu sinh tên Allan R. Holmberg đã sống với họ. Vào 1950, ông đã xuất bản cuốn ký sự về cuộc sống của người Sirionó mang tên Nomads of the Longbow (Trường cung của dân du mục) – tựa sách ám chỉ loại cung dài gần 2m người Sirionó dùng săn bắn. Nomads nhanh chóng được công nhận là một tác phẩm kinh điển, trở thành cuốn sách có tính hình tượng và gây ảnh hưởng lớn, đồng thời là một trong những lý do chính hình thành quan niệm của thế giới bên ngoài về người Anh-điêng Nam Mỹ khi tên sách liên tiếp xuất hiện trên loạt bài viết học thuật lẫn tập san nổi tiếng.
Theo tường thuật của Holmberg, tộc Sirionó “thuộc vào những tộc người lạc hậu nhất thế giới về mặt văn hóa”, luôn trong trạng thái đói khát và thiếu thốn, không có quần áo, không có gia súc, không có nhạc cụ (kể cả lục lạc hay trống), không có nghệ thuật lẫn đồ trang sức (trừ vòng cổ treo răng động vật), gần như vô thần (“Quan niệm về vũ trụ” của người Sirionó rất “thô lậu”). Thật khó tin nhưng họ không thể đếm quá 3 và tạo ra lửa (Ông viết rằng họ chuyền nó “từ lều này sang lều khác bằng cây đuốc [đang cháy]”). Loại chòi làm từ lá cọ chất lộn xộn của họ vô dụng trước những cơn mưa và côn trùng đến nỗi các thành viên bình thường của đoàn “trải qua nhiều đêm mất ngủ suốt cả năm”. Co cụm bên ngọn lửa trại leo lét trong những đêm ẩm ướt đầy rệp bọ, theo cách Holmberg diễn đạt, Sirionó là bằng chứng sống của người nguyên thủy – “ví dụ hoàn hảo” cho tình trạng “ăn lông ở lỗ”. Ông cho rằng họ đã sống như vậy suốt cả thiên niên kỷ và chẳng để lại dấu tích nào trên vùng đất. Cho đến khi họ chạm trán xã hội châu Âu, lịch sử của họ mới bắt đầu có thứ để kể.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.