
Bùi Kiến Thành Người Mở Khoá Lãng Du – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Bùi Kiến Thành Người Mở Khoá Lãng Du của tác giả Lê Xuân Khoa
Tết Quảng Nam
Sau thời gian thường xuyên gặp gỡ trò chuyện, bác cháu chúng tôi đã trở nên gần gũi và thân thiết. Mấy năm trước, ông dự định ăn Tết Nguyên đán ngoài Hà Nội nhưng bất thành. Bạn bè đây đó gọi mời, thế là ông lại xỏ giày lên đường, như cuộc dạo mát nhẹ nhàng của cánh chim quen bốn phương trời chao liệng. Năm con ngựa(1) này, dự định ấy mới trở thành hiện thực khi ông chọn Hà Nội là điểm dừng chân sau một hành trình dài. Chúng tôi tới thăm ông vào những ngày miền Bắc lạnh cắt da, cùng ông đi du xuân, ngắm những sắc đào hồng đang rực lên trên phố phường. Nhìn lũ trẻ chạy đuổi nhau hò hét oang oang dọc đường, ông nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu:
“Lúc bác Thành còn nhỏ, dì Chín bác Thành nghịch lắm, như con trai vậy đó. Dì Chín có trò chơi là bắt mấy con thạch sùng, cho mỗi đứa một con xong sắp hàng ra cho nó chạy đua, đua xe.
Nay nghĩ lại thấy hồi đó nhỏ dại thật, chưa biết gì và ở thôn quê chẳng có đồ chơi…”
Nghe ông kể mấy trò nghịch của trẻ con, tôi bỗng tò mò về Tết cổ truyền ở làng quê Việt Nam gần một thế kỷ trước, thế là tôi hỏi:
“Bác ơi, những cái Tết ngày nhỏ của bác thì như thế nào ạ?”
Ông hướng ánh nhìn ra xa, đón bắt những vạt nắng mỏng len lỏi giữa màn sương mờ:
“Mỗi dịp Tết như vậy nhộn nhịp lắm. Các cô, các dì, các thím, toàn phụ nữ lo việc làm bánh cả tháng trước Tết lận, làm bánh khô trước. Ở Quảng Nam có nhiều thứ bánh lắm: nào là bánh thuẩn, bánh nổ… Bánh nổ được làm từ gạo nếp và đường cái, người ta rang nếp hạt lên, rồi nấu đường trộn vào, đổ ra đập thành miếng vuông rồi. Có một loại bánh rất đặc biệt gọi là bánh tổ, là một thứ bột khuấy với đường cái màu nâu, đổ vào một cái tổ làm bằng tre lót một ít lá chuối trong đó. Loại bánh tổ đó ăn suốt cả mùa xuân, mà không ăn sống, phải chiên lên. Lại còn bánh in đậu xanh. Người ta sấy, in trong cái khuôn rồi đem nướng thế nào đó nó chín, cứng lại chứ không mềm mềm khi bẻ rớt ra như bánh đậu xanh Hải Dương đâu, ăn nó khác mà để được lâu nữa. Đủ các thứ bánh như thế đấy…” Kể về các loại bánh, giọng ông chộn rộn hẳn lên, mắt ông long lanh như đứa trẻ, khiến mấy người chúng tôi cũng xôn xao một niềm vui rất trẻ thơ.
Rồi ông chậm rãi kể tiếp về thời gian cận Tết. Tới ngày cúng Ông Táo mọi người dọn dẹp nhà cửa, đem câu đối đỏ về dán. Gần Tết rất nhộn nhịp, mấy ông thầy đồ tới nhà chơi, bà con cô bác gần xa đến. “Thường thì ông nội ngồi trên phản tiếp khách, cái phản giữa ngôi nhà ba gian năm chái. Ông nội có cái ống thuốc lá vấn sẵn. Khách tới ngồi hút thuốc lá. Cánh đàn ông thời đó đều hút thuốc cả. Thường mấy anh quê ở Quảng Nam hút thuốc lá Cẩm Lệ, sản xuất ra tại làng Cẩm Lệ, cuốn bằng lá. Ông nội có một chú người làm, gọi là chú Hội Thám, chuyên xắt thuốc. Xắt thuốc ra cũng là cả một nghệ thuật. Cuốn lá thuốc lại thành một cuộn tròn lớn bằng ba bốn ngón tay, có một cái cây với một cái lỗ ngang, để thuốc qua cái lỗ đó rồi cắm dao vào ngạch cửa, ngồi xắt xắt nó ra thành từng lát, gọi là thuốc rê, rồi mua giấy quyến, cái giấy trắng trắng, cuốn lại. Nó không tròn như cái điếu thuốc bây giờ đâu, một đầu nó lớn, một đầu nó nhỏ tí. Thuốc lá này không rút ra rút vào gạt tàn được, cứ hút hết từ từ vậy, mỗi lần hút thì để trên môi lưỡi của mấy ông đó, đầu nhỏ nó ướt hết, không hiểu làm sao lại hút được. Mà thuốc nặng lắm, ai mà không biết hút hút chừng một, hai hơi là say à.”
