Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Andromaque của tác giả Jean Racine mời bạn thưởng thức.

2. Định nghĩa ba chữ: tình cảnh, tình trạng và kịch huống:

Đoạn trên này, chúng tôi vừa dùng đến ba chữ tuy có gần nhau mà về môn kịch có nghĩa khác hẳn nhau, vậy thiết tưởng hãy nên nói qua loa về nghĩa ba chữ đó, là: tình cảnh, tình trạng và kịch huống, để mong rồi đây có thể dần dần định nghĩa được hết các chữ khác cần dùng cho chúng ta trong khi muốn nói chuyện rạch ròi về nghề kịch. Chúng tôi xét thấy rằng sự định nghĩa chữ trong các khoa học chuyên môn là đang rất cần ở nước ta, mà từ xưa đến nay chưa ai săn sóc đến một cách ráo riết sốt sắng.

Sở dĩ chúng tôi muốn bắt đầu làm cái công việc đó trong nghề kịch ngày hôm nay, một phần là vì chúng tôi thấy cái công việc đó rất có ích cho sự tiến bộ của tiếng nói nước nhà, một phần nữa là vì muốn giảng cho phần đông đồng bào hiểu được cái hay của một tấn kịch của Racine, hiểu được những cách dàn hồi, dàn lớp của một nhà kịch sĩ cổ điển có tiếng và có ảnh hưởng to trong văn chương nước Pháp như thế, thì sự định nghĩa mấy chữ sau này chỉ là một điều cần và tất nhiên phải có.

Về chữ tình cảnh, thì chúng tôi vẫn giữ lấy cái nghĩa thông thường của nó: tình cảnh là tính tình tư tưởng của một người khi người ấy đang đứng ở trong những cảnh ngộ đặc biệt. Tất cả tính tình tư tưởng của một người trong suốt đời người ấy, thì lẽ tất nhiên là chúng ta không thể nào lấy một lời nói trống không, một cử chỉ độc nhất mà diễn tả ra cho hết được.

Chúng ta cần phải kể ra cả một câu chuyện, mà đã gọi là một câu chuyện thì thể nào cũng phải có đầu có đuôi, nghĩa là có những cảnh ngộ khác nhau, nối tiếp theo nhau, những cảnh ngộ ấy lần lượt đặt các vai chính trong câu chuyện của chúng ta vào những tình cảnh khác nhau. Bởi thế cho nên muốn vẽ rõ ra cái tính tình tư tưởng của mấy vai chính trong một câu chuyện mình muốn diễn, nhà kịch sĩ phải tả lần lượt ra mấy cái tình cảnh khác nhau của những vai ấy, đó chính là cái công việc dàn hồi của nhà kịch sĩ vậy.

Về chữ tình trạng thì chúng tôi hiểu là những trạng huống của một tình cảnh.

Thí dụ: Vua An Dương Vương, từ lúc được thần Kim Quy cho cái móng làm lẫy nỏ, đã được sống một quãng đời yên ổn, vô tư lự, đó là một tình cảnh. Kế đến khi Triệu Đà lại mang binh sang đánh mà nỏ thần không hiệu nghiệm nữa, vua phải đem con gái chạy trốn, thì lại đứng vào một tình cảnh khác. Nhưng cũng trong một cái tình cảnh quẫn bách thứ hai này, chúng ta có thể thấy nhiều tình trạng khác nhau, tùy theo vua An Dương Vương nói chuyện với con gái ngài, với thần Kim Quy, với một người tướng, hoặc nữa ngài nói một mình, vân vân…

Công việc diễn tả những tình trạng ấy trùng vào với công việc dàn lớp của nhà kịch sĩ.

Tuy nhiên, trong công việc dàn lớp, nhà kịch sĩ ngoài sự diễn tả những tình trạng, còn có thể gây cho chúng ta nhiều tình cảm mạnh mẽ khác bởi những kịch huống của một đoạn kịch. Các kịch huống tuy có do các tình trạng, vì rằng một tình trạng có thể gây ra nhiều kịch huống khác nhau. Thí dụ: vua An Dương Vương đứng trong cái cái tình cảnh quẫn bách vừa nói trên kia mà nói chuyện với thần Kim Quy thì chỉ có một tình trạng.

Tuy nhiên, nhà kịch sĩ có thể làm vua An Dương Vương đi tìm thần Kim Quy mà nói chuyện, hoặc là làm thần Kim Quy tự nhiên hiện lên mà nói chuyện với vua An Dương Vương, như thế là vẫn chỉ có một tình trạng mà có thể có hai kịch huống khác hẳn nhau. Lại thí dụ nữa: trong vở kịch Người biển lận của Molière tiên sinh có chỗ người biển lận vừa chạy từ trong nhà hát ra vừa kêu thất thanh: Ô kẻ trộm! Ô kẻ trộm! Nhà kịch sĩ nếu chỉ muốn tả có cái nỗi đau lòng tiếc của của vai biển lận lúc bấy giờ thì không thiếu gì cách.

Cái khéo là gây nên những kịch huống làm cho trên sân khấu có sự hoạt động thay đổi. Một vở kịch vốn là một thiên toát yếu những việc chính xảy ra trong một câu chuyện, nên ta có thể nói rằng cái công việc khó nhất của nhà kịch sĩ là có công việc nối liền các lớp lại, nối những lớp có tính cách dàn xếp để giảng giải cho rõ nghĩa câu chuyện vào với một vài lớp có tính cách hoạt động tự nhiên như sự có thật ở trong đời vậy.

Xem như vậy thì cái công việc nối lớp hợp vào với công việc lựa chọn những kịch huống tả được rõ đúng và mạnh mẽ các tình trạng cảm động nhất trong một hồi.

Sau khi đã nói kĩ lưỡng về nghĩa ba chữ: tình cảnh, tình trạng và kịch huống như thế, chúng tôi còn muốn nhắc vắn tắt lại một lần nữa cho độc giả dễ nhớ hơn. Cái mục đích trọng yếu của nghề kịch cũng như của nghề văn là để diễn tả tính tình tư tưởng. Tình cảnh là cái tính tình tư tưởng của một người khi người ấy đang đứng trước những cảnh ngộ đặc biệt.

Vậy thì tình cảnh tức là những trạng huống của tính tình. Tình trạng là những trạng huống của tình cảnh. Kịch huống là những trạng huống của tình trạng. Nghề kịch vốn là một nghề văn mà nhà văn sĩ phải nói bằng lớp, lớp nọ xong rồi đến lớp kia, nghĩa là phải nói bóng nói tắt nhiều lắm, bởi vậy chúng ta càng nên hiểu chữ trạng huống ở đây, như những vẻ trọng yếu, cần thiết nhất của những tình cảnh, tình trạng, những vẻ mà nhà kịch sĩ phải cố công tìm cho lấy được rõ hợp thời và đích đáng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x