Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Bước Mở Đầu Của Sự Mở Rộng Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Xuân Thọ

NHỮNG MỤC TIÊU ĐẦU TIÊN CỦA PHÁP TẠI VIỆT NAM – HIỆP ƯỚC VERSAILLES 1787

Vào năm 1497, khi mà Vasco de Gama(1) đi vòng quanh Hảo Vọng giác (Cap de Bonne Espérance), và năm 1521, Magellan đi cắt ngang mũi đất cực Nam châu Mỹ, thì người ta biết từ nay có thể đi thẳng bằng đường biển từ bờ biển châu Âu sang bờ biển Thái Bình Dương. Và công cuộc “thực dân hóa” những vùng đất thuộc bờ biển đó bắt đầu.

Đây không phải là một công cuộc thực dân chiếm thuộc địa theo nghĩa hiện đại của từ này. Các dân cư (ngoại trừ đôi khi việc buôn bán nô lệ) cũng như việc khai thác nông nghiệp, hoặc hầm mỏ, chưa lôi cuốn các kẻ đi chinh phục; người ta chỉ đi tìm một cái cảng thiên nhiên sẵn có, để thuận ra vào và người ta thực hiện với cư dân địa phương những cuộc đổi chác có lợi, trong đó mỗi người đổi những thứ ít giá trị, theo ý họ, lấy những thứ có giá trị lớn hơn cho mình.

Dĩ nhiên, xứ Hindoustan, mũi đất châu Á gần nhất đối với các đường giao thông châu Âu, là địa điểm đầu tiên người ta đặt chân lên. Người Bồ Đào Nha đã đổ bộ lên đây trong thế kỷ XV, rồi tiếp tục đi xa nữa đến tận bờ biển các nước nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc mà họ đặt tên cho là “Indo-chine” (Ấn Độ – Trung Quốc).

Năm 1511, Albuquerque xây dựng lên tại mỏm cuối bán đảo Malaysia một thành phố là Malacca; thành phố này đã nhanh chóng trở nên phồn thịnh giàu có và trong một thời gian dài là trung tâm thương mại chính của Âu châu, nằm giữa Trung Quốc, vùng Đại quần đảo châu Á, và Hindoustan.

Nước Pháp đã rất nhanh chóng thay chân Bồ Đào Nha trong sự nghiệp truyền đạo tại Đông Dương (tức Indochine), nhờ sự hoạt động cá nhân của linh mục Alexandre de Rhodes, thuộc dòng Jésuites (Dòng Tên), đã không ngừng làm công tác tuyên truyền tại Rome, rồi tại Pháp, với những nhân vật thân cận của Richelieu, và từ 1625 đến 1630, đã phát triển Kitô giáo tại Nam bộ và Bắc bộ. Chẳng bao lâu, những bài ký sự của vị giáo sĩ, Giám mục “vùng ngoại đạo” Francois Pallu, đã làm cho người ta chú ý nhiều đến các cư dân Việt Nam.

Vua Louis XIV quan tâm nhất là nước Xiêm. Vua đã gửi sang Xiêm nhiều phái đoàn với nhiệm vụ đàm phán về những quan hệ buôn bán, hữu nghị và cả khuyên nhà vua Xiêm theo đạo. Vua Xiêm đáp lại vinh dự mà vua nước Pháp đã dành cho mình; vậy là các phái đoàn Xiêm được tiếp đón tại cung điện Versailles, trước con mắt ngạc nhiên của các triều thần. Nhưng rồi chẳng bao lâu một phong trào bài ngoại mãnh liệt xuất hiện tại Xiêm; người Pháp bị bắt giam, hoặc bị trục xuất, và thế là vấn đề nước Xiêm, đã từng khơi gợi bao niềm hy vọng lớn, bỗng trở thành một con số không.

Vả lại, “công ty Ấn Độ”(2) đã nghĩ chuyện lập một thương điếm tại một vài đảo ngoài khơi bờ biển Việt Nam: từ 1686, một trong các nhânviên công ty đưa ra đề nghị chiếm Côn Đảo. Lúc đầu, không ai đáp ứng, nhưng rồi các thống đốc những thương điếm của Pháp tại Ấn Độ, Dumas và Dupleix, đã đưa ra lại đề án ấy.

Sau khi ký kết hiệp định Aix-la-Chapelle, năm 1748, công ty đã giao cho Pierre Poivre, vừa từ Viễn Đông về và có viết một báo cáo chi tiết về các tài nguyên Việt Nam, trách nhiệm thành lập tại nước này một chi nhánh. Pierre Poivre đến Đà Nẵng năm 1749, được vua Võ Vương đón tiếp tử tế ngay tại Huế; tuy nhiên, những cố gắng của ông không đi đến thành công. Mặc dù vậy, đề án trên vẫn được đưa ra lại mấy lần nữa (1753 – 1755). Sau Hiệp định Paris, một ủy ban được thành lập nhằm mục đích cổ vũ cho sự thành lập một chi nhánh công ty tại Nam bộ Việt Nam “để nó có thể, trong một chừng mực nào đó, đạt được những quyền lợi cân bằng với những quyền lợi nước Anh đã đạt được” (tại Ấn Độ). Ủy ban này rất lo sợ nước Pháp sẽ bị Anh, đi trước mình, ở Nam bộ.

Về thực tế, chính tham vọng của một ông hoàng Việt Nam muốn chiếm lại ngôi báu, bằng cách dựa vào một vị giáo sĩ Pháp, sẽ thuyết phục Louis XVI nghĩ tới một cuộc vũ trang can thiệp vào Việt Nam.

