
Ba Tấc Sen Vàng – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Ba Tấc Sen Vàng của tác giả Nguyễn Duy Chính mời bạn thưởng thức.
Hình dáng
Bàn chân bó nhìn ngang trông giống như hình chiếc cung nên vì thế còn gọi là “cung túc”, dân gian gọi là chân nhỏ còn kẻ văn nhân thì gọi là “đóa sen vàng” (kim liên). Theo truyền thống, bàn chân phải nhỏ chừng ba tấc – tức khoảng 12 phân tây – là vừa nhưng càng nhỏ thì càng đẹp. Bàn chân chỉ chừa ngón cái, khum khum cong lên, mu bàn chân gồ lên vì những ngón chân bị kéo lại, có tên là “lang đầu” (núm cau).
Ngón chân quặp vào dưới lòng bàn chân, biến thành như hình cái trứng nên gọi là “áp đản lựu”. Nếu nhìn từ dưới gan bàn chân thì thấy bàn chân có hình tam giác, gót chân tròn, phải chịu sức nặng của toàn thân vì phần đầu hoàn toàn tàn phế không còn sử dụng được đụng đến sẽ đau nhói. Mỗi khi đi đầu người đàn bà phải hoàn toàn đi bằng gót chân và người phải đứng thẳng, mông ưỡn về phía sau, không có thể uyển chuyển được, gót chân chạm đất nặng nề, khó nhọc. Mỗi bước chỉ đi được chừng ba, bốn tấc, cũng không đứng yên được mà chốc chốc phải đi tới hay lui một vài bước, nghiêng ngả cho đỡ đau, nếu không có người nâng thì sẽ ngã khuỵu xuống. Tây Sương Ký đã mô tả là “mỗi bước đi đều khiến người ta thương cảm, như cành liễu rủ trước gió”.
Thoạt đầu khi mới có tục bó chân thường khởi sự khi còn là một thiếu nữ trẻ tuổi, người ta dùng vải quấn chặt nên chân thường sưng lên, rất đau đớn. Khi đó chân cũng đã lớn, khó có ai bóp lại cho nhỏ để thành một bàn chân ba tấc được. Về sau, khi tập tục này đã phổ biến, người mẹ bó chân cho con ngay từ khi còn nhỏ, và chia thành hai loại, bó sớm và bó trễ.
Bó sớm, còn gọi là bó chậm (mạn triền) thường là tại những gia đình giàu có, ngay từ ba, bốn tuổi. Người mẹ lấy vải quấn các ngón chân và đi giày chặt cho con hằng đêm, càng lớn lên càng thắt cho chặt thêm, thân thể có tăng trưởng nhưng bàn chân thì giữ nguyên. Trừ ngón chân cái, những ngón khác dần dần quặp vào lòng bàn chân, hay bị thoái hóa không lớn mà thun lại bằng hạt đậu. Mu bàn chân không giãn bề ngang nên u lên, khiến cả bàn chân thuôn thuôn như hình trái cau (lang đầu), tổng cộng không quá ba tấc (khoảng 12 phân tây). Loại chân nhỏ này được gọi là Dương Châu cước, bó từ khoảng bốn tuổi đến năm tám tuổi thì hoàn tất. Những cô gái bị bó chân quá sớm thường không phát triển bình thường, hay quặt quẹo đau yếu luôn, và thường chết yểu. Nếu có thọ thì dung mạo cũng rầu rĩ, không tươi vui.
Bó gấp, hay bó nhanh (cấp triền hay khoái khỏa) thường là con nhà nghèo, phải làm việc, cha mẹ cũng không có thì giờ bó chân cho con từ nhỏ, nên mãi tới tám, chín tuổi, có khi mười bốn, mười lăm không chừng mới bắt đầu bó chân. Theo cách này, người ta chọn ngày lành, tháng tốt (?), mẹ không nỡ bó chân con nên thường nhờ những bà già có kinh nghiệm, rồi người lớn xúm vào giữ chặt đứa nhỏ, rồi người ta thật nhanh nhẹn bẻ gẫy bốn ngón cho gập vào lòng bàn chân. Sau đó dùng dây vải quấn chặt, kéo xuống gót chân xiết lại. Tiếp theo, người ta sẽ uốn cho mu bàn chân cong lên thành hình chữ kỷ, chẳng khác gì uốn một thân cây. Công việc này chỉ làm một lần là xong và cứ để như vậy chứ không uốn từ từ như cách thứ nhất. Cứ hai ba ngày người ta lại tháo băng ra, dùng nước nóng rửa sạch máu mủ , rắc hương liên tán (một loại thuốc bột để bớt mùi hôi) rồi lại quấn chặt. Thời gian từ lúc bắt đầu cho tới khi bàn chân biến dạng không còn hồi phục được nữa khoảng ba tháng, các vết thương cũng liền da nhưng phải khoảng nửa năm sau thì đứa trẻ mới được đi lại. Tuy thời gian có ngắn hơn nhưng phương pháp này làm cho nạn nhân đau đớn hơn nhiều. Vì bó chân khi đứa trẻ đã khá lớn nên cũng ít trường hợp bị chết yểu và sau này vẫn còn làm được công việc nặng nhọc. Phụ nữ vùng Thiểm Tây, Sơn Đông áp dụng cách này và vẫn còn có thể mang vác nặng vượt qua núi, có người còn luyện võ. Thế nhưng khuyết điểm là “lang đầu” quá lớn, mu bàn chân không tròn trịa vì dấu gãy xương vẫn còn nên không được ưa chuộng như cách thứ nhất. Bàn chân cũng chỉ có thể giữ được khoảng 4, 5 tấc thứ không thể nào đạt mức lý tưởng là 3 tấc sen vàng. Cách này cũng làm cho nạn nhân bị đau nhức nhiều hơn khi về già, nhất là những ngày âm u.
Khi đã bó chân rồi, muốn cho giữ nguyên hình trạng, người đàn bà Trung Hoa không chỉ dùng những đôi giày được chế tạo riêng cho họ mà phải có thêm một số phương tiện phụ thuộc. Đễ giữ cho bàn chân không trở lại hay biến dạng, họ phải dùng một mảnh vải dài chừng sáu thước, bề ngang khoảng hai tấc, màu xanh đậm để quấn chân. Màu xanh là màu để cho vết máu khỏi hiện rõ. Chỉ khi đã về già, chân không còn chảy máu mới dùng màu trắng. Mỗi người tối thiểu phải có khoảng ba sợi như thế hầu giặt giũ, thay đổi hàng ngày. Bên ngoài lớp vải bó là các loại vớ rồi ngoài cùng mới đến giày. Đôi giày có tên là cung hài vì hình tượng của lớp đáy trông giống hình cánh cung.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.