
7 bài học hay nhất về vật lý – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Cuốn sách 7 bài học hay nhất về Vật lý là một bản tổng kết nhanh những tri thức quan trọng đã tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong nền vật lý thế kỷ XX như thuyết tương đối rộng, cơ học lượng tử, vũ trụ học, hạt cơ bản, lý thuyết hấp dẫn lượng tử, hố đen. Cuốn sách cũng đề cập đến ý nghĩa của tất cả những tri thức ấy với nhận thức của con người ngày nay.
“Bằng cách trình bày đơn giản và sáng rõ, Bảy bài học hay nhất về vật lý sẽ dẫn dắt chúng ta xuyên qua kỷ nguyên cách mạng khoa học đã và đang làm rung chuyển cả nền vật lý hiện đại từ thế kỷ XX đến nay. Cuốn sách giải thích về những khám phá khoa học làm thay đổi cả thế giới của chúng ta trong thế kỷ XX: từ thuyết tương đối, cơ học lượng tử, hố đen, cấu trúc phức tạp của vũ trụ, lực hấp dẫn, cho đến bản chất của nhận thức, và ý nghĩa của những tri thức đó với chúng ta ngày nay. Đã từ rất lâu mới lại có một cuốn sách về vật lý sinh động và hấp dẫn đến thế. “
BÀI HỌC KẾT LUẬN
Về chính chúng ta
Sau cuộc du ngoạn khá xa, từ cấu trúc không gian sâu thẳm đến các biên giới vũ trụ đã biết, trước khi khép lại loạt bài học này, tôi muốn trở lại với chủ đề về chính chúng ta.
Chúng ta có vai trò gì không với tư cách là những con người biết nhận thức, ra quyết định, cười và khóc, trong toàn cảnh thế giới vĩ đại mà vật lý đương đại mô tả? Nếu thế giới là một quần tụ các đám lượng tử phù du của không gian và vật chất, một trò chơi ghép hình mênh mông của không gian và các hạt cơ bản, thì chúng ta là gì đây? Phải chăng chúng ta cũng chỉ gồm các lượng tử và hạt? Nếu vậy thì từ đâu chúng ta có được cảm nhận về sự tồn tại của chính mình và cá tính độc nhất mà ta luôn có thể xác nhận? Và khi đó giá trị của chúng ta, những mơ ước, cảm xúc và tri thức cá nhân của chúng ta… là gì đây? Chúng ta là gì trong cái thế giới vô tận và sinh động này?
Tôi không thể, dù chỉ mường tượng, làm sao có thể trả lời một câu hỏi như thế trong vài trang giấy. Đó là một câu hỏi rất khó. Trong bức tranh khoa học rộng lớn ngày nay, có nhiều thứ chúng ta không hiểu nổi, và một trong những thứ mà ta hiểu ít nhất là chính chúng ta. Nhưng nếu né tránh hay phớt lờ câu hỏi ấy, thì theo tôi sẽ là bỏ sót những điều rất cốt lõi. Tôi đã trình bày thế giới trông như thế nào dưới ánh sáng khoa học, và chúng ta cũng là một phần của cái thế giới ấy.
“Chúng ta”, con người, trước hết là những chủ thể biết quan sát thế giới này; những nhà sáng lập tập thể của bức tranh về thực tại mà tôi đã cố gắng mô tả lại. Chúng ta là các nút trong một mạng lưới những sự trao đổi (trong đó cuốn sách này là một ví dụ), nhờ nó chúng ta truyền đi các hình ảnh, các công cụ, thông tin và kiến thức.
Nhưng chúng ta còn là một bộ phận hữu cơ của thế giới mà ta cảm nhận được; chúng ta không phải người quan sát đứng ngoài cuộc. Chúng ta nằm trong nó. Cái nhìn của chúng ta về nó là nhìn từ trong lòng nó. Chúng ta được làm ra từ cùng những nguyên tử, cùng những tín hiệu ánh sáng giống như nguyên tử hay ánh sáng qua lại giữa những cây thông trên núi hay những ngôi sao trong các thiên hà.
Phải chăng chúng ta cũng chỉ gồm các lượng tử và hạt? Nếu vậy thì từ đâu chúng ta có được cảm nhận về sự tồn tại của chính mình và cá tính độc nhất mà ta luôn có thể xác nhận? Và khi đó giá trị của chúng ta, những mơ ước, cảm xúc và tri thức cá nhân của chúng ta… là gì đây?
Khi hiểu biết của chúng ta tăng lên, chúng ta đã biết rằng sự tồn tại của chúng ta chỉ là một phần của vũ trụ, và là phần rất bé nhỏ trong đó.
Điều này ngày càng rõ ràng qua nhiều thế kỷ, nhưng đặc biệt sáng rõ trong thế kỷ vừa qua. Chúng ta từng tin rằng mình ở trên một hành tinh nằm tại trung tâm vũ trụ, rồi hóa ra không phải vậy. Chúng ta từng nghĩ rằng mình là thứ tồn tại duy nhất, một chủng loài tách biệt hẳn với họ các động vật và thực vật, rồi phát hiện ra rằng mình là hậu duệ có cùng các tổ tiên với mọi sinh thể quanh ta. Chúng ta có cùng tổ tiên xa xôi với con bướm và cây thông. Chúng ta giống như đứa trẻ, khi lớn lên nhận ra rằng thế giới không chỉ vẻn vẹn là những gì ở quanh mình như nó tưởng khi còn bé. Nó cần học hỏi để làm một người giữa những người khác. Noi gương những người khác và những thứ khác nữa, chúng ta học được mình là ai.
Sống trong thời kỳ vĩ đại của chủ nghĩa duy tâm Đức [German idealism], Schelling1 đã nghĩ rằng Con người là Chúa tể trong tự nhiên, là sinh linh thượng đỉnh, nơi thực tại ý thức được chính mình. Ngày nay, từ quan điểm do các kiến thức hiện nay về thế giới tự nhiên đem lại, ý tưởng đó thật buồn cười. Nếu chúng ta đặc biệt, thì chỉ đặc biệt trong cách thức mỗi người tự cảm nhận mình, giống như mọi bà mẹ đặc biệt đối với con mình. Chứ không đặc biệt so với phần còn lại của tự nhiên.
1. Friedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854): triết gia duy tâm lớn của triết học cổ điển Đức.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.