Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

LỄ GIÁNG SINH CUỐI CÙNG

Noel năm 1974 đến với Sài Gòn thật chậm. Chưa năm nào Giáng sinh đến với thành phố từng được mệnh danh “Hòn ngọc viễn đông” này muộn mằn như thế. Bộ mặt phồn vinh giả tạo của các thành thị miền Nam đã bắt đầu rạn nứt từ cuối năm 1972 khi Mỹ rút quân và ngưng các công trình xây dựng phục vụ cho Mỹ tại miền Nam. Nạn thất nghiệp gia tăng với cấp số nhân. Gần một triệu dân ở nông thôn bị quân đội Sài Gòn cưỡng bức khỏi các vùng do cách mạng giải phóng, dồn vào các trại tị nạn. Đồng tiền Sài Gòn liên tục mất giá. Trong không khí chiến tranh gia tăng được phản ánh hằng ngày trên các mặt báo, hai tuần lễ trước Noel, người Sài Gòn lại thất vọng vì các biện pháp kinh tế mùa đông khắc khổ, bế tắc do chính phủ Thiệu ban hành.

Cận kề ngày Chúa giáng sinh, bầu trời thành phố lại đột ngột u ám vì ảnh hưởng của cơn bão Jidy tràn qua. Noel năm 1974 này dường như chỉ là “ngày của mọi ngày”. Sự trang hoàng tại các nhà thờ, ngay cả Vương Cung Thánh Đường (Nhà thờ Đức Bà) cũng thật đơn giản. Không thấy nữa những ngôi sao giáng sinh được kết thành dây đèn chăng từ những ngọn tháp chót của các nhà thờ sà xuống tận mặt đất. Phải vào tận sâu trong các nhà thờ mới bắt gặp những ngôi sao Noel, nhưng lác đác thôi.

Hang đá – nơi đặt tượng Chúa hài đồng, Noel này được làm bằng những tấm giấy cứng với mái nhà nhỏ bằng rơm. Những chuỗi kim tuyến óng ánh cùng những cây thông lớn thường thấy ở đây trong những mùa Giáng sinh trước, nay không hề có. Đã thế, một trận mưa không nhỏ lại bất ngờ đổ xuống lúc chiều tối…

Nhưng rồi đến giờ của nó, đường phố cũng chật cứng những dòng người. Đại lộ Tự Do, Lê Lợi, Công Lý… không còn chỗ chen chân; lòng đường toàn người và xe gắn máy ùn tắc, khói xăng mù mịt. Các vũ trường chật ních người, quay cuồng trong tiếng nhạc xập xình khiến người Sài Gòn chợt nhớ lại tiếng nhạc cuồng loạn của phong trào Hippi từng một thời du nhập, thịnh hành ở thành phố này. Trong lúc những kẻ lắm tiền nhốt mình trong các vũ trường, hộp đêm với tiếng sâmbanh nổ bôm bốp (giá một chai sâmbanh vào đêm Noel lên tới 15.000 -20.000 đồng) thì giới trẻ với đủ mốt quần áo mới lạ tràn ra đường phố, kéo về Nhà thờ Đức Bà.

Ngoài mặt nạ, vương miện, mũ giả, người đi chơi Noel đêm nay không hẹn mà mang theo rất nhiều hoa giấy vụn ném tung lên đầu con gái. Mặc dù lực lượng an ninh, quân cảnh được tăng cường tối đa, nhưng Noel này Sài Gòn cũng không bỏ được lệnh giới nghiêm. Thánh lễ lẽ ra được tiến hành lúc nửa đêm tại các giáo đường thì nay được cử hành sớm: Nhà thờ Regina Pacis làm lễ lúc 20 giờ, Bùi Phát lúc 21 giờ, Nhà thờ Đức Bà lúc 22 giờ.

Và khi chuông lễ của Nhà thờ Đức Bà còn gióng giả thì xe của Tổng cục dân vận chiêu hồi đã kêu réo dân chúng về nhà trước giờ giới nghiêm, trong khi xe quân cảnh rúc còi inh ỏi trên các ngả đường. Mới 11 giờ đêm, đèn nến ở các nhà thờ đã tắt lịm, các giáo đường trở lại cõi thanh vắng, thâm u. Giáo dân than thở đêm Noel năm nay ngắn ngủi quá, khắc khổ quá và bài thánh ca quen thuộc “… Đêm thánh vô cùng, phút giây tưng bừng…” trở thành lạc lõng… Thoáng chốc, các đại lộ ướt át vì trận mưa lúc chiều tối trở nên tạnh vắng, chỉ còn mặt đường nhựa loáng nước trải đầy những hoa giấy nát vụn, ướt nhèm.

Bầu trời thành phố u ám những nét giông bão, chốc chốc lại sáng bừng lên vì những trái hỏa châu từ căn cứ sân bay Tân Sơn Nhất bắn lên… Từ trong thành Cộng hòa – nơi Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đặt tổng hành dinh và cũng là nơi ở của các tướng lĩnh, chiếc Mercedes phóng ra, lao vun vút trên đường phố vắng tanh. Đã quá giờ giới nghiêm, chỉ còn quân cảnh gác ở các ngã tư đường. Xe cắm cờ tướng nên không bị chặn xét. Xe xịch đỗ trước biệt thự sang trọng của Lý Long Thân ngay trung tâm Chợ Lớn. Trung tướng Dư Quốc Đống trong bộ quân phục tư lệnh lính dù, cao lớn, vạm vỡ, lông mày rậm, mắt to bước ra.

Mặc dù gần ba tháng nay được Thiệu bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 3 -quân đoàn quan trọng nhất đảm trách việc phòng thủ Sài Gòn và vùng phụ cận, nhưng Tướng Đống vẫn giữ bộ đồ lính dù, bộ đồ mà Đống cho là đã mang lại nhiều may mắn cho cuộc đời binh nghiệp của mình. Cầm súng theo thực dân Pháp từ rất trẻ, từng được Pháp đưa sang Mẫu quốc học lớp huấn luyện nhảy dù, tốt nghiệp khóa sĩ quan Đà Lạt năm 1951, Dư Quốc Đống chính là tư lệnh thứ tư của Sư đoàn dù – lực lượng dự bị chiến lược từng được mệnh danh là “anh cả đỏ” của quân đội Sài Gòn. Đống được coi là đại ca của những viên tướng như Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 4; Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1, Quân khu 1; Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2,…

Lý Long Thân chực sẵn, đón Đống ngay cửa xe.
– Xin chào Trung tướng! Lâu quá mới có dịp hội kiến Trung tướng.
Đống vỗ vỗ lên vai Lý Long Thân, giọng rất thân mật:
– Xin lỗi! Xin lỗi! Tôi về từ hồi chiều, nhưng mắc tường trình chuyện Phước Long với Tổng thống nên giờ này mới tới.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x