
Bối Cảnh Định Đô Thăng Long Và Sự Nghiệp Của Lê Hoàn – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Bối Cảnh Định Đô Thăng Long Và Sự Nghiệp Của Lê Hoàn của tác giả Trịnh Minh Tuấn, Nguyễn Đức Vụ mời bạn thưởng thức.
II. VỀ SỰ NGHIỆP CHỐNG NGOẠI XÂM BẢO VỆ NÊN ĐỘC LẬP DÂN TỘC
Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầu tiên ở kỷ nguyên Đại Việt mà kẻ thù của chúng ta là một triều đại cường thịnh của một quốc gia phong kiến lớn nhất châu Á đương thời. Lê Hoàn là linh hồn, là hiện thân của chiến công kỳ vĩ này của dân tộc và đây cũng là cống hiến kiệt xuất nhất của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn. Thế nhưng ghi chép về cuộc kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn cả sử Trung Quốc và Việt Nam đều có nhiều mâu thuẫn nên có nhiều phương án lý giải khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều cho quân ta đã bố trí lực lượng chặn địch theo hai hướng thuỷ bộ: Quân thuỷ ở cửa sông Bạch Đằng (Hải Phòng) và quân bộ ở vùng Chi Lăng (Lạng Sơn). Gần đây các nhà nghiên cứu từ chỗ hoài nghi con đường tiến quân của quân Tống qua Lạng Sơn đã xác định cả hai đường thuỷ bộ của quân Tống đi liền nhau, hỗ trợ cho nhau, đều qua vùng Quảng Ninh, Hải Phòng và hội quân ở khu vực Lục Đầu Giang. Vì thế chiến trường chính của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ nhất phải diễn ra ở vùng Đông Bắc.
PGS, TS. Trần Bá Chí là người đầu tiên phác dựng về diễn biến của cuộc kháng chiến theo hướng trên trong luận án Tiến sĩ năm 1991, trong cuốn Cuộc kháng chiến chống Tổng lần thứ nhất năm 1992 và báo cáo lần này cũng vẫn triển khai sâu thêm theo hướng đó.
ThS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học) chăm chú khai thác các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc như Tục tư trị thông giám trường biên, Tống sử, Văn hiến thông khảo, Độc sửphương dư kỷ yếu… và đi đến nhận xét sử liệu do chính các sửgia Trung Quốc ghi chép khá thống nhất về đại thắng mùa xuân năm 981 của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn diễn ra trên sông Bạch Đằng.
Bổ sung thêm cho nguồn tài liệu thư tịch, báo cáo của Ngô Đăng Lợi (Hội Sử học Hải Phòng) giới thiệu một hệ thống các di tích có liên quan đến Lê Hoàn và chiến thắng Bạch Đằng năm 981 ở trên địa bàn các huyện Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ.
Trong quá trình chỉ đạo kháng chiến, Lê Hoàn đã từng chọn khu vực xã An Lạc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương làm đại bản doanh trong một thời gian. Đây là một phát hiện có giá trị của PGS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), đã được trình bày và tìm được sự nhất trí trong Hội thảo khoa học tổ chức tại thành phố Hải Dương đầu năm 2002. Báo cáo Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành trong trận Bạch Đằng năm 981 gửi đến Hội thảo hôm nay là tổng hợp của toàn bộ quá trình sưu tầm, nghiên cứu và thảo luận trên.
PGS, TS. Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) dựa trên tất cả các nguồn tư liệu thư tịch cổ Trung Quốc, Việt Nam, tư liệu điều tra khảo sát thực địa để hình dung diễn biến của cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 theo một lô gích mới, trong đó nhấn mạnh thắng lợi của trận phản công đánh tan quân Tống ở Lục Đầu Giang đã dẫn đến trận tổng công kích trên toàn tuyến sông Bạch Đằng, quyết định thắng lợi của toàn bộ cuộc kháng chiến.
Đại tá TS. Lê Đình Sĩ sau khi phê phán và phân tích các nguồn sử liệu đã đi đến kết luận: Chiến thắng Bạch Đằng ngày 28 tháng 4 năm 981 là bất ngờ lớn nhất đối với nhà Tống và là đòn quyết định, làm sụp đổ hoàn toàn tinh thần và ý chí của chúng, buộc nhà Tống phải rút quân, chấm dứt chiến tranh. Về nội dung trình bày báo cáo này có nhiều nét gần với báo cáo của PGS, TS. Nguyễn Quang Ngọc, tuy nhiên quan niệm về diễn biến chiến trận hai báo cáo lại có nhiều điểm không giống nhau. PGS, TS. Nguyễn Quang Ngọc tin rằng có một trận ở cửa biển Bạch Đằng quân ta bị rơi vào tình thế bất lợi, rồi sau đó mới rút kinh nghiệm đánh bại quân Tống ở Lục Đầu Giang và tiến lên đánh tan quân Tống ở sông Bạch Đằng. TS. Lê Đình Sĩ, trái lại cho rằng chỉ có một trận Bạch Đằng, Lê Hoàn tổ chức khiêu chiến kéo nhanh quân Tống vào trận địa mai phục của ta trên khúc sông hiểm yếu và tiêu diệt chúng.
Trong số các tác giả viết về kháng chiến chống Tống, chỉ còn nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc là vẫn giữ ý kiến cho rằng các đạo quân Tống tiến vào nước ta, có hai đạo tiến theo đường Cao Bằng, Lạng Sơn và Đại La mới là nơi hội sư đầu tiên của các mũi tiến quân.
Chắc chắn vấn đề cuộc kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn còn phải được nghiên cứu dầy công thêm, nhưng đến hội thảo lần này diễn biến của cuộc kháng chiến đã được trình bày mạch lạc hơn, một số vấn đề cơ bản của cuộc kháng chiến đã được giới nghiên cứu xích lại gần nhau hơn. Đó phải được coi là một bước tiến của sử học.
III. VỀ SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ KIẾN TẠO ĐẤT NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT
Không chỉ có những cống hiến kiệt xuất trong sự nghiệp chống ngoại xâm, Lê Hoàn là người anh hùng cái thế có những đóng góp hết sức to lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
TS. Hà Mạnh Khoa (Viện Sử học) thông qua các nguồn tư liệu thư tịch và nhất là tư liệu khảo sát thực địa, tác giả trình bày khá cụ thể công việc tổ chức đào sông từ Đồng Cổ đến Bà Hoà và khẳng định đây không chỉ là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của đất nước mà nó là mạch máu nối liền trung tâm đất nước với mọi miền xa xôi, triều đình với dân chúng, tăng thêm các cơ sở thống nhất đất nước, phát triển kinh tế, văn hoá, một mẫu mực của sự kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.