Tại Việt Nam, lúc này, giữa chúa Trịnh ở phía Bắc và chúa Nguyễn ở phía Nam, đang có một cuộc phân tranh quyết liệt. Sông Gianh là đường ranh giới giữa hai bên. Cuộc phân tranh bắt đầu từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX mới chấm dứt, với sự tiêu diệt thế lực họ Trịnh. Những trận đánh không xảy ra liên tục.

Trong giai đoạn đầu (1620-1674), hai bên đã có những lực lượng quan trọng. Quân Nguyễn ra sức củng cố những nơi phòng thủ tự nhiên, dọc biên giới của mình và xây đắp chủ yếu là hai bức tường thành lớn, chặn lối đi của quân Bắc vào: lũy Trường Dục (1630), dọc theo sông Nhật Lệ và lũy Đồng Hới (1631), từ chân núi Đâu Mâu đến cửa sông Nhật Lệ.

Theo dòng thời gian, những cuộc nổi loạn và phiến động, do hậuquả của những cuộc chiến liên miên, giữa hai dòng họ Trịnh-Nguyễn, làm cho kiệt sức cả hai miền Bắc cũng như Nam, dẫn tới một cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân. Năm 1773, ba anh em quê làng Tây Sơn, tỉnh Bình Định, là Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Văn Lữ(3) lãnh đạo phong trào nổi dậy của nhân dân và đuổi chúa Định Vương Nguyễn Phước Thuần (1765-1777). Định Vương phải rời bỏ Huế, trốn vào Nam Bộ, tìm nơi ẩn lánh. Quân Tây Sơn đuổi theo, vào Sài Gòn năm 1777, bắt được Định Vương tại Long Xuyên và xử tử vào giữa tháng 10 năm 1777 tại Sài Gòn(4) (Định Vương lúc này 24 tuổi), cùng một lúc với Nguyễn Phước Dương(5).

Quân Trịnh lợi dụng lúc quân Nguyễn đang phải đối phó với quân Tây Sơn, để gây lại chiến sự bị gián đoạn mất một trăm năm đình chiến (1674-1774) và chiếm được Huế.

Quân Trịnh đã nhân thời gian ngưng chiến này tiến hành tước đoạt của nhà Lê đang trị vì ở miền Bắc, mọi quyền hành thực tế. Ông vua cuối cùng của nhà Lê, là Lê Chiêu Thống (1781-1788), bị quân Tây Sơn đuổi, được quân Thanh đưa về một thời gian, để rồi lại rút sang Trung Quốc, sau trận đại bại của quân Thanh và mất tại Bắc Kinh năm 1793. Nhưng Nguyễn Phước Ánh(6), con của Nguyễn Phước Luân, là kẻ kế thừa ngôi báu, lúc này mới 13 tuổi, phải lẩn tránh kẻ thù hung dữ nhiều nơi trong nước cùng với chú là vua Huê Vương, để khỏi mất mạng, như nhiều người tổ tiên trong dòng họ đã bị mất ngôi. Nguyễn Phước Ánh, sau này chính là Gia Long.

Sau khi Định Vương Nguyễn Phước Thuần bị giết, Nguyễn Phước Ánh liên tục bị những người nổi dậy truy kích; sau mấy lần mưu đồ chiếm lại giang sơn không thành, Nguyễn Phước Ánh phải lẩn trốn sang Bangkok. Biết mình tứ cố vô thân và trong tay không có một tài sản, một phương tiện nào, ông bèn nghĩ tới chuyện kêu gọi người Hà Lan, người Anh, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha tại Philippines giúp ông khôi phục ngai vàng. Cuối cùng, ông hướng sang nước Pháp, theo lời khuyên nhủ của Pierre Pigneau de Béhaine, vừa được phong làm Giám mục Adran năm 1774, làm Khâm mạng Tòa thánh, thuộc Hội Truyền giáo Lazaristes.

Đối với Pigneau de Béhaine, tất cả mọi phương tiện phục vụ có lợi cho Tòa thánh và nước Pháp đều tốt. Người ta sẽ gặp ông, sau việc đi sứ mà chúng tôi sắp nói tới, trở lại Việt Nam can thiệp vào những vấn đề quân sự, việc binh đao, tỏ ra là một vị tướng lão luyện, khi cần, sẵn sàng gác cây thánh giá lại một bên để cầm lấy thanh gươm. Và người ta cũng sẽ thấy Nguyễn Phước Ánh, nhờ ông ta mà trở thành vua Gia Long(7) sau này, tự mình đọc bài điếu văn trước huyệt vị Giám mục. Vậy là Pigneau de Béhaine đã nhanh chóng nhận thấy được những quyền lợi đáng kể mà Tòa thánh và nước Pháp được hưởng do việc đặt lên ngai vàng của triều đình Huế một nhân vật, sau này sẽ trung thành tận tụy suốt đời. Ông ta vừa được sự tín nhiệm của vị hoàng thân, vừa được sự tín nhiệm của nhà chức trách Pháp, nhờ chức vị Giám mục của mình. Quả ít có dịp may như vậy. Ông tự cho mình có khả năng, nếu người ta phái ông đi Pondichéry (và nếu cần, đi Versailles), nhận sự giúp đỡ của Louis XVI. Ông được trao toàn quyền trong việc đàm phán và mang theo một đại diện của Việt Nam, với tư cách là đặc mệnh toàn quyền: chính vị Đông cung thái tử. Kể ra thì sự ủy nhiệm ấy hoàn toàn tự nhiên nếu như vị toàn quyền đặc mệnh ấy không phải là một cậu bé mới lên năm.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x