Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Biên Thành của tác giả Thẩm Tùng Văn mời bạn đọc thưởng thức.

THÀNH TRÀ ĐỒNG DỰA NÚI KỀ SÔNG MÀ XÂY NÊN. Phía sát núi, tường thành như một con rắn dài bò theo núi; phía kề sông thì dành một khoảnh đất bên sông ở ngoài thành làm bến, trên bến đậu những thuyền mui nho nhỏ. Thuyền xuôi chở dầu đồng[5], muối, ngũ bội tử[6] nhiều màu; thuyền ngược thì chở bông, sợi bông, vải tấm, tạp hoá cùng đồ biển. Nối các bến có một con phố men theo sông, nhà cửa phần nhiều một nửa bám đất trên bờ, một nửa chìa ra sông vì đất có hạn.

Những nhà ấy không nhà nào không có gác sàn, chân chống xuống sông. Về mùa xuân, nước sông lên to, khi nước tràn vào phố thì người trên phố dùng thang dài, một đầu dựa vào hiên nhà mình, một đầu dựa vào tường thành. Ai nấy la lối ồn ào mang khăn gói, chăn đệm, thạp gạo leo thang mà lên thành. Khi nước rút mới qua cổng thành mà về. Nếu nước lên mạnh thì gác có chân chống thế nào cũng có một vài nơi bị nước cuốn đi.

Mọi người đứng trên đầu thành chỉ biết ngây ra nhìn, người có gác bị cuốn trôi cũng ngây ra nhìn, dường như không có gì để nói về tổn thất của mình, cũng chẳng khác gì nhìn những nỗi bất hạnh khác không thể cứu vãn do thiên nhiên sắp đặt. Lúc nước lên, đứng trên thành có thể nhìn thấy mặt sông đột nhiên rộng ra, nước chảy mênh mông bát ngát, nổi chìm cùng với nước lũ có cả nhà, trâu, dê và cây lớn.

Thế là khi nước dịu đi một chút, trước chỗ neo thuyền thuế quan thường có người chèo thuyền tam bản, hễ thấy trâu bò, khúc gỗ, hoặc một chiếc thuyền không, hoặc trên thuyền có tiếng đàn bà và trẻ con kêu khóc thì vội chèo thuyền lui về phía hạ du đến đón người và vật, buộc chặt chão vào những thứ đó rồi chèo vào bờ. Những người dũng cảm này vừa hám lợi, vừa trượng nghĩa, tương tự như người địa phương vậy. Bất kể cứu người hay vớt vật, họ đều rất nhanh nhẹn và dũng cảm trong hành vi mạo hiểm vui vẻ đó, khiến ai trông thấy cũng phải reo hò khen ngợi.

Con sông đó chính là Dậu Thủy nổi tiếng trong lịch sử, tên mới gọi là Bạch Hà. Bạch Hà sau khi hợp lưu với sông Nguyên Thủy ở Thìn Châu thì hơi đục như nước suối chảy từ núi ra. Nếu ngược dòng đi lên thì chỗ sâu đến năm ba trượng, nước đều trong vắt nhìn thấy cả đáy. Chỗ sâu ban ngày được mặt trời soi xuống khiến nhìn thấy rõ những viên đá trắng nho nhỏ dưới đáy sông, cả đá mã não có hoa văn cũng vậy. Cá bơi lội dưới nước chẳng khác nào nổi giữa không khí.

Hai bên bờ có nhiều núi cao, trong núi có nhiều nứa nhỏ có thể dùng làm giấy, lâu năm thành màu xanh biếc rất bắt mắt. Nhà gần sông phần nhiều đều trồng đào, trồng hạnh. Xuân sang, chỉ cần hơi chú ý thì nơi nào có hoa đào ắt có người ở, mà nơi nào có người ở ắt có rượu bán.

Mùa hè thì bộ quần áo vải hoa tím phơi dưới nắng rất bắt mắt có thể làm cờ cho nơi có người ở. Còn khi mùa thu, đông sang, nhà cửa trên vách đá dựng đứng và ở bên bờ nước, không nơi nào không khiến người ta phải nhìn. Những bức tường bằng đất sét màu vàng, những viên ngói đen trũi đều ở những vị trí thoả đáng cho mãi tới mai sau, hơn nữa còn vô cùng hoà hợp với hoàn cảnh xung quanh, khiến cho ấn tượng để lại ngay trước mắt người ta là vô cùng khoan khoái.

Nếu lữ khách nào hơi có chút hứng thú với thơ và tranh thì hãy nằm co trong chiếc thuyền nhỏ trên dòng sông này, làm một chuyến du hành trong một tháng, ắt không đến nỗi cảm thấy nhàm chán. Đó là vì nơi nào cũng có dấu tích kỳ lạ, nơi thì là sự bạo gan, nơi thì là sự tinh xảo của thiên nhiên, không nơi nào không khiến cho người ta say đắm.

Ngọn nguồn sông Bạch Hà từ biên cảnh Tứ Xuyên chảy xuống, vì thế thuyền nào ngược sông Bạch Hà thì khi nước mùa xuân tràn về có thể đến thẳng Tú Sơn ở Tứ Xuyên. Nhưng phần thuộc về biên giới tỉnh Hồ Nam thì Trà Đồng là bến cuối cùng. Mặt sông của dòng sông này khi tới Trà Đồng tuy rộng chừng nửa dặm, nhưng sang thu, đông khi nước rút, chỗ sông có nước chảy chưa rộng tới hai chục trượng.

Còn ngoài ra là những bãi đá xanh, thuyền sau khi tới đây không có cách gì ngược lên nữa, bởi vậy hàng hoá xuất khẩu ở miền đông Tứ Xuyên đều đến đây thì lên bờ. Hàng hoá xuất khẩu đều do phu khuân vác gánh, khiêng bằng đòn gánh gỗ sam đặt trên vai; hàng hoá nhập khẩu cũng không thứ hàng nào không buộc thành bó, thành gánh, dùng sức người chuyển đi.

Đóng trong thành nơi này chỉ có lính thú phiên chế lại từ số đinh lục doanh[7] ngày trước và khoảng năm trăm nhà dân (trong số dân này, ngoài một số nhà tư bản nhỏ có ít ruộng nương và xưởng ép dầu hoặc cho vay rồi lấy dầu, lấy gạo, lấy sợi bông ra, số còn lại hầu hết đều là gia đình người có quân tịch đến đây đồn thú năm xưa).

Nơi này còn có Cục thuế quan, cơ quan làm việc đóng trong một ngôi miếu nhỏ dưới phố bên ngoài thành, còn Cục trưởng thì ở trong thành. Một doanh quân lính đóng ở nha môn của vị Tham tướng già, ngoài lính kèn hàng ngày lên thành thổi kèn chơi, khiến người ta biết ở đây có quân lính đóng ra, số quân lính khác hầu như không tồn tại. Mùa đông ban ngày mà vào thành, chỉ thấy trước cửa nhà nào cũng phơi quần áo và rau cải. Khoai lang phần nhiều còn để cả dây treo dưới mái hiên.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x