“Tết ngày đó… có pháo không bác?” Tôi cầm cặp cho ông. Rảo bước ven hồ, ông kể:
“Có chứ. Từ trước Tết tụi bác đi mua pháo về, rồi bắt đầu đốt lẹt đẹt chứ không phải đợi tới giao thừa mới đốt đâu. Mấy đứa trẻ nghịch ngợm tháo từng quả pháo ra khỏi bánh pháo, anh nào bạo dạn là cầm quả pháo với cây nhang châm rồi vứt đi, nhiều khi vứt vào bếp nó nổ tung lên làm mấy bà la làng la xóm. Chúng còn vứt pháo vào chân cẳng mấy cô mấy dì, cũng hơi nguy hiểm, hay là vứt pháo vào chỗ mấy con chó đang ngủ. Chó đứng dậy chạy oăng oẳng là tụi con nít sướng lắm. Đủ kiểu nghịch.” Ông cười nhăn mặt. “Tới tám, chín giờ tối 30 Tết, trước đêm khuya, những con lợn béo mập bị lôi ở trong chuồng ra chọc tiết, kêu éc éc um xùm. Cảnh đấy dễ sợ lắm, bây giờ nghĩ thấy khủng khiếp luôn. Trẻ con tụi bác đứng xem giết lợn đó, để chờ có một chuyện thôi, tới khi người ta làm xong, mổ bụng thì xin được cái bong bóng của con lợn, dặn mấy chú đừng làm thủng bong bóng của tui nha, nói mấy chú xát muối vào cho nó mềm ra rồi thổi lên cho mình. Hồi xưa làm gì có bóng bay đâu, nên xin cái bong bóng đó làm quà Tết thích lắm, làm gì có cái gì khác.
Khi giao thừa, ông nội đứng ra cúng tổ tiên rồi bắt cháu đích tôn đi theo. Ông nội đi tới đâu, bác Thành theo tới đó. Ông nội có trách nhiệm lo việc cúng lễ trong nhà, còn các cô các dì thì lo nấu nướng đủ thứ đồ ăn, như hội thi nữ công gia chánh vậy. Món gan thì làm đủ thứ kiểu gan. Gà thì vào chuồng bắt nó thôi. Vịt thì nuôi trong cái sân rộng, nó chạy cả đàn thế này nè, không phải nhào qua mà nắm nó được. Người ta cầm cây sào dài, thấy con nào chạy qua mà nhắm bắt thì lấy cây sào đè cổ nó xuống rồi tới nắm đầu nó xách đi. Con gà thì cầm cổ rồi cầm hai cái cánh cái chân, con vịt thì cổ dài nên không khi nào bắt con vịt mà cầm cái mình nó cả, chỉ cầm cái cổ nó dỡ lên thôi là nó hết rục rịch rồi… Ba mươi Tết là thức suốt, rồi ông nội cho tiền mấy đứa cháu đi đánh bài. Bài trùng, bài cát tê(2), bài nọ, bài kia… Các chú, các cô, các dì, các cháu từ bao nhiêu nơi về chia ra từng nhóm từng nhóm đánh bài… Cả nhà quây quần bên nhau thật rộn ràng.”
Cứ như thế, hình ảnh cái Tết sum vầy dần dần mở ra bức tranh về thời ấu thơ của ông tại miền quê Quảng Nam những năm 30 của thế kỷ XX, và mở đầu cho câu chuyện dài về những con người “tầm cỡ” trong gia đình đã nuôi nấng nên một Bùi Kiến Thành của ngày hôm nay.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.