Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Bạn Đã Sẵn Sàng Để Đón Nhận Hạnh Phúc Chưa của tác giả Khenpo Tsultrim Lodro mời bạn thưởng thức.

BẢN CHẤT CỦA HẠNH PHÚC

Trong bất kỳ công việc hay công trình nghiên cứu nào đang đảm nhiệm, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tìm hiểu bản chất của nó. Vì vậy, trước tiên, chúng ta hãy giải đáp câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Bản chất của hạnh phúc là gì?

Có một quyển sách tiếng Hoa tựa đề Hạnh phúc là gì đã giải đáp câu hỏi này theo quan điểm của 155 chuyên gia trên thế giới. Ví dụ như hạnh phúc là có thu nhập ổn định; hạnh phúc là gia đình êm ấm; hạnh phúc là du lịch vòng quanh thế giới; hạnh phúc đơn giản là một cốc nước… Ở đây không có sự thống nhất.

Phật giáo cho rằng bản chất của hạnh phúc không phải là thu nhập bền vững hay sự hòa thuận trong gia đình, cũng không phải niềm vui đi du lịch khắp thế giới hay một cốc nước. Mặt dù những điều trên có thể mang đến cảm thọ an lạc nhưng đó không phải bản chất của hạnh phúc.

Bản chất thật sự của hạnh phúc là cảm thọ đến từ bên trong. Đôi khi cảm thọ này có liên quan đến vật chất nhưng đôi khi chẳng có bất cứ liên hệ nào. Vật chất chỉ là nhân hoặc duyên để tạo nên cảm thọ an lạc. Vật chất có thể mang đến sự thỏa mãn hoặc một cảm thọ an toàn tạm bợ. Những dạng hạnh phúc khác nhau, như nguồn thu nhập bền vững chẳng hạn, là nguồn gốc mang đến hạnh phúc nhưng tự thân không phải là hạnh phúc.

Nếu hạnh phúc chỉ là một cảm thọ, thì đâu sẽ là nền tảng của cảm thọ này? Cảm nhận về hạnh phúc đến từ sự thỏa mãn, sự thỏa mãn lại đến từ cảm giác tươi mới. Những loại cảm thọ này đều liên quan đến tâm của chúng ta chứ không liên quan trực tiếp đến thế giới vật chất.

* NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC

Chúng ta có thể chia hạnh phúc thành vô số loại. Tuy nhiên, để đơn giản hoá, có hai loại cốt yếu, một loại đến từ vật chất bên ngoài, một loại không đến từ vật chất bên ngoài.

Trong loại hạnh phúc thứ hai, có cảm thọ đại lạc vượt lên trên cả cảm thọ an lạc thông thường. Cảm thọ này được trải nghiệm trong quá trình phụng sự hoặc mang lại lợi lạc cho các chúng sinh khác – đây là mục tiêu mà các Bồ Tát trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa hướng đến.

Một số người cho rằng Phật giáo chống lại mọi hình thức vui hưởng lạc thú vật chất, tập trung kiểm soát ham muốn, và đề cao sự thực hành khổ hạnh. Thực sự đây chính là một lối hiểu sai lầm. Đức Phật đã nói rằng các Phật tử đều có quyền vui hưởng mà không cần chối bỏ những thứ họ được quyền hưởng như của cải dành dụm được một cách lương thiện hay phước báu huân tập từ thiện nghiệp trong kiếp sống trước đây. Đức Phật không phủ nhận rằng, trong một chừng mực nhất định, vật chất có thể mang đến hạnh phúc. Tuy nhiên, Ngài đã chỉ rõ ra rằng không phải tất cả hạnh phúc đều đến từ vật chất. Ngài cũng nói rằng, hạnh phúc có từ vật chất thì rất ngắn ngủi và không thể nương dựa vào được.

Nhiều nhà tâm lý hiểu được, ở nhiều mức độ khác nhau, cách thức vận hành của tâm; nhiều nhà triết học cũng đã khảo sát hạnh phúc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong tất cả các tôn giáo và các môn khoa học, chính Phật giáo có được cái nhìn đầy đủ nhất về vấn đề này. Việc nghiên cứu về tâm thức trong Phật giáo là cực kỳ tinh tế. Cách thức vận hành của tâm thức như thế nào được giải thích rất rõ ràng trong các kinh điển.

Trong Phật giáo, người phàm phu là người chưa bao giờ luyện tâm. Xét trên quan điểm của tâm, cho dù chúng ta có giàu có bao nhiêu, có địa vị xã hội thế nào và học vấn ra sao, nếu chúng ta chưa thực hành luyện tâm, thì chúng ta cũng chỉ là những người bình thường. Từ ngữ này không dùng để hạ thấp người khác mà đơn thuần được dùng để chỉ một người chưa thực hành tâm linh.

Đối với những người bình thường, tâm sẽ đi theo một mô thức tự nhiên. Mô thức này luôn luôn đi về một hướng. Ban đầu, vật chất sẽ mang đến cho chúng ta cảm thọ hạnh phúc. Cảm thọ hạnh phúc dựa trên một cảm giác thỏa mãn. Cảm giác thỏa mãn này lại đến từ một trải nghiệm tươi mới. Khi quán sát một cảm thọ hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy rằng mọi thứ sẽ mất đi vẻ hào nhoáng một khi sự mới lạ không còn nữa. Sự tươi mới không phải là phẩm tính có thể tồn tại mãi mãi.

Khi nào nó tan biến chỉ là vấn đề thời gian. Khi cảm giác mới lạ biến mất, cảm giác thỏa mãn sẽ mất đi chỗ dựa và sẽ biến mất theo. Cảm thọ hạnh phúc cũng sẽ biến mất theo.

Là con người, chúng ta nghĩ rằng vật chất là thứ mà chúng ta theo đuổi cả đời; thật ra thì chúng ta chỉ đang chạy theo một cảm thọ. Đức Phật đã chỉ ra sự khác biệt quan trọng này, nhưng chúng ta cần phải [tự] mình nhận biết hay khám phá điều này.

Đức Phật đã dạy rằng: chúng ta có thể tìm kiếm hạnh phúc – đó là quyền của chúng ta; tuy nhiên, ta không thể nương dựa vào loại hạnh phúc hình thành từ vật chất bên ngoài. Do đó, khi theo đuổi các thú vui thế tục, chúng ta phải đồng thời tìm kiếm loại hạnh phúc to lớn hơn – loại hạnh phúc đến từ tinh thần, hay từ sự đảm nhận các việc làm cao thượng và có nhiều ý nghĩa.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x